Phát triển kinh tế gắn với quốc phòng - an ninh
Đường cơ động ven biển đang được sửa chữa, nâng cấp. Ảnh: XUÂN HIẾU
Thời gian qua, Bộ CHQS tỉnh luôn chú trọng, làm tốt việc tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện kết hợp phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) gắn với củng cố, tăng cường quốc phòng - an ninh (QP-AN), xây dựng khu vực phòng thủ (KVPT) tỉnh ngày càng vững chắc.
Phối hợp đồng bộ
Thượng tá Cao Văn Mười, Phó Chỉ huy trưởng - Tham mưu trưởng Bộ CHQS tỉnh cho biết: Tiếp tục quán triệt, thực hiện Kết luận 57 của Bộ Chính trị về kết hợp QP-AN với kinh tế, kinh tế với QP-AN, Bộ CHQS tỉnh đã tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo, kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội gắn với tăng cường, củng cố thế trận QP-AN, xây dựng các tiềm lực trong KVPT. Trong công tác xây dựng các quy hoạch, kế hoạch lập hồ sơ, chuẩn bị dự án đầu tư phát triển KT-XH, các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh đã có sự phối hợp đồng bộ, đề xuất, thẩm định chặt chẽ, phù hợp với thực tiễn địa phương và đúng quy định pháp luật, bảo đảm vừa đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH, vừa bảo đảm yêu cầu củng cố QP-AN và xây dựng KVPT. Tỉnh cũng đã tổ chức thông qua và ký thống nhất về xác định khu quân sự, lập hợp phần Quy hoạch tổng thể bố trí quốc phòng kết hợp phát triển KT-XH thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và lập hợp phần quy hoạch không gian biển quốc gia về lĩnh vực quốc phòng theo đúng quy định.
Phát triển kinh tế biển kết hợp với tăng cường bảo vệ chủ quyền, an ninh khu vực biên giới biển luôn được tỉnh đặc biệt chú trọng.
Toàn tỉnh hiện có 3.874 tàu cá, trong đó công suất từ 90CV trở lên là 1.069 tàu. Kết hợp QP-AN với kinh tế, kinh tế với QP-AN, tỉnh đã triển khai hiệu quả các chính sách phát triển thủy sản, tạo mọi điều kiện để bà con ngư dân yên tâm bám biển sản xuất, kết hợp với bảo vệ chủ quyền các vùng biển của Tổ quốc. Đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, hướng dẫn ngư dân khai thác thủy sản đúng ngư trường, chấp hành nghiêm quy định về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU). Bộ CHQS tỉnh chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng và các địa phương quản lý chặt chẽ số nhân lực, phương tiện tàu thuyền dân sự, thường xuyên tổ chức tập huấn, huấn luyện, diễn tập, khuyến khích ngư dân bám biển sản xuất kết hợp với bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Bên cạnh đó, hoạt động khai thác, nuôi trồng thủy sản gắn với bảo vệ chủ quyền, an ninh trên biển cũng được đẩy mạnh. Đặc biệt, khu vực ven biển của tỉnh đã hình thành 5 khu công nghiệp tập trung, tổng diện tích hơn 460ha, hơn 80 dự án được đầu tư, tỉ lệ đăng ký đầu tư lấp đầy khoảng 77%.
Trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, trên địa bàn tỉnh hiện có 4.163 doanh nghiệp đang hoạt động với tổng vốn đăng ký 77.395 tỉ đồng. Nhiều nhà máy, xí nghiệp có khả năng sẵn sàng chuyển đổi công năng sản xuất hàng quốc phòng và chuyển giao công nghệ phục vụ công nghiệp quốc phòng khi có tình huống.
Trong công tác quy hoạch xây dựng nông thôn mới, hạ tầng kỹ thuật đô thị, ngoài việc bảo đảm phát triển KT-XH, các cấp, ngành đều tính toán tới khả năng, tính lưỡng dụng của các công trình dân sinh phục vụ quốc phòng khi có yêu cầu, không làm ảnh hưởng đến thế trận quân sự và các phương án tác chiến.
