Phát triển kinh tế đi đôi với xây dựng xã hội ổn định, hài hòa
Phát triển kinh tế đi đôi với xây dựng xã hội ổn định, hài hòa, đảm bảo môi trường sinh thái; quyết liệt xử lý những dự án chậm tiến độ, tăng tốc tháo gỡ điểm nghẽn trong hoàn thiện chính sách địa phương. Đây là những nội dung cốt lõi được thảo luận tại cuộc họp Hội đồng Nhân dân cuối năm các tỉnh Hưng Yên, Quảng Ngãi, Thái Nguyên.
Năm 2025 - Năm tăng tốc bứt phá
Ngày 10/12, tại Kỳ họp thứ 23, HĐND tỉnh Hưng Yên khóa XVII, nhiệm kỳ 2021 - 2026, Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên Nguyễn Hữu Nghĩa nhấn mạnh, năm 2025 là năm cuối nhiệm kỳ, là năm tăng tốc, bứt phá, về đích, có ý nghĩa quyết định đối với việc thực hiện hoàn thành Kế hoạch 5 năm giai đoạn 2021 - 2025 và Nghị quyết Đại hội XIX của Đảng bộ tỉnh.
Năm 2025, tỉnh Hưng Yên đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế tăng 8%; chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 10%; giá trị sản xuất công nghiệp và xây dựng tăng 11%; thương mại dịch vụ tăng 3%; nông nghiệp thủy sản tăng 5,5%; tổng sản phẩm bình quân đầu người đạt 131,4 triệu đồng; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội 78.855 tỷ đồng; kim ngạch xuất khẩu 8.500 triệu USD. Tỉnh cũng đặt mục tiêu thu ngân sách trên địa bàn 44.923 tỷ đồng; đô thị hóa đạt 48%; phấn đấu có thêm 10 - 15 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, 1 huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 1 huyện đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.
Để đạt kế hoạch đề ra, Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên Nguyễn Hữu Nghĩa đề nghị UBND tỉnh, các sở, ngành, địa phương tập trung mọi nguồn lực với mức độ ưu tiên cao nhất để lãnh đạo, chỉ đạo thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh đi đôi với xây dựng xã hội ổn định, hài hòa và bảo vệ môi trường sinh thái; tập trung cao độ hơn nữa cho bổ sung, hoàn thiện, tháo gỡ vướng mắc trong hệ thống pháp luật, tạo đột phá phát triển của tỉnh trong tình hình mới. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ, sớm hoàn thành các công trình, dự án phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, trọng tâm là hệ thống giao thông, các công trình, dự án quy mô lớn, trọng điểm mang tính kết nối, có sức lan tỏa rộng, mở rộng không gian phát triển; phát triển mạnh công nghiệp công nghệ cao gắn với đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa, hình thành các khu đô thị lớn, sinh thái, hiện đại và phát triển kinh tế đô thị, thương mại, dịch vụ.
Năm 2024, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) năm 2024 ước tăng 7,7% (kế hoạch tăng 7,5% - 8%); chỉ số sản xuất công nghiệp tăng cao nhất trong vòng 5 năm trở lại đây (tăng 10,25%); tổng thu ngân sách ước 40.114 tỷ đồng, đạt 122,2% so với dự toán, tăng 23,6% so với cùng kỳ năm 2023; thu hút đầu tư, điều chỉnh đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt mức cao nhất từ trước đến nay (đạt 1,4 tỷ USD); kim ngạch xuất khẩu ước đạt 7.200 triệu USD, tăng 16,03% so với năm 2023 và vượt 2,86% so với kế hoạch năm (kế hoạch 7.000 triệu USD).
Công khai các dự án chậm tiến độ
Chiều 10/12, Kỳ họp thứ 29 HĐND tỉnh Quảng Ngãi khóa XIII, nhiệm kỳ 2021 - 2026 đã diễn ra phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với các nhóm vấn đề đầu tư, xây dựng, an toàn thực phẩm, giảm nghèo.
