Phát triển kinh tế di sản, kinh tế xanh và kinh tế số

Ngày 6/12, tại Nhà hát Duyệt Thị Đường, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô (BTDTCĐ) Huế phối hợp với Viện Nghiên cứu Kiến trúc & Đô thị Hàn Quốc và Công ty TNHH SMC Huế tổ chức Diễn đàn quốc tế lần thứ ba với chủ đề 'Một số định hướng phát triển kinh tế di sản, kinh tế xanh và kinh tế số tại tỉnh Thừa Thiên Huế'. Với sự tham gia của các chuyên gia, nhà nghiên cứu, đại diện các tổ chức quốc tế, cùng nhiều đại biểu đến từ các sở ngành, tổ chức trong và ngoài nước.

Ông Jeon Young Saeng - CEO Công ty YST trình bày tại diễn đàn

Ông Jeon Young Saeng - CEO Công ty YST trình bày tại diễn đàn

Tiếp nối thành công của 2 diễn đàn quốc tế về “Giao thông xanh, đô thị thông minh, xu hướng phát triển của tỉnh Thừa Thiên Huế” và “Huế - Công nghệ thông tin – Thúc đẩy phát triển bền vững” vào năm 2022, 2023 tổ chức tại TP. Huế, diễn đàn lần này thảo luận về các giải pháp và định hướng phát triển kinh tế bền vững, đồng thời chia sẻ các mô hình thành công và kinh nghiệm từ các địa phương khác và quốc tế trong việc phát huy giá trị di sản, thúc đẩy kinh tế xanh và ứng dụng công nghệ số vào các ngành kinh tế.

 Phát triển kinh tế di sản, kinh tế xanh vì sự phát triển bền vững của Huế

Phát triển kinh tế di sản, kinh tế xanh vì sự phát triển bền vững của Huế

Với 3 phiên tham luận về Huế và văn hóa, Huế và CNTT, Huế và phát triển xanh – bền vững, tại chương trình, các diễn giả trình bày các tham luận và cùng chia sẻ về các nội dung như, “Đẩy mạnh giá trị di sản từ góc nhìn kinh tế”, “Giá trị của bảo tàng đối với năng lực cạnh tranh văn hóa của thành phố”; “Ứng dụng metaverse, một xu hướng cho phát triển kinh tế số và quảng bá di sản Huế”, “Quản lý tài nguyên thông tin để bảo tồn, quản lý và sử dụng di sản văn hóa”, “Hue-S đẩy mạnh du lịch số”, “Một số định hướng và triển khai kinh tế xanh vì sự phát triển bền vững ở Huế”…

Dịp này, Trung tâm BTDTCĐ Huế và Viện Nghiên cứu Kiến trúc & Đô thị Hàn Quốc đã ký kết bản ghi nhớ hợp tác thực hiện chương trình nghiên cứu, tư vấn thiết kế tái thiết có chuyên môn cao nhằm phát triển đa dạng mô hình kiến trúc sinh thái lịch sử, công nghiệp văn hóa, dịch vụ du lịch… tại di tích Huế.

LIÊN MINH

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/chinh-tri-xa-hoi/theo-dong-thoi-su/phat-trien-kinh-te-di-san-kinh-te-xanh-va-kinh-te-so-148758.html