'Phát triển kinh tế đô thị Hà Nội': Mở ra những hướng đi đột phá
Để phát huy tối đa tiềm năng của kinh tế đô thị, giúp bứt tốc kinh tế Thủ đô theo các mục tiêu đề ra, TP Hà Nội đã xây dựng Đề án 'Phát triển kinh tế đô thị thành phố Hà Nội' với nhiều giải pháp cụ thể.
Một trong số đó sẽ tập trung quy hoạch khu vực phát triển đô thị với các không gian phát triển kinh tế đô thị quy mô, đặc sắc, vượt trội, đáp ứng được yêu cầu là động lực chính giúp Thủ đô đạt được các mục tiêu cao về tăng trưởng.
Những lợi thế chưa được phát huy
Quy hoạch xây dựng đô thị và phát triển kinh tế đô thị có mối liên quan chặt chẽ với nhau. Quy hoạch hay đầu tư xây dựng đô thị phải tính đến việc phát triển kinh tế đô thị và ngược lại, phát triển kinh tế đô thị phải chú ý đến những yêu cầu của quản lý và phát triển đô thị. Tuy nhiên, tại Hà Nội, thời gian qua, mối quan hệ tương hỗ đa chiều này lại chưa được phát huy, việc quy hoạch và triển khai quy hoạch nhằm khai thác tối đa lợi thế về một Thủ đô ngàn năm văn hiến để phát triển kinh tế đô thị chưa được thực hiện hiệu quả.
Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội Lưu Quang Huy nêu, sau hơn 10 năm thực hiện Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội được duyệt (năm 2011), những định hướng lớn của quy hoạch chưa thực hiện được, các đô thị vệ tinh chưa có nền tảng để hình thành, các khu vực mới trong đô thị trung tâm (Bắc sông Hồng và Đông Vành đai 4) phát triển còn chậm.
Trong khi đó, khu vực nội đô và nội đô mở rộng đang phát triển ngoài dự báo của quy hoạch khiến cho cơ cấu phân bố dân số trở nên mất cân đối và không đạt được các mục tiêu của quy hoạch đã đề ra. Quá trình phát triển đô thị chậm chạp thể hiện ở tỷ lệ đô thị hóa thấp so với mục tiêu quy hoạch, không chỉ ảnh hưởng đến lộ trình phát triển đô thị của Hà Nội mà còn khiến kinh tế đô thị Hà Nội chưa phát huy được những lợi thế của Thủ đô.
Trong lập Quy hoạch Thủ đô giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 mà Hà Nội đang thực hiện, kịch bản tăng trưởng, phát triển, tầm nhìn, định vị đô thị Hà Nội trong tương lai như thế nào cần phải xác định xuất phát từ kinh tế, từ tầm nhìn chiến lược về phát triển kinh tế - xã hội.
Nguyên Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Đặng Huy Đông
Nhìn nhận vấn đề này, UBND TP đánh giá, hoạt động kinh tế ở khu vực đô thị chưa thật sự phát huy được lợi thế, chưa làm tốt vai trò động lực, thu hút, thúc đẩy kinh tế khu vực nông thôn và cả TP. Các nguồn lực như đất đai, tài chính, lao động, cơ sở hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội… trong khu vực đô thị chưa được huy động và khai thác đồng bộ, có hiệu quả phát triển kinh tế đô thị TP.
Công tác quy hoạch, xây dựng và phát triển đô thị còn chưa gắn liền mục tiêu phát triển đô thị với mục tiêu phát triển kinh tế đô thị. Việc tổ chức triển khai các dự án đầu tư phát triển các khu đô thị mới và các dự án cải tạo, chỉnh trang các khu đô thị cũ thường kéo dài, không đồng bộ về hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội gây khó khăn cho đời sống cư dân, lãng phí đất đai, vốn đầu tư, trở ngại cho các hoạt động kinh tế đô thị...
Nguyên Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Đặng Huy Đông cho hay, cách tiếp cận của các đồ án quy hoạch từ trước đến nay chủ yếu mới là “kẻ, vẽ” đường ở đâu, nhà ở đâu mà chưa quan tâm phân tích đủ sâu về kinh tế, chưa tính đến câu chuyện kinh tế.
Định hướng và giải pháp
Trước những tồn tại hạn chế, TP Hà Nội đã phê duyệt Đề án “Phát triển kinh tế đô thị TP Hà Nội” nhằm đánh giá thực trạng phát triển kinh tế đô thị giai đoạn 2016 – 2020 và đưa ra những định hướng, giải pháp để phát huy tối đa tiềm năng phát triển của kinh tế đô thị Hà Nội.
Trong đó, TP đã đặt ra yêu cầu quy hoạch khu vực phát triển đô thị với các không gian phát triển kinh tế đô thị quy mô, đặc sắc, vượt trội, đáp ứng được yêu cầu là động lực chính giúp Thủ đô đạt được các mục tiêu cao về tăng trưởng đã được xác định tại Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị.
