Phát triển kinh tế gắn với bảo vệ rừng luồng hiệu quả ở huyện Quan Hóa
Nói đến Quan Hóa là nói đến 'thủ phủ' rừng luồng của xứ Thanh. Từ trung tâm huyện, vượt qua cái rét căm căm mười mấy độ, chúng tôi ngược xe máy theo hướng Tây khoảng hơn chục cây số đến bản Khuông, xã Nam Xuân. Leo qua vài con dốc, theo bước chân thoăn thoắt của các anh ở phòng nông nghiệp huyện, chúng tôi đã tới đất trồng luồng. Bắt gặp cảnh những người dân ở đây đang khai thác, kéo luồng xuống chân dốc đem tiêu thụ, thấy chúng tôi đến, họ tươi cười, ân cần chào hỏi. Nghỉ tay trong giây lát, anh Lương Văn Ngọc, một chủ rừng chia sẻ: 'Gia đình tôi hiện trồng 2 ha rừng luồng đã 30 năm tuổi. Do được tập huấn cách trồng, chăm sóc, thường xuyên chặt tỉa, phát dọn vệ sinh... nên rừng luồng luôn xanh tốt. Luồng được tỉa bán quanh năm và đem đi tiêu thụ tại các cơ sở chế biến lâm sản trên địa bàn huyện. Mỗi năm cho khai thác từ 15-20 tấn, thu nhập khoảng 20 triệu đồng'.
Mô hình rừng luồng của gia đình anh Lương Văn Ngọc, bản Khuông, xã Nam Xuân (Quan Hóa) cho thu nhập ổn định.
Cũng như gia đình anh Ngọc, gia đình chị Lương Thị Nguyệt ở bản Sại, xã Phú Lệ trồng gần 7 ha rừng luồng với 1.000 gốc. Chị Nguyệt cho hay: “Ngoài việc chăm sóc phát dọn tỉa cành, gia đình tôi còn thực hiện đúng kỹ thuật, bón phân cho gốc luồng theo định kỳ. Vì vậy rừng luồng cứ thế sinh sôi phát triển và mỗi năm cho thu nhập khá ổn định...”.
Quan Hóa là huyện có diện tích rừng luồng lớn nhất của tỉnh, toàn huyện có 27.268,6 ha, chiếm 34,32% tổng diện tích rừng luồng toàn tỉnh. Phần lớn diện tích rừng luồng thuộc quy hoạch rừng sản xuất, chiếm tới 91,7% tổng diện tích rừng luồng của huyện và đa phần diện tích rừng luồng thuộc đất 02 của các hộ gia đình, cá nhân. Trong đó, rừng luồng thuộc chủ rừng Nhà nước 238,6 ha, chiếm 0,87%; rừng luồng của các hộ gia đình, cá nhân 26.879,3 ha, chiếm 98,57% và rừng luồng trên diện tích đất các xã đang tạm quản lý 150,7 ha, chiếm 0,56%.
Diện tích rừng luồng trên địa bàn huyện Quan Hóa chủ yếu là rừng thuần loài chiếm khoảng hơn 25.000 ha. Một số diện tích rừng luồng trồng hỗn giao với cây thân gỗ được trồng theo Dự án 327, 147, 661, 147 và diện tích rừng luồng có cây thân gỗ tái sinh tự nhiên. Trên địa bàn huyện đã quy hoạch 3 loại rừng, với tổng diện tích 99.070 ha, gồm: Rừng phòng hộ 14.122,98 ha; rừng đặc dụng 23.998,48 ha và rừng sản xuất 50.443,43 ha (trong đó rừng luồng 27.268,6ha). Công tác khoanh nuôi bảo vệ rừng được các hộ, nhóm hộ và đại diện cộng đồng thôn, bản tích cực tham gia. Trên địa bàn huyện cũng đã có 2.369,6 ha luồng được cấp chứng chỉ FSC (được dùng cho các nhà quản lý rừng hay những nhà sản xuất các sản phẩm từ rừng đảm bảo được tiêu chí về phát triển bền vững, cân bằng được các giá trị bảo vệ môi trường (rừng) với lợi ích xã hội của các bên liên quan (nhà sản xuất, xã hội và người dân địa phương), thực hiện ở 4 xã: Thanh Xuân, Phú Xuân, Phú Sơn và Phú Lệ, với 545 hộ tham gia. Điều này giúp cho cây luồng của huyện đứng vững trên thị trường, vì được đảm bảo về tiêu chuẩn chất lượng cũng như giá cả, đầu ra cho sản phẩm.
