Phát triển kinh tế đô thị tại TP. Hà Nội

Với tính chất là đô thị đặc biệt, Thủ đô - trung tâm hành chính, chính trị của cả nước, Hà Nội còn là nơi hội tụ các giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc; có thế mạnh trong thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao cũng như các nguồn lực đầu tư… Do đó, việc phát triển kinh tế đô thị tại Hà Nội có ý nghĩa quan trọng, không chỉ đối với Thủ đô mà còn với cả sự phát triển chung của cả nước.

Giới thiệu

Hà Nội là trung tâm của vùng Đồng bằng sông Hồng, là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước. Với dân số khoảng 10 triệu người, Hà Nội cũng là nơi tập trung các viện nghiên cứu, trường đại học, bệnh viện hàng đầu, là trung tâm văn hóa lớn nhất cả nước; giữ vai trò chủ đạo về phát triển kinh tế của vùng, có quy mô tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt hơn 1 triệu tỷ đồng, chiếm 43% quy mô GRDP vùng Đồng bằng sông Hồng và 16,2% GDP bình quân cả nước.

Hà Nội có vai trò đầu tàu, là hạt nhân có tính chất lan tỏa của vùng nói riêng và khu vực Bắc Bộ nói chung trên hầu hết các lĩnh vực (Trần Sỹ Thanh, 2023). Bên cạnh đó, Hà Nội cũng có ưu thế về vị trí địa lý khi là đầu mối giao thương, kết nối với các tỉnh, thành phố và quốc tế.

Với tính chất là đô thị đặc biệt, Thủ đô - trung tâm hành chính, chính trị của cả nước, Hà Nội còn là nơi hội tụ các giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc; có thế mạnh trong thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao cũng như các nguồn lực đầu tư… Do đó, việc phát triển kinh tế đô thị tại Hà Nội có ý nghĩa quan trọng, không chỉ đối với Thủ đô mà còn với cả sự phát triển chung của cả nước.

Thực trạng phát triển kinh tế đô thị ở TP. Hà Nội

Hiện nay, do cách định nghĩa về đô thị khác nhau, nên cũng có nhiều cách giải thích về kinh tế đô thị. Giáo trình Kinh tế đô thị của Nguyễn Đình Hương và Nguyễn Hữu Đoàn (2002) đưa ra khái niệm: “Kinh tế đô thị là kinh tế của một đơn vị hành chính là đô thị”.

Còn theo Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/1/2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, kinh tế đô thị là kinh tế của các đơn vị hành chính được xác định là đô thị và tổ chức theo mô hình chính quyền đô thị, trong đó có cả khu vực nông thôn nhưng khu vực đô thị là chính, đóng vai trò chủ đạo.

Với góc nhìn như trên, kinh tế trên toàn bộ lãnh thổ của TP. Hà Nội được nhìn nhận là khu vực kinh tế đô thị, trong đó có cả kinh tế ở khu vực nông thôn (các huyện, xã).

Trong những năm qua, vấn đề phát triển kinh tế đô thị đã được Hà Nội nhận thức đầy đủ và ngày càng toàn diện. Tại Nghị quyết Đại hội lần thứ XV Đảng bộ TP. Hà Nội, một số ngành, lĩnh vực kinh tế đô thị, như: du lịch, thương mại, bưu chính, viễn thông, tài chính, ngân hàng, khoa học - công nghệ, giáo dục - đào tạo, y tế, dịch vụ công… đã được xác định tập trung ưu tiên phát triển.

Trong đó, du lịch được định hướng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, với nhiều loại hình như: du lịch văn hóa, lịch sử, sinh thái… Bên cạnh đó, tập trung thu hút đầu tư phát triển công nghiệp sạch, công nghệ cao; từng bước hình thành, phát triển lĩnh vực và thành phần cơ bản của kinh tế tri thức (công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, vật liệu mới…).

