Phát triển kinh tế cho đồng bào dân tộc vùng cao
Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp sinh thái Efarm É Tòng (xã É Tòng, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La) liên kết sản xuất, kết nối đưa các sản phẩm nông sản đặc trưng của nông dân đến với thị trường trong và ngoài tỉnh, hỗ trợ các hộ thành viên phát triển sản xuất hiệu quả, tạo sinh kế cho đồng bào dân tộc vùng cao cùng vươn lên thoát nghèo.
Hiệu quả mô hình nuôi gà đen H'Mông thương phẩm thả vườn tại xã É Tòng, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La
HTX Nông nghiệp Sinh thái EFARM É Tòng phát triển chăn nuôi gà đen H'Mông, góp phần bảo tồn giống gà đen H'Mông bản địa. Hợp tác xã chăn nuôi theo hướng thực phẩm sạch, không dùng các chất kích thích trong chăn nuôi, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Gà đen H'Mông không giống những loại thịt của các giống gà khác, thịt gà H'Mông có màu đen, chất lượng cao, hương vị đặc trưng và được nhiều người sử dụng như là một vị thuốc hỗ trợ chữa trị nhiều bệnh tật. Hợp tác xã phát triển chăn nuôi gà đen H'Mông để tạo sinh kế, phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo cho người dân. Phát triển chăn nuôi gà đen H'Mông theo hướng thả đồi, đảm bảo vệ sinh môi trường, không gây ô nhiễm và ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân.
Chị Lò Thị Bưởi, Giám đốc HTX, chia sẻ: Cuối năm 2021, chị và 5 hộ dân trong xã tham gia dự án nuôi gà đen giống bản địa theo hướng an toàn sinh học do Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện triển khai, với quy mô trên 3.000 con. Sau 4 tháng được cán bộ tận tình hướng dẫn cách chăm sóc, phòng bệnh, đàn gà lớn nhanh, phát triển tốt, thịt săn chắc, chất lượng thơm ngon, hàm lượng mỡ thấp hơn hẳn các giống gà khác và là vị thuốc quý trong dân gian, có đầu ra ổn định. Khi xuất bán đúng dịp Tết Nhâm Dần năm 2022, được nhiều khách hàng ưa chuộng. Thấy hiệu quả từ mô hình, tháng 2/2022, chị đã đứng ra vận động các gia đình có diện tích đất canh tác liên kết thành lập HTX, mở rộng quy mô nuôi, sau 2-3 tháng, HTX lại xuất 1 lứa.
Đến nay, HTX đã xuất bán hơn 7.000 con gà, trọng lượng bình quân từ 1,2-2 kg/con và được bán theo yêu cầu của khách (bán nguyên con hoặc mổ sẵn hút chân không), với giá từ 150.000- 180.000 đồng/kg.
Bên cạnh phát triển nuôi gà bản địa, nhận thấy khách hàng có nhu cầu cao về thịt lợn đen bản địa, HTX đã nuôi 100 con lợn thịt, không sử dụng cám tăng trọng nên chất lượng thịt tốt, thơm ngon; giá bán từ 70.000-75.000 đồng/kg hơi, được khách hàng ưa chuộng tìm đến đặt mua, nhiều lúc không đủ để bán ra thị trường.
Nhằm đa dạng hóa sản phẩm, HTX còn trồng 3ha lạc, đậu xanh, đỗ tương. Hơn nữa, nhận thấy đẳng sâm là loại dược liệu mang lại giá trị kinh tế cao, phù hợp điều kiện nơi đây, HTX đã chủ động trồng 2 ha đẳng sâm, liên kết tìm đầu ra thương lái ở tỉnh Điện Biên, HTX đã xuất bán được 600 kg khô, với giá 150 nghìn đồng/kg và 2 tấn đẳng sâm tươi, với giá 28 nghìn đồng/kg.
Nông sản của HTX được chào bán trên mạng xã hội, các cửa hàng thực phẩm sạch Hà Nội, Huế và một số tỉnh, thành khác trong toàn quốc, thu trên 2 tỷ đồng; trung bình mỗi hộ thành viên thu trên 200 triệu đồng.
Hội LHPN xã É Tòng đã tạo điều kiện cho HTX tiếp xúc và vay các nguồn vốn, giúp quảng bá sản phẩm tới thị trường. Tuy nhiên HTX cũng không tránh khỏi những khi khó khăn về thiếu vốn để mở rộng sản xuất.
Dù mới thành lập, song các sản phẩm của HTX đã có uy tín trên thị trường. Năm 2023, HTX mở rộng quy mô sản xuất, liên kết với người dân trong và ngoài xã nuôi 400 con lợn đen, 30.000 con gà đen; trồng 10 ha đậu đỗ các loại và 5 ha đẳng sâm. Đồng thời, phối hợp xây dựng trứng gà đen bản địa thành sản phẩm đặc trưng của xã É Tòng và là sản phẩm OCOP của huyện, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho các thành viên và người dân tham gia chuỗi liên kết. HTX cũng mong muốn được tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển các mô hình kinh tế hiệu quả.
Với hướng đi đúng, HTX nông nghiệp sinh thái Efarm không chỉ hỗ trợ các hộ thành viên phát triển sản xuất hiệu quả, mà còn tạo ra sản phẩm đặc trưng, kết nối tiêu thụ, đưa nông sản, đặc sản vùng cao Thuận Châu vươn xa, được thị trường, người tiêu dùng ưa chuộng, tạo sinh kế cho đồng bào dân tộc vùng cao cùng vươn lên thoát nghèo.
Hợp tác xã Nông nghiệp sinh thái EFARM
Địa chỉ: Bản Tở, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La
Điện thoại: 098.437.3569 - 0868.473699