Phát triển kiểu dò dẫm, công ty Fintech muốn được thấy vạch kẻ đường và biển cảnh báo
Quá trình chuyển đổi số của Việt Nam có sự đóng góp lớn của các công ty Fintech. Tuy nhiên, nhóm các công ty này lại phải phát triển theo kiểu vừa đi vừa dò...
Chia sẻ tại tọa đàm “Tương lai Tài chính số Việt Nam và ra mắt Đặc san Tương lai Tài chính số” do Tạp chí Đầu tư Tài chính – VietnamFinance tổ chức, Dương Quốc Anh, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, trên thế giới, fintech có 3 ngạch chính gồm: (i) các ngân hàng số hóa các quy trình nghiệp vụ; (ii) các big tech kết hợp và cung cấp dịch vụ cho các ngân hàng, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực tài chính; (iii) các ngân hàng số.
Tuy nhiên, ông Quốc Anh cũng lưu ý, mặc dù hiện tại công nghệ tài chính đang phát triển rất mạnh nhưng cho tới nay, chưa quốc gia nào có thể khẳng định có đủ hệ thống pháp lý về lĩnh vực này.
Tại Việt Nam, chủ yếu Ngân hàng Nhà nước đang đi đầu trong lĩnh vực này. Song, trong 1 báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, Việt Nam hiện có khoảng 40 doanh nghiệp fintech có tên tuổi, 72% fintech kết hợp với các ngân hàng để cung cấp dịch vụ, 28% còn lại hoặc tự phát triển các dịch vụ mới hoặc cạnh tranh với các ngân hàng.
Nói về tốc độ phát triển fintech của Việt Nam, ông Dương Quốc Anh nhận định: “Sự phát triển fintech của Việt Nam rất nhanh, tiềm lực lớn nhưng còn nhiều hạn chế, rủi ro cho các nhà đầu tư”, do quy định pháp lý chưa rõ ràng.
Theo ông Quốc Anh, Fintech đang gặp nhiều vấn đề, đặc biệt liên quan đến pháp lý như quy định chưa rõ ràng, chưa đồng bộ. Một số quy định về thủ tục; vấn đề xác định danh tính khách hàng; chưa có nguồn thông tin đảm bảo về kho dữ liệu; các quy định về hợp đồng điện tử, chữ ký số, tài sản số; các quy định về tố tụng, quyền sở hữu, hình sự cũng chưa rõ ràng.
“Đối với Việt Nam, tôi nghĩ đến lúc này, các fintech nên ngồi lại với nhau để có tiếng nói chung vì lợi ích chung, có thể giải trình với các cơ quan quản lý và cần các buổi hội thảo có cơ quan quản lý. Tôi nghĩ rằng đã đến lúc chúng ta cần có Hiệp hội Fintech. Chúng tôi đang cố gắng thành lập và hướng tới kết hợp chặt chẽ, tổng hợp tiếng nói của các doanh nghiệp fintech”, ông Quốc Anh chia sẻ.
Chung quan điểm, ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông (IPS) cho hay, 5 năm trước, khoảng giữa 2015, Việt Nam đã nói nhiều về fintech. Khi đó, đã có những yêu cầu về khuôn khổ pháp lý, nhưng đến nay fintech Việt Nam lại đi quá chậm.
"Hiện tại chúng ta đang ở giữa một làn sóng công nghệ, về trí tuệ nhân tạo… Chúng ta cần quay lại câu chuyện nên hoàn thiện khuôn khổ pháp lý như thế nào để định hướng rõ đường cho công ty fintech phát triển", ông Đồng nói.
Dưới góc nhìn của doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực tài chính số, ông Tuấn Nguyễn, Chủ tịch của eCap Holding cho biết, tại Việt Nam, tiềm năng phát triển của ngành tài chính số còn rất lớn, trong đó, Fintech rất năng động, có sẵn nguồn lực công nghệ để cung ứng ngay cho thị trường. Tuy nhiên, ở Việt Nam hiện nay, pháp lý về tài chính số vẫn chưa rõ ràng.
Vì vậy, ông Tuấn Nguyễn đề xuất nên có ban hỗ trợ pháp lý cho các Fintech. Bởi lẽ, các Fintech không muốn làm sai nhưng nhiều khi không biết làm thế nào cho đúng khi không có vạch kẻ đường hay biển cảnh báo rõ ràng.
Tại sự kiện, Tạp chí Đầu tư Tài chính - VietnamFinance cũng chính thức ra mắt ấn phẩm “Đặc san Tương lai Tài chính số”.
Trong ấn phẩm đặc biệt này, Tạp chí đã đăng tải các bài viết/thông điệp của các lãnh đạo Chính phủ, bộ ngành và các chuyên gia hàng đầu về sự phát triển của nền kinh tế - tài chính số tại Việt Nam, từ những thành tựu, hạn chế trong quá trình phát triển đến những gợi mở về chiến lược, chính sách phát triển.
Bên cạnh đó, ấn phẩm cũng làm rõ cơ hội, thách thức trong tiến trình số hóa doanh nghiệp, nhất là trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng, từ đó gợi mở giải pháp cũng như nêu ra kiến nghị với cơ quan quản lý nhằm tạo điều kiện cho thị trường tài chính số phát triển.