Tiếp đến, tại Nghị quyết Đại hội lần thứ XVI Đảng bộ Thành phố, các ngành, lĩnh vực Thủ đô có thế mạnh, nhất là dịch vụ trình độ cao, chất lượng cao tiếp tục được xác định phát triển mạnh mẽ. Đó là hệ thống trung tâm thương mại, dịch vụ hàng không, viễn thông, công nghệ thông tin, khoa học, công nghệ…, hay các dịch vụ có giá trị gia tăng cao, như: tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán để từng bước xây dựng Hà Nội thành trung tâm tài chính - ngân hàng trong khu vực. Cùng với đó, định hướng giáo dục - đào tạo, y tế chất lượng cao, hệ thống hạ tầng thông tin - truyền thông, bưu chính - viễn thông phát triển nhanh chóng, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế.

Đặc biệt, tại Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ TP. Hà Nội, Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố đã xác định 10 chương trình hành động với tầm nhìn dài hạn, trong đó có Chương trình “Chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị TP. Hà Nội giai đoạn 2021-2025”.

Nhờ đó, kinh tế đô thị Hà Nội có sự phát triển khá nhanh và vững chắc. Theo Cục Thống kê TP. Hà Nội (2022), GRDP các năm từ 2018 đến 2021 của Hà Nội lần lượt là: 7,25%; 7,72%; 4,18%; 2,92% (năm 2020 và 2021, GRDP của Hà Nội giảm mạnh do ảnh hưởng của dịch COVID-19). Đến năm 2022, GRDP của Thành phố ước tính tăng 8,89% so với năm 2021, vượt kế hoạch đề ra (7,0%-7,5%) và là mức tăng cao trong nhiều năm gần đây, thể hiện sự quyết tâm của Đảng bộ và chính quyền Thành phố, sự nỗ lực, cố gắng của doanh nghiệp và sự đồng lòng của toàn thể nhân dân Thủ đô trong thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, đẩy mạnh phục hồi, phát triển sản xuất, kinh doanh, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Quy mô GRDP năm 2022 theo giá hiện hành ước đạt 1,196 triệu tỷ đồng. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn Hà Nội năm 2022 thực hiện đạt 333 nghìn tỷ đồng, đạt 106,8% dự toán pháp lệnh năm và tăng 2,7% so với năm 2021.

Cũng trong năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Hà Nội đạt 17,1 tỷ USD, tăng 10,3% so với năm 2021 (năm 2021 tăng 2,2%). Một số nhóm hàng có kết quả ấn tượng gồm: hàng dệt, may đạt 2.570 triệu USD, tăng 15,7%; máy vi tính, hàng điện tử và linh kiện đạt 2,525 tỷ USD, tăng 16,3%; máy móc, thiết bị phụ tùng đạt 2,015 tỷ USD, tăng 1,6%; gỗ và sản phẩm từ gỗ đạt 883 triệu USD, tăng 17,5%; nông sản đạt 871 triệu USD, tăng 12,2% so với năm trước.

Toàn Thành phố thu hút 1,692 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài trong năm 2022, tăng 10,3% so với năm 2021. Đây là nguồn lực bổ sung mới, sẽ hỗ trợ đắc lực cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế thời gian tới. Hà Nội cũng đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho 29,6 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 23% so với năm 2021; tổng số vốn đăng ký mới đạt 328,4 nghìn tỷ đồng. Có 9,8 nghìn doanh nghiệp trở lại hoạt động, tăng 1,5%. Tỷ lệ hồ sơ đăng ký doanh nghiệp qua mạng được duy trì 100%, bảo đảm chất lượng và đúng hạn.

Mặt khác, cơ cấu kinh tế đô thị của Hà Nội có sự chuyển dịch theo hướng hiện đại. Số liệu ở Bảng cho thấy, năm 2022, ngành dịch vụ chiếm tỷ trọng lớn nhất (63,22% GRDP), tiếp đến là khu vực công nghiệp và xây dựng (24,04%), thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm (10,66%) và cuối cùng là khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản (2,08%).

