Phát triển kinh tế đồi rừng hiệu quả từ khâu đột phá của Đoan Hùng

PTĐT - Phát triển kinh tế đồi rừng, nâng cao năng suất, chất lượng quả bưởi Đoan Hùng được xác định là một trong hai khâu đột phá theo Nghị quyết của Đảng bộ huyện Đoan Hùng nhiệm kỳ 2015-2020. Thời gian qua, huyện đã tập trung thực hiện nhiều giải pháp đưa kinh tế đồi rừng trở thành ngành kinh tế chủ lực, mang lại hiệu quả cao.

Gia đình bà Nguyễn Thị Thanh - khu 6, xã Minh Lương có 20ha rừng, đang thực hiện chuyển hóa rừng gỗ lớn để nâng cao thu nhập từ rừng.

Gia đình bà Nguyễn Thị Thanh - khu 6, xã Minh Lương có 20ha rừng, đang thực hiện chuyển hóa rừng gỗ lớn để nâng cao thu nhập từ rừng.

Xác định khâu đột phá đã giúp khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương, tạo ra những sản phẩm nông nghiệp đặc trưng và phát huy hiệu quả kinh tế. Bưởi là cây trồng mang lại giá trị kinh tế cao ở Đoan Hùng, trong quá trình thực hiện, các xã đã quy hoạch diện tích trồng bưởi đồng thời vận động người dân tận dụng diện tích đất phù hợp để đưa bưởi vào trồng theo hướng hàng hóa. Diện tích trồng mới, thâm canh bưởi ngày càng được mở rộng, bước đầu đã hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung. Thời điểm năm 2015, diện tích bưởi của huyện gần 1.700ha, đến nay, đạt trên 2.450ha, diện tích cho quả khoảng 1.600ha; giá trị sản phẩm ước đạt trên 300 tỷ đồng. Năm 2019, sản phẩm bưởi đặc sản tiếp tục được vinh danh là 1 trong 75 thương hiệu vàng nông nghiệp Việt Nam. Trên địa bàn huyện đã thành lập Hiệp hội sản xuất và kinh doanh bưởi Đoan Hùng; các hợp tác xã sản xuất, kinh doanh bưởi Chí Đám, Bằng Luân, Chân Mộng, Vân Đồn ra đời, góp phần tăng cường năng lực sản xuất và khả năng cạnh tranh. Để nâng cao giá trị bưởi, huyện phối hợp với các ngành của tỉnh xây dựng mô hình đầu tư, thâm canh, hỗ trợ bao bì, tem điện tử truy xuất nguồn gốc, thí điểm ký kết tiêu thụ sản phẩm. Xã Chí Đám có trên 120ha bưởi, ngoài giống bưởi đặc sản, một số giống khác cũng được đưa vào trồng như bưởi Diễn, bưởi Xuân Vân, bưởi da xanh... Bình quân với vườn bưởi từ khoảng 8 năm tuổi trở lên cho thu nhập 600 triệu đồng/ha đối với bưởi Sửu, 300 -350 triệu/ha đối với bưởi Diễn. HTX sản xuất, kinh doanh bưởi xã Chí Đám chuyên sản xuất và cung ứng bưởi quả đặc sản, chủ yếu là bưởi Sửu. Ông Nguyễn Minh Mạch - Giám đốc HTX cho biết: Các chính sách hỗ trợ của tỉnh, huyện về kỹ thuật, xây dựng mô hình, tem truy xuất… góp phần nâng cao chất lượng và mẫu mã sản phẩm, giá trị tăng lên rõ rệt. Hiệu quả mang lại giúp chúng tôi yên tâm đầu tư thâm canh, xây dựng thương hiệu cho bưởi Đoan Hùng.Cùng với cây bưởi, chè cũng là thế mạnh của Đoan Hùng. Thông qua các chính sách, dự án hỗ trợ phát triển cây chè đã khuyến khích người dân tích cực thâm canh, hình thành vùng sản xuất tập trung. Tổng diện tích chè của huyện duy trì ổn định khoảng 3.000ha, trong đó diện tích chè giống mới có năng suất cao, chất lượng tốt đạt trên 65%; sản lượng hàng năm trên 45.000 tấn. Các địa phương đẩy mạnh trồng lại diện tích chè cằn xấu, giống cũ; hàng năm trồng mới, trồng cải tạo từ 50 đến 60ha; xây dựng quy hoạch vùng sản xuất chè an toàn theo hướng thực hành nông nghiệp tốt, đảm bảo an toàn thực phẩm và môi trường sinh thái tại các xã trọng điểm trên địa bàn huyện. Từng bước hình thành vùng sản xuất chè hàng hóa tập trung, quy mô lớn gắn với chế biến để tạo ra khối lượng sản phẩm lớn, chất lượng tốt, gia tăng giá trị, phục vụ cho thị trường trong nước và xuất khẩu. Trong phát triển kinh tế rừng, huyện vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng lâm nghiệp, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng rừng trồng, cung cấp nguyên liệu ổn định cho công nghiệp chế biến. Cây trồng phù hợp với đặc điểm sinh thái của từng tiểu vùng và các loại đất, do đó rừng trồng phát triển tốt. Huyện duy trì ổn định trên 12.800ha, trong đó diện tích rừng sản xuất là trên 12.000ha, rừng đặc dụng trên 600ha, rừng phòng hộ trên 200ha. Trồng mới rừng sản xuất được duy trì đảm bảo 100% diện tích sau khai thác, trung bình mỗi năm trồng khoảng 1.200ha rừng tập trung. Việc sử dụng giống cây lâm nghiệp có chất lượng tốt, tỷ lệ sinh khối cao ngày càng phổ biến; công tác chuyển đổi diện tích trồng rừng bạch đàn tái sinh sang trồng keo góp phần cải tạo hệ sinh thái đất rừng trên địa bàn. Diện tích rừng trồng ổn định, năng suất được nâng cao qua các năm nên các mô hình chế biến lâm sản như ván ép, gỗ xẻ đang phát triển mạnh, tạo thêm nhiều việc làm ổn định cho lao động nông thôn.Ông Nguyễn Hoàng Minh - Trưởng phòng Nông nghiệp & PTNT huyện cho biết: Thực hiện khâu đột phá về phát triển kinh tế đồi rừng, huyện đã chú trọng phát triển vùng nguyên liệu chè, đầu tư tăng năng suất, chất lượng chè theo hướng sản xuất sạch; bố trí lại cơ cấu rừng kinh tế, thâm canh nhằm nâng cao hiệu quả; tiếp tục đầu tư, chăm sóc bưởi đặc sản, phát triển bền vững thương hiệu Bưởi Đoan Hùng. Việc áp dụng các biện pháp kỹ thuật mới về giống, kỹ thuật canh tác giúp năng suất, sản lượng tăng lên, góp phần đảm bảo mức tăng trưởng của ngành nông, lâm nghiệp nói riêng và phát triển kinh tế - xã hội nói chung.

Nguyễn Huế

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/kinh-te/202006/phat-trien-kinh-te-doi-rung-hieu-qua-tu-khau-dot-pha-cua-doan-hung-171449