Phát triển kinh tế bền vững nhờ nguồn vốn vi mô Tình thương
Với điều kiện vay vốn đơn giản, không cần tài sản thế chấp, cấp và nhận vốn ngay tại nơi người dân sinh sống, những năm qua Tổ chức Tài chính vi mô Tình thương (TYM) chi nhánh Thanh Hóa đã tạo nên một 'đòn bẩy' hữu hiệu nhằm tăng cường sự tự tin của phụ nữ, thúc đẩy họ tham gia vào các hoạt động sản xuất, kinh doanh, tăng thu nhập, thoát nghèo, từ đó khẳng định vai trò và vị thế trong gia đình và xã hội.
Cơ sở sản xuất túi xách siêu thị xuất khẩu của chị Nguyễn Thị Sâm, thành viên TYM cụm 18, thôn Phú Lương, xã Hưng Lộc (Hậu Lộc).
Nhiều chị em vươn lên thoát nghèo bền vững, không chỉ bảo đảm cuộc sống cho gia đình mà còn tạo việc làm cho nhiều chị em khác tại địa phương. Tiêu biểu như chị Nguyễn Thị Sâm, thành viên TYM cụm 18, thôn Phú Lương, xã Hưng Lộc (Hậu Lộc). Là một trong những người đạt giải “Vì cộng đồng” trong cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp năm 2021 với dự án tiêu biểu “May gia công công nghiệp túi siêu thị xuất khẩu”. Năm 2018, TYM chi nhánh Thanh Hóa triển khai hoạt động tại xã Hưng Lộc, chị Sâm đã đăng ký vay 30 triệu đồng theo hình thức trả dần trong vòng 12 tháng để mua 8 máy may công nghiệp may gia công túi xách siêu thị. Sau 1 năm, chị đã trả hết số tiền vay vốn vòng 1 và tiếp tục vay vốn vòng 2. Hiện, cơ sở may gia công của gia đình chị đang tạo việc làm cho 150 chị em, trong đó có 30 người làm việc thường xuyên tại xưởng may, 120 người làm việc theo thời vụ với mức thu nhập khoảng 5 triệu đồng/người/tháng. Hàng năm, sau khi trừ chi phí, gia đình chị có thu nhập hơn 700 triệu đồng.
Hay chị Phùng Thị Phương ở cụm 97, tổ dân phố Liên Thành, phường Hải Châu (thị xã Nghi Sơn), ban đầu mở cơ sở sản xuất gặp không ít khó khăn khi tiếp cận nguồn vốn vay. Năm 2012, chị vay 7 triệu đồng từ TYM để đầu tư mua vật liệu, máy móc và các thiết bị. Các vòng vốn sau chị đều vay mức vốn tối đa, cùng với nguồn vốn của gia đình chị tiếp tục đầu tư mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh các sản phẩm lưới sợi, lồng đánh bắt hải sản. Hiện, cơ sở sản xuất của chị đang thuê 5 công nhân chính với mức thu nhập từ 8 - 12 triệu đồng/người/tháng và thuê hơn 10 lao động thời vụ trả công ngày với mức thu nhập từ 5 - 7 triệu đồng/người/tháng. Hàng năm, sau khi trừ chi phí gia đình chị có mức thu nhập khoảng 500 triệu đồng/năm. Kinh tế gia đình chị từng bước phát triển theo chiều hướng đi lên và thoát nghèo một cách bền vững. Từ ngôi nhà cấp bốn đơn sơ, tạm bợ, chị đã xây được căn nhà kiên cố, khang trang trên mảnh đất của chính mình. “Vay vốn ở TYM thủ tục đơn giản, không phải đi xa, cán bộ về thu vốn, phát vốn ngay tại thôn, phố rất thuận tiện. Vay vốn ở TYM lại được trả dần hàng tháng, hết kỳ hạn là cũng hoàn trả hết vốn rất nhẹ nhàng; nguồn vốn vay của TYM tuy nhỏ nhưng đã làm thay đổi lớn cuộc đời tôi” - chị Phương chia sẻ.
Ông Thạch Quang Vinh, Phó giám đốc TYM chi nhánh Thanh Hóa, cho biết: Hiện nay, TYM chi chánh Thanh Hóa đang hoạt động trên địa bàn 7 huyện, thị xã, thành phố, với 667 cụm, 26.088 thành viên. Từ đầu năm 2023 đến nay, TYM đã phát vốn được hơn 257 tỷ đồng, đạt 120% kế hoạch, dư nợ hơn 426 tỷ đồng; dư tiết kiệm hơn 177 tỷ đồng. Phát vốn cho 154 thành viên nghèo, cận nghèo, trong đó vốn chính sách phát gần 1,5 tỷ đồng, dư nợ hơn 3,2 tỷ đồng; vốn cận nghèo phát gần 3,1 tỷ đồng, dư nợ hơn 6,2 tỷ đồng. Trong những năm qua, TYM với sứ mệnh “Cải thiện chất lượng cuộc sống của các cá nhân, hộ gia đình có thu nhập thấp, đặc biệt ưu tiên phụ nữ nghèo, yếu thế thông qua các dịch vụ tài chính và phi tài chính, tạo cơ hội cho phụ nữ tham gia vào các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội. Từ đó giúp cho những phụ nữ yếu thế trở nên mạnh mẽ, có niềm tin hơn vào cuộc sống và quan trọng hơn là làm thay đổi chính cuộc đời họ.