Một số ngành trọng điểm trong kinh tế đô thị được xác lập và phát triển. Các lĩnh vực phát triển tốt như: thương mại điện tử, bán lẻ hiện đại qua hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi đã thể hiện rõ vai trò của ngành bán lẻ giúp đảm bảo cung cầu hàng hóa, phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân Thủ đô, dần thay thế cho loại hình tạp hóa truyền thống. Ngành du lịch tiếp tục được cơ cấu lại theo hướng nâng cao chất lượng dịch vụ, tập trung đầu tư cơ sở vật chất và phát triển đa dạng các sản phẩm, nhất là tại các điểm du lịch trọng điểm. Dịch vụ giáo dục, đào tạo; y tế chất lượng cao ngày càng được quan tâm đầu tư, đáp ứng tốt hơn nhu cầu người dân. Các dịch vụ tài chính ngân hàng tiếp tục phát triển, đa dạng hóa và hiện đại hóa.

Đó là chưa kể, chất lượng sống tại đô thị từng bước được nâng cao, tạo nhiều việc làm và thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng hiệu quả hơn, tỷ lệ hộ nghèo ngày càng giảm. Thu nhập bình quân đầu người năm 2022 đạt 141,8 triệu đồng, tăng 10,6% so với năm 2021.

Tuy đạt được nhiều kết quả tích cực, song có thể nhận thấy, tăng trưởng kinh tế đô thị ở Hà Nội chưa thực sự bền vững, thể hiện ở tốc độ tăng trưởng kinh tế không đều qua các năm. Tốc độ tăng giá trị tăng thêm ngành dịch vụ ở nhiều quận, huyện còn thấp hơn ngành công nghiệp - xây dựng; các ngành dịch vụ, công nghiệp có giá trị gia tăng cao đóng góp vào tăng trưởng còn thấp. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế đô thị còn chậm.

Trong đó, tỷ trọng ngành công nghiệp ở nhiều quận còn ở mức cao. Các sản phẩm công nghiệp có sức cạnh tranh ở mức thấp. Còn thiếu doanh nghiệp mang tầm cỡ toàn cầu tạo nòng cốt để hội nhập kinh tế quốc tế và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế, đồng thời đóng góp vào quá trình tăng trưởng kinh tế đô thị. Đối với ngành dịch vụ, hệ thống logistics còn nhiều bất cập, chi phí trung gian lớn.

Chất lượng dịch vụ còn thấp, tính chuyên nghiệp chưa cao. Các ngành dịch vụ chất lượng cao cấp chậm phát triển, chưa đáp ứng kịp yêu cầu phát triển chung theo tiến trình hội nhập quốc tế cũng như chưa phát huy được tiềm năng thế mạnh của khu vực đô thị; dịch vụ du lịch vẫn chưa thực sự phát huy được tối đa tiềm năng lợi thế khu vực đô thị. Nông nghiệp đô thị còn chưa được quan tâm đầu tư đúng mức, chưa thể hiện rõ nền nông nghiệp đô thị, chưa mang đặc điểm đặc trưng của nông nghiệp đô thị và phục vụ trực tiếp cho khu vực đô thị.

Hơn nữa, các mô hình kinh tế đặc trưng của đô thị như: kinh tế đêm, kinh tế chia sẻ, các mô hình kinh doanh mới phát triển còn mang tính tự phát, còn nhiều bất cập hạn chế, việc khai thác còn khiêm tốn, hiệu quả chưa cao.

Mặt khác, một số chỉ tiêu về hạ tầng đô thị, như: nhà ở, giao thông đô thị, diện tích công viên trên đầu người của Hà Nội… ở mức thấp so với các nước trong khu vực và thế giới. Hệ thống hạ tầng đô thị bị quá tải gây nên các hiện tượng tắc nghẽn giao thông, úng ngập và vệ sinh môi trường đô thị. Hạ tầng thương mại khu vực đô thị tồn tại nhiều bất cập, khó khăn.