Trả lời chất vấn của đại biểu về nguyên nhân Dự án Khu du lịch Thiên Đàng trong Khu kinh tế Dung Quất chậm tiến độ kéo dài, gây lãng phí, quyền Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Đức Trung cho biết, dự án được đầu tư năm 2005 với nguồn vốn 1.800 tỷ đồng. Trong các năm 2021 - 2023, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã nhiều lần tổ chức họp, bàn xem xét tiếp tục hỗ trợ nhà đầu tư hay chấm dứt dự án nhưng chưa thực hiện được. Phương án xử lý đối với Khu du lịch Thiên Đàng là vấn đề rất phức tạp. Khu du lịch Thiên Đàng là dự án lớn, chủ doanh nghiệp cũng là đơn vị tiên phong khi tỉnh kêu gọi, thu hút đầu tư. Bên cạnh việc doanh nghiệp chậm trễ trong đầu tư, cơ quan chức năng, chính quyền địa phương của tỉnh đến nay chưa bàn giao đủ mặt bằng sạch cũng đã ảnh hưởng đến dự án. Năm 2025, ngành chức năng tỉnh sẽ phối hợp với Ban Quản lý Khu kinh tế Dung Quất rà soát lại toàn bộ dự án để có giải pháp phù hợp, không gây lãng phí đất đai những cũng không ảnh hưởng đến nhà đầu tư.
Về việc nhiều địa phương gặp khó khăn bố trí đất nghĩa trang, quản lý nghĩa trang tự phát, đầu tư lò hỏa táng. Phó Giám đốc phụ trách Sở Xây dựng Nguyễn Hữu Hồng cho biết, năm 2016, UBND tỉnh đã phê duyệt Quy hoạch nghĩa trang đến năm 2030 gồm 296 ha; trong đó, xây mới và nâng cấp 42 nghĩa trang, cấp tỉnh 4 nghĩa trang; cấp vùng huyện 8 nghĩa trang; cấp huyện 30 nghĩa trang phục vụ cấp huyện và liên xã. Tỉnh chỉ đạo các địa phương, định hướng quy hoạch để đầu tư, xây dựng nghĩa trang tập trung thay thế nghĩa trang nhỏ lẻ. Đến nay, tỉnh đã đóng cửa 50 nghĩa trang nhỏ lẻ, tự phát, không đảm bảo khoảng cách, môi trường; 33 nghĩa trang buộc phải di dời. Nguyên nhân chậm đóng cửa các nghĩa trang nhỏ lẻ là do thiếu kinh phí, một số địa phương không đủ quỹ đất bố trí nghĩa trang mới, một bộ phận người dân chưa thống nhất di dời...
Phát biểu Kết luận phiên chất vấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bùi Thị Quỳnh Vân nhấn mạnh, ngoài những dự án hoạt động hiệu quả, tại tỉnh vẫn còn nhiều dự án chậm tiến độ. Bí thư Tỉnh ủy đề nghị các sở, ngành rà soát lại các dự án gặp vướng mắc, dự án chậm tiến độ trên tinh thần hỗ trợ nhà đầu tư, áp dụng Luật Đất đai mới, tham mưu UBND tỉnh xử lý dứt điểm những tồn tại trên. Đối với dự án chậm tiến độ nguyên nhân do nhà đầu tư “chây ỳ”, đã được giao đất, cho thuê đất nhưng triển khai chậm cần áp dụng chế tài pháp luật để có phương án xử lý. Phải thực hiện công khai, công bố thông tin các dự án chậm tiến độ trên cổng thông tin của tỉnh để cử tri giám sát.
