Phát triển kinh tế đi đôi với giải quyết tốt các vấn đề xã hội

Đội CTXH Bệnh viện Đa khoa tỉnh tham gia hội thi CTXH do Sở LĐ-TB-XH tổ chức. Ảnh: KIM CHI

Công tác xã hội (CTXH) hay trợ giúp xã hội là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của các cấp chính quyền và các đoàn thể nhằm giúp đỡ, hỗ trợ cho những người có hoàn cảnh đặc biệt, gặp khó khăn và khó hòa nhập với cộng đồng.

Nhân kỷ niệm Ngày CTXH 25/3, trao đổi với phóng viên Báo Phú Yên về việc phát triển nghề CTXH trên địa bàn tỉnh, bà Phạm Thị Minh Hiền, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH cho biết:

- Từ năm 2016, Thủ tướng Chính phủ quyết định lấy ngày 25/3 hàng năm là Ngày CTXH Việt Nam nhằm tôn vinh giá trị cao quý, ý nghĩa nhân văn của nghề CTXH, ghi nhận vai trò và đóng góp của người làm CTXH. Từ đó thu hút sự quan tâm của các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia trợ giúp các cá nhân, gia đình và cộng đồng vượt qua hoàn cảnh khó khăn, phát huy vai trò của người làm CTXH để hướng tới một xã hội ấm no, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc.

Bà Phạm Thị Minh Hiền

Bà Phạm Thị Minh Hiền

* Với Phú Yên, nghề CTXH có vai trò như thế nào, thưa bà?

- Là tỉnh có địa hình phức tạp, kinh tế - xã hội khó khăn, Phú Yên còn nhiều đối tượng cần trợ giúp xã hội. Do đó, thời gian qua, chính quyền tỉnh đã và đang nỗ lực phát triển nghề CTXH, tiến tới đảm bảo an sinh xã hội cho mọi người dân. Nghề CTXH đã và đang có vai trò quan trọng đối với sự phát triển bình đẳng và tiến bộ của xã hội, góp phần giải quyết các vấn đề xã hội liên quan đến đời sống của từng cá nhân, từng nhóm nhỏ và cộng đồng những người yếu thế. Đặc biệt, trong thời gian dịch COVID-19 bùng phát, những người làm CTXH đã cùng chung tay phòng chống dịch, trợ giúp các đối tượng yếu thế bằng nhiều cách khác nhau.

* Bà có thể cho biết kết quả triển khai hoạt động CTXH của tỉnh trong thời gian qua?

- Trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội và qua hơn 10 năm thực hiện đề án Phát triển nghề CTXH, tỉnh đã tích cực triển khai và đạt được những kết quả đáng khích lệ. Mạng lưới cơ sở cung cấp dịch vụ CTXH phát triển theo hướng bền vững bao gồm các cơ sở công lập: Trung tâm Nuôi dưỡng người có công và Bảo trợ xã hội, Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập, Trung tâm CTXH Phú Yên; cơ sở ngoài công lập như: Trung tâm Nuôi dưỡng trẻ mồ côi - Mái ấm chùa Hải Sơn (TX Sông Cầu), Cơ sở bảo trợ xã hội Mằng Lăng và Trung tâm Cứu trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi xã Xuân Lộc (TX Sông Cầu)… đã và đang cung cấp dịch vụ xã hội cho hơn 1.000 đối tượng với các dịch vụ chăm sóc nuôi dưỡng, khám chữa bệnh, tham vấn, tư vấn, dạy văn hóa, điều trị nghiện ma túy…

Phú Yên đã xây dựng được hệ thống tổ chức nhân sự CTXH tương đối phù hợp và đã đi vào hoạt động. 100% xã, phường, thị trấn đã có cộng tác viên, nhân viên CTXH hơn 800 người. Hiện nay, đối tượng bảo trợ xã hội trên địa bàn tỉnh có đời sống vật chất, tinh thần tương đối đầy đủ. Đây là nỗ lực rất lớn của các cấp, ngành và cả hệ thống chính trị của tỉnh cùng với sự phát triển của các dịch vụ hỗ trợ xã hội, là giải pháp hữu hiệu bảo đảm quyền lợi cho nhóm người yếu thế, góp phần giảm thiểu những rào cản và bất bình đẳng trong xã hội.

* Trong bối cảnh dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp, việc phát huy vai trò của nhân viên CTXH có ý nghĩa như thế nào, thưa bà?

- 2 năm vừa qua, trong bối cảnh đại dịch COVID-19, Đảng, Nhà nước và các ngành đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn. Trong đó, việc hỗ trợ gạo là một trong các chính sách nhân văn, kịp thời giúp người dân vượt qua khó khăn.