Ngoài ra, việc phát triển đô thị và đô thị hóa thời gian qua chưa thể hiện rõ bản sắc của từng địa phương; chưa phát huy tối đa các yếu tố tác động đến tăng trưởng kinh tế đô thị như tiềm năng, lợi thế về quy mô kinh tế…

Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 đã xem xét toàn diện đến mọi yếu tố để phát triển các lĩnh vực, bao gồm cả kinh tế khu vực đô thị. Ngoài đô thị trung tâm, Thành phố được quy hoạch để hình thành 5 đô thị vệ tinh, trong đó ưu tiên phát triển công nghiệp, công nghệ cao, y tế, giáo dục, là những ngành quan trọng để phát triển kinh tế khu vực đô thị. Tuy nhiên, nhiều định hướng lớn của quy hoạch chưa thực hiện được trong hơn 10 năm qua. Tỷ lệ đô thị hóa thấp so với mục tiêu quy hoạch khiến kinh tế khu vực đô thị Hà Nội chưa phát huy được những lợi thế của Thủ đô.

Trong khi đó, việc triển khai quy hoạch nhằm khai thác tối đa lợi thế của Thủ đô để phát triển kinh tế khu vực đô thị chưa hiệu quả. Ví dụ điển hình là khu vực trung tâm thành phố rất thiếu không gian công cộng, chưa có nhiều những khu đất dành cho các loại hình kinh tế khai thác lợi thế văn hóa, lịch sử đặc biệt của Hà Nội.

Một số giải pháp

Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị đã xác định mục tiêu phát triển kinh tế của Thủ đô Hà Nội như sau: tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021-2025 cao hơn mức tăng bình quân chung của cả nước; GRDP giai đoạn 2026-2030 tăng 8,0%-8,5%/năm; GRDP bình quân đầu người đạt 12.000-13.000 USD, đến năm 2045, GRDP bình quân đầu người đạt trên 36.000 USD.

Để thực hiện được những mục tiêu này, Thành phố cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm tạo ra những bước phát triển đột phá theo hướng văn minh, hiện đại, mang lại sự thay đổi vượt bậc, cụ thể là:

Thứ nhất, rà soát lại quy hoạch xây dựng, nhất là việc phân bố, tổ chức không gian phát triển công nghiệp và dịch vụ để phát triển kinh tế khu vực đô thị. Trong đó, việc quy hoạch hệ thống hạ tầng đô thị phải theo hướng đồng bộ, hiện đại, làm rõ tầm quan trọng của liên kết trong vùng Thủ đô, liên kết đô thị trung tâm đến các huyện, hệ thống cầu qua sông Hồng...

Quy hoạch phát triển thương mại - dịch vụ để Hà Nội tiếp tục giữ vai trò trung tâm thương mại - dịch vụ hàng đầu khu vực phía Bắc. Bên cạnh đó, quy hoạch, đầu tư cho du lịch chất lượng cao, khai thác tối đa các giá trị văn hóa đặc sắc của nội đô lịch sử. Quy hoạch phát triển nông nghiệp đô thị cần theo hướng sinh thái, góp phần tạo mỹ quan đô thị, Hình thành các mô hình kinh tế đêm phù hợp với tính chất khu vực đô thị. Tại nội đô lịch sử, định hướng phát triển kinh tế đêm chủ yếu là ẩm thực và mua sắm; tại khu vực đô thị mới có thể mở thêm các loại hình giải trí cho giới trẻ...

Thứ hai, phát triển hạ tầng đô thị đồng bộ theo hướng đẩy mạnh liên kết vùng, đưa Hà Nội trở thành đô thị thông minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp, an ninh, an toàn; nông thôn phát triển hiện đại, hài hòa, có bản sắc tạo hiệu ứng lan tỏa, liên kết vùng đô thị phía Bắc và cả nước. Cùng với hệ thống giao thông quốc gia, hình thành hệ thống giao thông của Thủ đô đồng bộ, hiện đại, bảo đảm sự kết nối và phát triển hợp lý giữa các phương thức vận tải.