Về vấn đề thu hút đầu tư xây dựng lò hỏa táng, Bí thư Tỉnh ủy Bùi Thị Quỳnh Vân cho biết, lò hỏa táng là vấn đề cần thiết, cần thu hút đầu tư một cách hợp lý; quan tâm hỗ trợ cho nhà đầu tư tiếp cận đất đai theo quy hoạch, có chính sách hỗ trợ cho nhà đầu tư bằng hình thức phù hợp. Các địa phương cần quản lý tốt nghĩa trang, không nhất thiết xã, phường nào cũng phải có nghĩa trang; tuyên truyền cho nhân dân thực hiện việc chôn cất hợp lý, kiên quyết đóng cửa các nghĩa trang không đảm bảo quy định về môi trường.
Tháo gỡ điểm nghẽn trong phát triển
Từ ngày 9 đến 10/12, Hội đồng nhân dân tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021 - 2026 đã tổ chức Kỳ họp thứ 23 nhằm đánh giá toàn diện kết thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, quyết định nhiệm vụ, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2025, xem xét phân bổ dự toán ngân sách, phân bổ kế hoạch vốn đầu tư công năm 2025. Kỳ họp cũng thảo luận, cho ý kiến vào 48 nội dung lớn, quan trọng về kinh tế - xã hội, ngân sách, đầu tư công của năm 2025, quyết định một số cơ chế, chính sách liên quan đến việc triển khai các luật, nghị định của Chính phủ nhằm xây dựng hành lang pháp lý đầy đủ, đồng bộ, kịp thời, góp phần tháo gỡ khó khăn, điểm nghẽn, tạo động lực mới cho phát triển kinh tế - xã hội…
Tại Kỳ họp, ông Trịnh Việt Hùng, Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên nhấn mạnh, thời gian tới, HĐND tỉnh cần thể chế hóa đầy đủ, kịp thời các chủ trương của Đảng, bảo đảm tiến độ, chất lượng các nghị quyết; triển khai hiệu quả các luật và các quy định pháp luật có liên quan được Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương mới ban hành. UBND tỉnh cần đẩy mạnh thực hiện cải cách hành chính, xây dựng chính quyền kiến tạo phát triển, xây dựng môi trường đầu tư thông thoáng, thuận lợi, minh bạch và công bằng. Các cấp, ngành cần tăng tốc bứt phá thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2024 và 2025, chuẩn bị các điều kiện tổ chức Đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội XIV của Đảng, đồng thời làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống, thúc đẩy, tạo đột phá cho các động lực tăng trưởng mới...
Trước mắt, từ nay đến hết năm 2024 và đến Tết Nguyên đán, Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên yêu cầu các cấp, ngành, địa phương tăng tốc về đích, hoàn thành cao nhất các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2024; chuẩn bị tốt các điều kiện đón Tết cổ truyền vui tươi, lành mạnh, thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, chăm lo Tết các đối tượng chính sách, người có công, hộ nghèo; triển khai nhanh hơn nữa việc xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh xong trước 30/3/2025...
Năm 2025, Thái Nguyên phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế 8,5%, giá trị xuất khẩu tăng 9%, tổng thu ngân sách đạt trên 23.100 tỷ đồng, GRDP bình quân đầu người đạt 132 triệu đồng/người/năm, giảm tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới 0,8% trở lên, tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt trên 95%, ổn định độ che phủ rừng từ 46% trở lên...
Để đạt được mục tiêu này, Thái Nguyên đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng thực hiện các dự án xây dựng hạ tầng các khu, cụm công nghiệp, xây dựng các mô hình liên kết sản xuất với các tỉnh trong vùng trung du miền núi phía Bắc và vùng Thủ đô Hà Nội; chú trọng hình thành cụm liên kết sản xuất trong ngành công nghiệp điện, điện tử, chế biến, chế tạo với các tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh. Tỉnh phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng tập trung, quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, sản xuất an toàn, hữu cơ, tuần hoàn, tập trung giữ vững thương hiệu và phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, nhất là sản phẩm OCOP. Tỉnh thực hiện có hiệu quả chương tình giảm nghèo bền vững; tiếp tục triển khai xóa nhà tạm, dột nát; triển khai kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn; củng cố, hoàn thiện, nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống y tế cơ sở...