Phát triển kinh tế gắn với xây dựng thế trận an ninh nhân dân và quốc phòng toàn dân vững chắc
Chiều 1/8, tại thành phố Quảng Ngãi, Bộ Công an phối hợp Tỉnh ủy Quảng Ngãi tổ chức Hội thảo khoa học cấp Bộ 'Xây dựng thế trận an ninh nhân dân gắn với thế trận quốc phòng toàn dân vững chắc trong bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, biển, đảo và bảo đảm an ninh, trật tự phục vụ phát triển kinh tế-xã hội tỉnh Quảng Ngãi-Những vấn đề lý luận và thực tiễn'.
Đồng chủ trì và chỉ đạo Hội thảo có các đồng chí: Trung tướng, Tiến sĩ Lê Quốc Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Công an; Thạc sĩ Bùi Thị Quỳnh Vân, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Ngãi.
Hội thảo có sự tham gia của hơn 250 đại biểu đến từ các Cục nghiệp vụ thuộc Bộ Công an; lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi, các sở, ban ngành của tỉnh; lãnh đạo Công an các tỉnh: Quảng Ngãi, Quảng Nam, Bình Định, Phú Yên và thành phố Đà Nẵng.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thạc sĩ Bùi Thị Quỳnh Vân, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Ngãi nhấn mạnh, Hội thảo khoa học có ý nghĩa hết sức quan trọng và cần thiết đối với tỉnh Quảng Ngãi trong thời điểm hiện nay, giúp tỉnh đánh giá đúng thực trạng xây dựng thế trận an ninh nhân dân gắn với thế trận quốc phòng toàn dân vững chắc trong bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, biển, đảo và bảo đảm an ninh, trật tự phục vụ triển khai thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW ngày 3/11/2022 của Bộ Chính trị nhằm phát huy tối đa tiềm năng, tạo nhiều giá trị khác biệt trong phát triển kinh tế-xã hội.
Đồng thời, góp phần triển khai hiệu quả Đề án 23-ĐA/TU ngày 30/6/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Nghị quyết số 12-NQ/TU ngày 12/7/2023 của Tỉnh ủy Quảng Ngãi về đẩy mạnh xây dựng lực lượng Công an tỉnh Quảng Ngãi thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.
Qua đó, đưa ra nhiều kiến nghị, đề xuất với Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương các giải pháp cụ thể nhằm nâng cao hiệu quả công tác xây dựng thế trận an ninh nhân dân gắn với thế trận quốc phòng toàn dân vững chắc trong bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, biển, đảo và bảo đảm an ninh, trật tự, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội trong thời gian tới.
Tại Hội thảo, với tinh thần làm việc khoa học, nghiêm túc, trách nhiệm, tâm huyết, các đại biểu trình bày nhiều tham luận, đi sâu phân tích, làm rõ nhiều luận cứ khoa học, thực tiễn xây dựng thế trận an ninh nhân dân gắn với thế trận quốc phòng toàn dân vững chắc để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ biển, đảo; bảo đảm an ninh, trật tự phục vụ phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn các tỉnh duyên hải Trung Bộ nói chung, tỉnh Quảng Ngãi nói riêng; kiến nghị, đề xuất nhiều giải pháp hay để nâng cao hiệu quả xây dựng thế trận an ninh nhân dân, gắn với thế trận quốc phòng toàn dân vững chắc, bảo đảm an ninh, trật tự phục vụ phát triển kinh tế-xã hội trong thời gian tới.
Phát biểu kết luận Hội thảo, Trung tướng, Tiến sĩ Lê Quốc Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Công an nhận định, với những diễn biến phức tạp của tình hình thế giới và trong nước, đặt ra nhiều vấn đề, yêu cầu mới đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đặc biệt, tình hình tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, chủ quyền biển, đảo diễn ra căng thẳng, phức tạp, quyết liệt hơn và hòa bình, ổn định, tự do, an ninh, an toàn hàng hải, hàng không trên Biển Đông đứng trước thách thức lớn, tiềm ẩn nguy cơ xung đột.
Trước tình hình trên, đồng chí đề nghị thời gian tới, tỉnh Quảng Ngãi nói riêng, các tỉnh Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ nói chung cần triển khai toàn diện, đồng bộ các giải pháp sau:
Một là, các cấp ủy đảng quán triệt sâu sắc và thực hiện nghiêm túc các đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước và của địa phương. Xác định công tác quốc phòng-an ninh phải đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp về mọi mặt của các cấp ủy đảng, sự điều hành của chính quyền và sự phối hợp hiệp đồng của các ban, ngành, đoàn thể; sự tham gia của nhân dân, trong đó lực lượng Công an, Quân đội giữ vai trò nòng cốt, xung kích.
Hai là, phát huy mạnh mẽ vai trò của cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, Mặt trận Tổ quốc trong xây dựng nền an ninh nhân dân, thế trận an ninh nhân dân và quốc phòng toàn dân.
Ba là, xây dựng chương trình, kế hoạch về xây dựng thế trận an ninh nhân dân kết hợp chặt chẽ với thế trận quốc phòng toàn dân vững chắc gắn với thực hiện các quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.
Bốn là, đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Thực hiện hiệu quả các chương trình phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm tiến bộ, công bằng và an sinh xã hội. Kết hợp chặt chẽ thế trận an ninh nhân dân, thế trận quốc phòng toàn dân trên đất liền và trên hướng biển. Tăng cường các hoạt động tuần tra, kiểm soát; ngăn chặn tình trạng khai thác thủy, hải sản trái phép tại vùng biển nước ngoài; đảm bảo năng lực thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý biển, đảo và cứu hộ, cứu nạn trên biển; tạo điều kiện cho nhân dân yên tâm vươn khơi bám biển, đánh, bắt thủy, hải sản vừa phát triển kinh tế, vừa tham gia bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền biển, đảo.
Năm là, tiếp tục tham mưu cấp ủy, chính quyền cơ sở đẩy mạnh công tác chỉnh đốn Đảng và công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; củng cố thế trận lòng dân; tạo sức mạnh tổng hợp nền an ninh nhân dân, thế trận an ninh nhân dân kết hợp với nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân. Tổ chức triển khai hiệu quả Luật Lực lượng tham gia bảo đảm an ninh, trật tự ở cơ sở; đẩy mạnh thực hiện công tác vận động quần chúng, xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc và bảo đảm vững chắc an ninh, trật tự gắn kết với phát triển kinh tế-xã hội ở cơ sở.