Quan Hóa là 1 trong 7 huyện nằm trong Quy hoạch vùng luồng thâm canh của tỉnh, theo Quyết định 502/QĐ-UBND ngày 23-2-2012 của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa về việc phê duyệt Quy hoạch vùng thâm canh luồng tập trung tỉnh Thanh Hóa, thời kỳ 2011-2020. Diện tích rừng luồng của Quan Hóa được quy hoạch 10.042 ha, trong đó diện tích rừng luồng chăm sóc và bảo vệ 3.525 ha, diện tích rừng luồng cần phục tráng 6.517 ha. Từ năm 2016 đến hết năm 2019, UBND huyện Quan Hóa (phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn, trạm khuyến nông) đã phối hợp với Chi cục Lâm nghiệp tỉnh (nay là Chi cục Kiểm lâm tỉnh) xuống thôn (bản) phổ biến, tuyên truyền chính sách hỗ trợ phát triển vùng luồng thâm canh; hướng dẫn các hộ làm đơn đăng ký tham gia phục tráng rừng luồng; tập huấn kỹ thuật chăm sóc, bón phân phục tráng rừng luồng (cả lý thuyết và thực hành) cho các hộ đăng ký tham gia phục tráng rừng luồng; tổ chức tập huấn được 44 lớp tại 13 xã, bình quân khoảng 70 người tham gia/1 lớp. Kết quả, năm 2016 diện tích luồng thực hiện thâm canh phục tráng 700 ha, thực hiện tại 5 xã, với 1.155 hộ tham gia. Đến năm 2019, diện tích luồng thực hiện thâm canh phục tráng 1.800 ha, thực hiện ở 12 xã, với 1.335 hộ tham gia. Từ năm 2016 đến 2019, UBND huyện Quan Hóa được giao thực hiện 13km đường ô tô lâm nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho vận chuyển các sản phẩm lâm sản đi tiêu thụ. Giá trị của 1 cây luồng được thương lái mua với dân tại rừng khoảng 800 đồng đến 900 đồng/1 kg luồng; thương lái bán lại tại các cơ sở chế biến có giá trung bình là 1.100 đồng/kg luồng. Trên địa bàn huyện có 23 công ty, HTX và các cơ sở chế biến lâm sản, thu mua và chế biến các mặt hàng sơ chế, chủ yếu là đũa, giấy, vàng mã, ván sàn...
Tuy nhiên, diện tích rừng luồng thâm canh phục tráng nằm trên địa bàn huyện có địa hình phức tạp, đất đai cằn cỗi, việc cuốc lật đất, đào hố bón phân gặp nhiều khó khăn. Hầu hết rừng luồng đã trồng là rừng thuần loài và được khai thác liên tục trong thời gian dài, nhưng đầu tư chăm sóc hạn chế, dẫn đến diện tích rừng luồng xuất hiện sâu bệnh phát triển mạnh (vòi voi, sọc tím...), năng suất và chất lượng giảm đi rõ rệt. Mặt khác, trong rừng luồng không có cây gỗ trồng xen, làm cho cây luồng dễ bị đổ gãy và lật gốc khi có mưa kèm theo gió, lốc. Nhiều hộ gia đình khai thác cả luồng non (1 và 2 năm tuổi), làm giảm số lượng cây mẹ trong khóm, ảnh hưởng đến số lượng, chất lượng măng và luồng của lứa sau, dẫn đến canh tác không bền vững. Diện tích rừng luồng được chăm sóc, bón phân chỉ dừng lại ở những diện tích được Nhà nước hỗ trợ, người dân chưa chủ động bỏ kinh phí và nhân công để thâm canh luồng, nên diện tích rừng luồng kém chất lượng vẫn còn nhiều.
Bên cạnh đó, do nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nhiều diện tích đã chuyển mục đích sử dụng để xây dựng giao thông, cơ sở hạ tầng, khu tái định cư... đến nay, có diện tích quy hoạch không còn phù hợp với điều kiện thực tế. Nhiều hộ gia đình mong muốn được chuyển đổi từ rừng phòng hộ sang rừng sản xuất để phát triển kinh tế được thuận lợi hơn. Chính sách về công tác quản lý bảo vệ rừng còn bất cập. Nguồn ngân sách Nhà nước cấp cho công tác quản lý bảo vệ rừng, thực hiện các chương trình, dự án trồng rừng, khoán bảo vệ rừng còn thấp, chậm giải ngân, chưa khuyến khích được người dân tham gia vào công tác bảo vệ rừng...
Theo ông Đỗ Phi Hùng, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Quan Hóa, để phát triển kinh tế gắn với bảo vệ rừng luồng hiệu quả, trong thời gian tới huyện sẽ tập trung các giải pháp quản lý, bảo vệ an toàn diện tích rừng hiện có. Giữ vững an ninh rừng ổn định, thực hiện phương châm bảo vệ rừng tại gốc mang tính bền vững cao, không để xảy ra các điểm nóng về phá rừng, khai thác, buôn bán, vận chuyển lâm sản trái phép, không để xảy ra cháy rừng. Thực hiện tốt công tác trồng rừng, phủ xanh đất trống đồi núi trọc. Triển khai thực hiện có hiệu quả theo quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng đến năm 2020 đã được tỉnh phê duyệt. Đổi mới phương thức hoạt động, nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh chống buôn lậu lâm sản, thực thi pháp luật bảo vệ và phát triển rừng.
Quan Hóa là 1 trong 7 huyện nằm trong Quy hoạch vùng luồng thâm canh của tỉnh, theo Quyết định 502/QĐ-UBND ngày 23-2-2012 của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa về việc phê duyệt Quy hoạch vùng thâm canh luồng tập trung tỉnh Thanh Hóa, thời kỳ 2011-2020. Diện tích rừng luồng của Quan Hóa được quy hoạch 10.042 ha, trong đó diện tích rừng luồng chăm sóc và bảo vệ 3.525 ha, diện tích rừng luồng cần phục tráng 6.517 ha.