Hệ thống thương mại, dịch vụ bảo đảm ổn định và nâng cao đời sống Nhân dân, sẵn sàng chuyển thành một bộ phận hệ thống hậu cần, kỹ thuật tại chỗ khi chuyển địa phương vào trạng thái quốc phòng.
Giao thông thông suốt
Một trong những lĩnh vực được tỉnh chú trọng giữa phát triển KT-XH với QP-AN, đó là mạng lưới giao thông đường bộ tiếp tục được đầu tư nâng cấp, xây dựng khá đồng bộ, kết nối thông suốt giữa địa bàn trong tỉnh, giữa các tỉnh trong khu vực và cả nước, đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH, QP-AN, cứu hộ cứu nạn… không để chia cắt trong mọi tình huống.
Về giao thông đường thủy, ngoài cảng Vũng Rô được đầu tư, nâng cấp, tiếp nhận tàu có tải trọng đến 3.000DWT, năng lực khai thác hàng hóa đến nay đạt hơn 700.000 tấn/năm, Phú Yên còn có quy hoạch cảng biển nước sâu Bãi Gốc tiếp nhận tàu có tải trọng đến 50.000DWT.
Đặc biệt, tuyến đường cơ động ven biển (đường Lê Duẩn nối dài) là một công trình quan trọng trong bảo đảm QP-AN vùng biển của tỉnh. Du khách thường chọn tuyến này để đến với thắng cảnh quốc gia đặc biệt Gành Đá Đĩa và nhà thờ Mằng Lăng. Hiện tại tuyến đường này đang được nâng cấp, mở rộng. Đoạn mở rộng có chiều dài hơn 4km với nền đường rộng 32m, mặt đường rộng 15m bằng bê tông nhựa, dải phân cách rộng 3m cùng vỉa hè hai bên và hệ thống thoát nước, cây xanh... sẽ hoàn thành trong năm 2023.
Cùng với đó, HĐND tỉnh cũng đã thông qua nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án tuyến đường ven biển đoạn phía bắc cầu An Hải (huyện Tuy An) với chiều dài 6km, tổng kinh phí 600 tỉ đồng từ ngân sách trung ương hỗ trợ. Công trình được đầu tư xây dựng trong 4 năm (2022-2025), từng bước hoàn chỉnh tuyến đường cơ động ven biển của tỉnh và hoàn chỉnh trục giao thông ven biển kết nối 3 tỉnh Bình Định - Phú Yên - Khánh Hòa. Từ đó hình thành tuyến giao thông huyết mạch gắn kết các tỉnh lân cận, nhằm khai thác hiệu quả tài nguyên vùng ven biển, thúc đẩy phát triển KT-XH, củng cố, bảo vệ vững chắc chủ quyền khu vực biên giới biển.
Theo ông Trịnh Ngọc Tiên, cựu chiến binh ở xã An Hòa Hải (huyện Tuy An), tuyến đường cơ động ven biển được nâng cấp, mở rộng tạo điều kiện cho cán bộ, người dân và các phương tiện đi lại thuận lợi, góp phần hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị, xây dựng nông thôn mới, thu hút đầu tư để khai thác tiềm năng du lịch khu vực biên giới biển, thúc đẩy phát triển KT-XH địa phương, phục vụ công tác quốc phòng, đảm bảo thế trận KVPT của tỉnh.
“Công tác quản lý Nhà nước về thông tin liên lạc tiếp tục được tăng cường, công nghệ thông tin được đầu tư phát triển, xây dựng hệ thống thông tin liên lạc dân sự kết hợp chặt chẽ với hệ thống thông tin liên lạc quân sự của các đơn vị trong LLVT bảo đảm thông tin kịp thời, chính xác, bí mật, an toàn, vững chắc trong mọi tình huống”, thượng tá Cao Văn Mười cho biết thêm.
Cùng với chú trọng xây dựng các tiềm lực trong KVPT, cán bộ chiến sĩ trong LLVT tỉnh tích cực tham gia giúp dân xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội; phối hợp với cấp ủy, chính quyền các địa phương tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, góp phần bảo đảm mỗi bước phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội là một bước tăng cường tiềm lực quốc phòng.
Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/82/291859/phat-trien-kinh-te-gan-voi-quoc-phong-an-ninh.html