Thứ ba, để đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế đô thị, Hà Nội cần phát triển các loại dịch vụ có giá trị gia tăng cao. Theo đó, cần khai thác lợi thế từ các hiệp định thương mại, lợi thế địa kinh tế của Thành phố thông qua phát triển và vận hành trung tâm lưu chuyển hàng hóa, trung tâm logistics, cung cấp các dịch vụ hỗ trợ thương mại. Khuyến khích kinh doanh dịch vụ hiện đại như: trung tâm thương mại, siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện lợi, bán hàng qua mạng, trung tâm tài chính thương mại quốc tế, trung tâm dịch vụ tài chính ngân hàng, giáo dục - đào tạo, y tế chất lượng cao…

Đồng thời, tập trung phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, nhất là du lịch văn hóa; phát triển nền tảng thương mại điện tử thông qua chuỗi giá trị; tập trung phát triển các khu công nghiệp, cụm công nghiệp theo quy hoạch; ưu tiên phát triển sản xuất công nghiệp công nghệ cao gắn với xây dựng đô thị khởi nghiệp sáng tạo; chuyển dịch từ lắp ráp, gia công sang làm sản phẩm theo hướng “Make in Viet Nam” - sáng tạo tại Việt Nam, thiết kế tại Việt Nam và sản xuất tại Việt Nam...

Về phát triển nông nghiệp, cần cơ cấu lại, nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, phát triển nông nghiệp sinh thái, công nghệ cao dựa trên nền tảng ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến, chuyển đổi số, cơ giới hóa, tự động hóa; đẩy mạnh tích tụ, tập trung đất đai; rà soát quy hoạch đất đai và bố trí lại các vùng, các xã trọng điểm sản xuất chuyên canh hàng hóa tập trung, quy mô lớn...

Thứ tư, thúc đẩy mạnh mẽ quá trình chuyển đổi số, kinh tế số, xã hội số và các mô hình kinh tế mới. Nghiên cứu các nội dung lớn mang tính chiến lược, có tính bao trùm, tổng thể trên lĩnh vực: kinh tế (kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn)… Lấy khoa học, công nghệ cao và đổi mới sáng tạo là động lực then chốt để phát triển kinh tế đô thị.

Thứ năm, thu hút và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Để làm được điều này, Hà Nội cần xây dựng cơ chế, chính sách thông thoáng, không chỉ dừng lại ở chế độ đãi ngộ, mà đặc biệt phải chú trọng tạo dựng một môi trường làm việc để nguồn nhân lực chất lượng cao có cơ hội phát huy tài năng của mình trong phát triển kinh tế đô thị.

Tài liệu tham khảo:

1. Bộ Chính trị (2022), Nghị quyết số 15-NQ/TW, ngày 5/5/2022 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

2. Cục Thống kê TP. Hà Nội (2022), Báo cáo tình kình kinh tế - xã hội quý IV và năm 2022.

3. Gia Khánh (2022), Kinh tế đô thị với sự phát triển của Hà Nội, truy cập từ https://hanoimoi.com.vn/ban-in/Luan-ban-Hanh-dong/977262/kinh-te-do-thi-voi-su-phat-trien-cua-ha-noi.

4. Minh Anh (2023), Để đô thị Hà Nội phát triển bền vững, văn minh, hiện đại, truy cập từ https://thanglong.chinhphu.vn/de-do-thi-ha-noi-phat-trien-ben-vung-van-minh-hien-dai-103230120114114756.htm.

5. Nguyễn Đình Hương, Nguyễn Hữu Đoàn (2002), Giáo trình Kinh tế đô thị, Nxb Đại học Kinh tế Quốc dân.

6. Thành ủy Hà Nội (2021), Chương trình số 03-CTr/TU, ngày 6/9/2021 về chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị TP Hà Nội giai đoạn 2021-2025.

7. Trần Sỹ Thanh (2023), Tham luận tại Hội nghị triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TƯ ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị, Quảng Ninh, ngày 12/2/2023.

8. Viện Nghiên cứu phát triển Kinh tế - Xã hội Hà Nội (2022), Phát triển kinh tế đô thị Hà Nội - Một số giải pháp từ khía cạnh quy hoạch, truy cập từ https://www.moitruongvadothi.vn/phat-trien-kinh-te-do-thi-ha-noi-mot-so-giai-phap-tu-khia-canh-quy-hoach-a116571.html.

Theo Tạp chí Kinh tế và Dự báo

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/phat-trien-kinh-te-do-thi-tai-tp-ha-noi.html