Đến đầu năm 2022 này, dịch bệnh vẫn chưa được kiểm soát trên diện rộng, nếu chúng ta làm tốt CTXH sẽ góp phần quan trọng để thực hiện mục tiêu kép: vừa phát triển kinh tế - xã hội, vừa phòng chống dịch bệnh hiệu quả. Để phát huy được vai trò này, ngoài ngân sách Nhà nước, việc huy động các nguồn lực hỗ trợ, đóng góp từ cộng đồng rất quan trọng cho hoạt động xã hội, đảm bảo an sinh. Những người yếu thế trong xã hội như người lang thang xin ăn, người có hoàn cảnh khó khăn, người bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh… đều là đối tượng trợ giúp khẩn cấp của xã hội. Những người làm CTXH đã tích cực tham gia trợ giúp các đối tượng này và các cá nhân, gia đình gặp hoàn cảnh khó khăn. Bên cạnh nguồn lực trợ giúp từ Nhà nước, các sở, ban ngành trong tỉnh cũng đẩy mạnh vận động nguồn lực xã hội để thực hiện chính sách, cùng cộng đồng chia sẻ khó khăn với những người yếu thế, người dân bị ảnh hưởng do thiên tai, dịch bệnh.

* Theo bà, làm thế nào để tiếp tục phát huy nghề CTXH?

- Quá trình chuyên nghiệp hóa CTXH đã được coi như một vấn đề quan trọng góp phần giải quyết các vấn đề xã hội do mặt trái của phát triển kinh tế sinh ra. Đây cũng là quan điểm xuyên suốt của Đảng, Nhà nước là tăng trưởng, phát triển kinh tế phải đi đôi với quan tâm, giải quyết tốt các vấn đề xã hội, ưu tiên cho mục tiêu giảm nghèo, trợ giúp các đối tượng yếu thế. Hệ thống chính sách an sinh xã hội ở Việt Nam không ngừng được hoàn thiện và phát triển. Các chính sách an sinh xã hội ngày càng toàn diện hơn, đối tượng trợ giúp từng bước được mở rộng, mức trợ cấp ngày càng được nâng cao hơn, cơ hội tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản ngày càng tốt hơn…

Trong giai đoạn 2021-2030, tỉnh ta đặt mục tiêu tăng cường quản lý nhà nước đối với phát triển CTXH phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội địa phương. Tiếp tục duy trì, củng cố đội ngũ cán bộ, viên chức, nhân viên CTXH để thực hiện các chương trình đảm bảo an sinh xã hội. Đồng thời từng bước phát triển mạng lưới các cơ sở cung cấp dịch vụ CTXH. Trên tinh thần đó, địa phương tiếp tục triển khai các giải pháp để khắc phục các hạn chế khách quan và chủ quan trước mắt. Đó là sự thiếu đa dạng của các dịch vụ CTXH, chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân. Cơ sở vật chất, trang thiết bị của các cơ sở cung cấp dịch vụ CTXH còn thiếu. Năng lực cung cấp dịch vụ CTXH và chăm sóc, trợ giúp các đối tượng của các cơ sở hiệu quả chưa cao. Đội ngũ nhân sự còn mỏng…

Sở LĐ-TB-XH sẽ tham mưu cho tỉnh tiếp tục nâng cao và đa dạng hóa các dịch vụ CTXH tại các cơ sở trợ giúp xã hội. Ngoài việc chăm sóc, nuôi dưỡng còn phải quan tâm đến các hoạt động học văn hóa, học nghề, phục hồi chức năng, thể dục thể thao, vui chơi giải trí, kỹ năng sống; tư vấn, tham vấn... Tiếp tục duy trì và phát huy hơn nữa các phong trào từ thiện, hỗ trợ nhân đạo với nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Phát hiện và có những hoạt động hỗ trợ kịp thời đối với những hoàn cảnh rủi ro, bất hạnh. Đồng thời có sự liên kết phối hợp chặt chẽ nhằm nâng cao chất lượng các hoạt động và phong trào từ thiện tình thương.

* Xin cảm ơn bà!

Theo kế hoạch triển khai đề án CTXH giai đoạn 2021-2030, tỉnh đặt ra mục tiêu tiếp tục đẩy mạnh phát triển CTXH tại các cấp, ngành. Phấn đấu đến năm 2025, đạt 60% số cơ quan, tổ chức, cơ sở trợ giúp xã hội, cơ sở cai nghiện ma túy, trường học, bệnh viện và đơn vị liên quan thực hiện phân công, bố trí nhân sự làm CTXH. Đến năm 2030, bảo đảm ít nhất 90% trẻ em mồ côi không nơi nương tựa, trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em nhiễm HIV/AIDS, trẻ em là nạn nhân chất độc hóa học, trẻ em khuyết tật nặng và trẻ em bị ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh được trợ giúp và được cung cấp dịch vụ CTXH phù hợp từ nguồn lực xã hội hóa...

KIM CHI (thực hiện)

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/141/272416/phat-trien-kinh-te-di-doi-voi-giai-quyet-tot-cac-van-de-xa-hoi.html