Phát triển kinh tế dưới tán rừng ở các tỉnh Trung du và miền núi phía Bắc

Sáng 3-12, tại Lai Châu, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với UBND tỉnh Lai Châu tổ chức hội nghị Phát triển kinh tế dưới tán rừng các tỉnh Trung du và miền núi phía Bắc

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến phát biểu tại hội nghị

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến phát biểu tại hội nghị

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Việt Nam có khoảng 7.000 loài cây thuộc nhóm Lâm sản ngoài gỗ, trong đó có 216 loài tre nứa, 56 loài song mây, 5.000 loài cây dược liệu… và hàng trăm loài làm thực phẩm, trong đó miền núi phía Bắc chiếm tới trên 70% tổng số loài thực vật Lâm sản ngoài gỗ và trên 90% các loài Lâm sản ngoài gỗ quý hiếm của cả nước.

Tổng diện tích một số nhóm, loài Lâm sản ngoài gỗ chủ yếu ở Việt Nam khoảng 2.696.821 ha trong đó diện tích Lâm sản ngoài gỗ phân bố tự nhiên trong rừng là khoảng 1.922.634 ha, diện tích Lâm sản ngoài gỗ trồng khoảng 776.948 ha, tập trung chủ yếu ở các tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu, Yên Bái, Lào Cai, Hà Giang, Lạng Sơn, Quảng Ninh...

Sơ chế quế tại xã Đào Thịnh, Trấn Yên, Yến Bái

Sơ chế quế tại xã Đào Thịnh, Trấn Yên, Yến Bái

Từ năm 2016-2020, sản phẩm Lâm sản ngoài gỗ xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam: sản phẩm mây tre, hồi, quế, thảo quả, sa nhân, nhựa thông. Các mặt hàng Lâm sản ngoài gỗ xuất khẩu có tốc độ tăng trưởng nhanh như sản phẩm mây tre, bình quân khoảng 30%/năm trong giai đoạn 2016-2020, kim ngạch xuất khẩu đạt 608 triệu USD năm 2020. Sản phẩm quế, hồi tăng bình quân khoảng 50%/năm, kim ngạch xuất khẩu năm 2020 đạt 245 triệu USD; dược liệu khoảng 90-110 triệu USD/năm; tinh dầu và dầu nhựa khoảng 100-110 triệu USD/năm.

Chế biến quế tại Công ty CP Sản xuất và xuất khẩu quế hồi Việt Nam (xã Đào Thịnh, huyện Trấn Yên, Yên Bái)

Chế biến quế tại Công ty CP Sản xuất và xuất khẩu quế hồi Việt Nam (xã Đào Thịnh, huyện Trấn Yên, Yên Bái)

Nếu triển khai tất cả các phương án giảm phát thải và đạt được lượng phát thải, đồng thời giữ mức phát thải của các diện tích còn lại ở mức bình thường thì các tỉnh trong khu vực dự kiến sẽ thu khoảng 51,27 triệu tấn CO2 có thể thương mại, với giá dự kiến là 5 USD/tín chỉ CO2 ( theo giá chuyển nhượng cho Quỹ Đối tác các bon trong lâm nghiệp của khu vực Bắc Trung Bộ), tổng thu từ thương mại các-bon đạt khoảng 256 triệu USD cho giai đoạn 2021-2030, bình quân là 25,6 triệu USD/năm (tương đương 588 tỷ đồng/năm).

Các tỉnh vùng trung du miền núi phía Bắc, nơi có đầy đủ tiềm năng và lợi thế để phát triển nguồn lâm sản ngoài gỗ lớn nhất nước. Nếu được đầu tư, khai thác một các hiệu quả, khoa học, hợp lý việc phát triển kinh tế dưới tán rừng ở các tỉnh Trung du và miền núi phía Bắc khổng chỉ đem lại nguồn kinh tế lớn, đồng thời còn góp phần bảo vệ rừng và môi trường phát triển bền vững.

Tin, ảnh: NGUYỄN KIỂM

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/tin-tuc/phat-trien-kinh-te-duoi-tan-rung-o-cac-tinh-trung-du-va-mien-nui-phia-bac-679377