Cụ thể, để mở rộng không gian kinh doanh thương mại - dịch vụ phục vụ phát triển thương mại sẽ nghiên cứu, quy hoạch phát triển diện tích kinh doanh thương mại tại khu vực được quy hoạch không gian xây dựng ngầm đô thị, tổ chức các siêu thị, cửa hàng tiện ích để phục vụ dân cư trong vùng, thu hút khách du lịch, góp phần phát triển công nghiệp văn hóa.
Gia tăng diện tích thương mại trong khu vực nội đô cả về không gian, mặt đất và không gian ngầm. Tiếp tục phát triển các diện tích thương mại, khu mua sắm, cửa hàng tiện ích trong các tòa nhà cao tầng; các không gian công cộng phía trên mặt đất.
Bên cạnh đó, mở rộng không gian kinh doanh thương mại khi phát triển mới các khu vực đô thị của TP. Đối với các khu vực định hướng phát triển mô hình TP trực thuộc Thủ đô (vùng Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn, Hòa Lạc và Xuân Mai), ưu tiên hình thành các trung tâm bán buôn, trung tâm mua sắm Outlet cho khách du lịch, trung tâm thương mại vùng, khu dịch vụ logistics, khu tổng kho tập trung…
Đối với khu vực phát triển đô thị thông minh hai bên trục Nhật Tân - Nội Bài, ưu tiên hình thành các trung tâm thương mại vùng, trung tâm đại diện thương mại, khu dịch vụ logistics, khu tổng kho tập trung. Đối với khu dân cư hai bên bờ sông Hồng và sông Đuống, hình thành các trung tâm mua sắm, khu tổng kho tập trung… Hai bên Vành đai 4, hình thành các trung tâm thương mại, siêu thị, sửa hàng tiện lợi, chợ dân sinh tại các đô thị.
TP cũng sẽ tập trung quy hoạch một số địa điểm để phát triển cơ sở lưu trú du lịch cao cấp 4 - 5 sao tại một số quận, huyện như: Tây Hồ, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Long Biên, Đông Anh, Mê Linh, Sơn Tây, Ba Vì, Mỹ Đức, Sóc Sơn... gắn với phát triển du lịch MICE. Quy hoạch, mở rộng mạng lưới tài chính, ngân hàng, bảo hiểm.
Phát triển mạng lưới giao dịch theo các trục, điểm nhấn về tài chính, ngân hàng, bảo hiểm như khu vực quận Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Tây Hồ, đường Võ Nguyên Giáp, đường Võ Chí Công (trục Nhật Tân - Nội Bài), các khu vực được định hướng phát triển 2 TP trực thuộc Thủ đô (TP Bắc sông Hồng gồm các huyện Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn và TP phía Tây gồm khu vực Hòa Lạc - Xuân Mai)...
Đồng thời, TP cũng chỉ đạo triển khai cải tạo, chỉnh trang các khu dân cư hiện hữu, đặc biệt khu vực nội đô lịch sử nhằm tăng quỹ đất, diện tích kinh doanh cho các hộ cá thể tại các khu vực tuyến đường, ngõ, xóm, đồng thời tăng mỹ quan đô thị.
Có thể nói, với những định hướng nói trên, quy hoạch sẽ mở ra nhiều không gian phát triển kinh tế đô thị quy mô, đặc sắc, vượt trội. Ngược lại kinh tế đô thị sẽ là động lực để nâng cao chất lượng đô thị hóa, để đô thị phát triển bền vững.
Nguyên Phó Viện trưởng, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư, PGS.TS Trần Kim Chung khuyến nghị, để việc phát triển kinh tế đô thị thành công, phải có quy hoạch tổng thể, đồng bộ các địa bàn có nhu cầu huy động nguồn lực đất đai thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Mọi hoạt động liên quan đến đất đai, đặc biệt là thu hồi, cần dựa vào một yếu tố quan trọng bậc nhất: Đó là quy hoạch được phê duyệt. Đây có thể coi là điều kiện tiên quyết trong chu trình tạo quỹ đất phục vụ thu hút nguồn lực để thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Để phát triển kinh tế đô thị cần nâng cao hiệu quả sử dụng đất, phát huy giá trị công trình văn hóa, lịch sử, không gian công cộng phát triển kinh tế dịch vụ tuần hoàn, chia sẻ, du lịch, kinh tế đêm... Việc Hà Nội ban hành Đề án phát triển kinh tế đô thị nhằm thực hiện Chương trình số 03-CTr/TU ngày 17/3/2021 của Thành ủy Hà Nội về “Chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị TP Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025” là hướng đi kịp thời và cần thiết trong bối cảnh yêu cầu phát triển đô thị bền vững trong giai đoạn hiện nay.
Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam,
TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm