Phát triển kinh tế gắn với bảo vệ tài nguyên thiên nhiên

Tối 11/6, tại Quảng trường Nghinh Phong, TP Tuy Hòa, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp UBND tỉnh Phú Yên tổ chức Lễ mít-tinh Kỷ niệm Ngày Đại dương thế giới và Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam năm 2022 với hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến tới hơn 500 điểm cầu.

Đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương phát biểu tại Lễ mít-tinh.

Đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương phát biểu tại Lễ mít-tinh.

Dự lễ mít-tinh có đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Tài Nguyên và Môi trường, Phạm Đại Dương, Bí thư Tỉnh ủy, Trường Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên cùng lãnh đạo các bộ, ngành, các tỉnh, thành phố có biển và đông đảo người dân trên địa bàn.

Theo Bộ trưởng Tài Nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, để nâng cao nhận thức cho công chúng và các nhà quản lý về vai trò quan trọng của biển và đại dương trong đời sống hằng ngày của con người, năm 1992 tại Hội nghị thượng đỉnh Trái đất tại Rio de Janeiro (Brazil), Chính phủ Canada đã đề xuất sáng kiến Ngày Đại dương thế giới. Kể từ năm 2009, sau khi được Đại hội đồng Liên hợp quốc chính thức lựa chọn, ngày 8/6, hằng năm được toàn thế giới hưởng ứng Ngày Đại dương thế giới.

Tuy nhiên, đại dương của chúng ta hiện đang đối mặt với những nguy cơ chưa từng có do tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, các hoạt động khai thác tài nguyên thiếu bền vững, ô nhiễm môi trường và suy giảm hệ sinh thái biển. Theo cảnh báo của Liên hợp quốc, 90% quần thể cá lớn bị cạn kiệt và 50% rạn san hô bị phá hủy; ô nhiễm rác thải nhựa đã chạm đến nơi sâu nhất trong lòng đại dương và con người đang lấy đi từ đại dương nhiều hơn những gì có thể được bổ sung.

Vì vậy, Ngày Đại dương thế giới 2022 có chủ đề: “Hồi sinh: cùng hành động vì đại dương” để nhấn mạnh việc nhân loại cần khẩn trương chung tay hành động nhằm hồi sinh đại dương, phục hồi các hệ sinh thái biển, bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường biển, mang lại sức sống mới cho đại dương, qua đó kiến tạo tương lai bền vững của con người và muôn loài.

Phát biểu ý kiến tại lễ mít-tinh, đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương khẳng định: Việt Nam là quốc gia biển, có bề dày về lịch sử, truyền thống văn hóa và quá trình dựng nước, giữ nước gắn liền với biển. Chúng ta có bờ biển dài hơn 3.260km từ bắc xuống nam, với hơn 3.000 hòn đảo, trong đó có quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Các vùng biển và thềm lục địa thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia rộng khoảng 1 triệu km2. Biển, đảo gắn liền với lịch sử, văn hóa và quá trình dựng nước và giữ nước, là một bộ phận cấu thành chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, là môi trường sinh tồn, phát triển bền vững của dân tộc.

Chủ trương xuyên suốt và nhất quán của Đảng và Nhà nước ta là tập trung phát triển bền vững, toàn diện các ngành kinh tế biển, các vùng biển và hải đảo; bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa biển; bảo vệ tài nguyên, môi trường biển và hải đảo bền vững đi đôi với bảo đảm quốc phòng, an ninh, an toàn trên biển; bảo vệ vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của quốc gia trên biển. Thúc đẩy, tạo động lực mạnh mẽ để nước ta trở thành một quốc gia mạnh về biển, giàu lên từ biển…

Năm 2022, Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam có chủ đề “Phát triển bền vững kinh tế biển gắn với bảo tồn đa dạng sinh học và các hệ sinh thái biển”. Đây là thông điệp thể hiện sự quyết tâm bảo vệ và nâng cao sức sống của biển, thông qua việc thực hiện các chương trình bảo vệ môi trường biển, đảo, khắc phục những tồn tại, hạn chế trong khai thác, sử dụng và phát triển bền vững kinh tế biển.

Các đại biểu tham dự Lễ mít-tinh.

Các đại biểu tham dự Lễ mít-tinh.

Để thực hiện chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước trong phát triển bền vững kinh tế biển, góp phần thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ của Liên hiệp quốc về phát triển bền vững, trong đó có mục tiêu “Bảo tồn và sử dụng bền vững các đại dương, biển và nguồn lợi biển”, đồng chí Trần Tuấn Anh đề nghị các bộ, ban, ngành Trung ương và các địa phương, các tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức xã hội-nghề nghiệp, người dân cả nước tiếp tục quán triệt sâu sắc, nhận thức đầy đủ và toàn diện các nội dung, tăng cường triển khai đồng bộ các khâu đột phá, giải pháp chủ yếu về phát triển kinh tế biển được nêu trong Nghị quyết số 36-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Khóa XII và Nghị quyết đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII…

Các ban, bộ, ngành và các địa phương, nhất là 28 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có biển cần đánh giá toàn diện, đầy đủ, cụ thể những thách thức trong công tác bảo vệ chủ quyền, khai thác bền vững tài nguyên biển, hải đảo; tình hình ô nhiễm môi trường biển, hải đảo của mỗi địa phương, từ đó có chính sách ưu tiên nhằm giải quyết một cách tổng thể, hiệu quả những thách thức đó…

Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cũng chỉ rõ, cần xác định kinh tế biển là động lực để phục hồi các hoạt động kinh tế-xã hội và thức đẩy tăng trưởng kinh tế đất nước nói chung và kinh tế của các địa phương nói riêng sau đại dịch Covid-19. Xây dựng lực lượng bảo vệ chủ quyền, thực thi pháp luật trên biển vững mạnh, kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo từ sớm, từ xa trong mọi tình huống. Tăng cường quan hệ với các nước, các đối tác, nhất là các nước có tiềm lực về biển trên nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, bình đẳng, cùng có lợi và phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982; giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế; chủ động, tích cực tham gia các diễn đàn quốc tế và khu vực…

Đồng chí Trần Tuấn Anh khẳng định, với sự chung sức, chung lòng, nỗ lực chung của cả hệ thống chính trị, của các tổ chức, doanh nghiệp và toàn thể nhân dân cả nước, biển và hải đảo của chúng ta, đại dương của chúng ta sẽ ngày một "khỏe mạnh” hơn, xanh hơn, đẹp hơn; kinh tế biển sẽ ngày càng pháp triển bền vững đưa nước ta trở thành quốc gia giàu từ biển, mạnh về biển, đóng góp lớn hơn cho phát triển kinh tế-xã hội chung của đất nước…

Phát biểu hưởng ứng tại lễ mít-tinh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Trần Hữu Thế cho rằng: Tỉnh Phú Yên cũng như các địa phương ven biển đã và đang từng bước khắc phục những tồn tại, hạn chế trong phát triển kinh tế biển, hướng đến phát triển kinh tế biển xanh bền vững. Tích cực tuyên truyền, giáo dục, nâng cao hơn nữa nhận thức và tầm quan trọng về bảo vệ môi trường nói chung, môi trường biển, đảo và đại dương nói riêng cho mọi tầng lớp nhân dân. Biến nhận thức về bảo vệ môi trường và tấm lòng yêu biển, đảo thành ý thức tự giác và hành động cụ thể như làm vệ sinh, bảo vệ môi trường, trồng nhiều cây xanh hoặc đơn giản là không vứt thải rác nhựa xuống biển...

Dịp này, ông Trần Hữu Thế kêu gọi các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh chung tay thực hiện, hành động thiết thực vì môi trường, bằng những việc cụ thể vì biển đảo quê hương; đồng thời mong rằng các hoạt động trong chuỗi sự kiện Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam năm 2022 tại Phú Yên sẽ lan tỏa mạnh mẽ tinh thần bảo vệ biển đảo, đại dương và lan tỏa thông điệp “Hãy hành động bảo vệ sự sống an toàn của con người từ khắp các đại dương trên thế giới”, để mọi tầng lớp nhân dân hưởng ứng sâu rộng, mạnh mẽ, cùng nhau bảo vệ môi trường biển, phát triển kinh tế biển.

Tại Lễ mít-tinh, Báo Người Lao động đã trao “Bảng tượng trưng” 10 nghìn lá cờ Tổ quốc của Chương trình “Một triệu lá cờ Tổ quốc cùng ngư dân bám biển” cho đại diện lãnh đạo tỉnh Phú Yên; trao túi thuốc cho ngư dân…

Trước đó, chiều 11/6, đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cùng lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường, tỉnh Phú Yên, lãnh đạo các bộ, ngành… và người dân trên địa bàn tổ chức trồng một số cây bàng vuông Trường Sa tại khu vực Công viên Văn hóa đá, thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên.

TRUNG TUYẾN

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/moi-truong/phat-trien-kinh-te-gan-voi-bao-ve-tai-nguyen-thien-nhien-700942/