Giám sát các hoạt động nuôi và khai thác con phi trên sông Trường Giang
Thời gian qua, nhiều người dân đưa thuyền và đồ nghề ra sông Trường Giang (thuộc địa phận huyện Núi Thành và TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam) để bắt con phi. Hoạt động trên góp phần tạo công ăn việc làm, đem lại thu nhập cho người dân. Tuy nhiên, việc khai thác không đúng quy định, sử dụng công cụ khai thác không thân thiện đã ảnh hưởng đến môi trường tự nhiên, gây sạt lở các bờ đập nuôi trồng thủy sản của người dân...
Con phi hay còn gọi là vẹm đất, con đậu đen,… là loài nhuyễn thể 2 mảnh vỏ, sinh sản và phát triển khá phổ biến trong vùng nước mặn, lợ có nhiều chất thải hữu cơ. Thức ăn của phi là lọc tất cả các chất hữu cơ có trong nước làm dinh dưỡng để phát triển. Trước đây, loài nhuyễn thể này không có giá trị kinh tế nên người dân không chú ý đến. Tuy nhiên, thời gian gần đây có nhiều thương lái về địa phương thu mua, vận chuyển vào các tỉnh: Khánh Hòa, Phú Yên… để làm thức ăn nuôi một số loài giáp xác như tôm hùm, cua..., nên đã mở ra sinh kế mới và là nguồn tăng thu nhập cho người dân địa phương. Do đó, hiện nay nhiều người dân địa phương đưa thuyền và đồ nghề ra sông bắt phi.
Sáng sớm, ông Trần L. cùng vợ, con (trú xã Tam Tiến, huyện Núi Thành) chọn khu vực nước sâu gần một mét trên sông Trường Giang để đánh bắt phi. Họ cắm chiếc cọc dài 4 mét xuống sông, dùng dây thừng cố định thuyền rồi nổ máy khiến chân vịt đẩy nước cuốn trôi đất cát. Vùng nước xoáy đục ngầu tạo thành những hố sâu dưới đáy sông, lộ ra con phi.Đồ nghề ông L. mang theo là chiếc cào làm bằng khúc tre dài 2m, một đầu gắn tấm lưới để vợt số phi ẩn mình dưới lớp đất cát ở đáy sông. Cứ khoảng 5 phút, ông L. đưa vợt lên xuống một lần, thu được gần 10 con phi. “Con phi dài hơn 5cm, sống ở vùng nước mặn và lợ, thường ẩn mình dưới lớp bùn cát sâu gần nửa mét nên phải đẩy đất cát mới bắt được”- ông L. cho hay.
Mỗi ngày, gia đình ông L. thường ra sông bắt phi trong vòng 3 giờ vào buổi sáng, thu được khoảng 70kg, giá bán 25.000 đồng/kg. Trừ chi phí tiền dầu, mỗi người thu hơn 500.000 đồng. “Nghề này phụ thuộc vào thủy triều, mỗi tháng chỉ làm được 15 ngày khi nước xuống cạn, còn nước lớn thì đành chịu”- ông L. nói.
Cách chỗ ông L. khoảng 100m, anh Nguyễn Hữu T. và ba người khác cũng ngâm mình trong nước, liên tục đưa vợt xuống chỗ chân vịt đẩy bùn cát để vớt phi.Nhóm của anh T. hôm nay gặp nơi nhiều phi nên chỉ hơn một giờ đã bắt được 300kg. Khi nước dâng lên, anh T. nghỉ tay và cho thuyền về bến. Thương lái chờ sẵn trên bờ để thu mua số phi của anh. Trừ chi phí tiền dầu, tính ra nhóm anh T. mỗi người thu khoảng một triệu đồng mỗi ngày…
Tuy góp phần tạo công ăn việc làm, đem lại thu nhập cho người dân, nhưng với việc đánh bắt phi theo kiểu như trên đã gây sạt lở các bờ đập nuôi trồng thủy sản của người dân và ô nhiễm vùng nước xung quanh. Ngoài phương pháp đánh bắt này, nhiều người dân còn dùng lưới kéo để khai thác con phi, đây là ngư cụ bị cấm được Quy định tại Thông tư số 19/2018 ngày 15-11-2018 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn. Bên cạnh đó, nhiều hộ dân còn tự ý giăng dây, thả lốp xe, cắm cọc, làm bè,… để nuôi con phi đã gây ra không ít khó khăn cho hoạt động giao thông đường thủy, tranh chấp vùng nuôi làm mất ANTT tại một số địa phương có sông Trường Giang chảy qua.
Trước thực trạng này, mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đã có văn bản đề nghị UBND huyện Núi Thành và TP Tam Kỳ chỉ đạo các phòng chuyên môn, UBND các xã quan tâm theo dõi, giám sát các hoạt động nuôi và khai thác con phi; đồng thời, tập trung tuyên truyền, hướng dẫn người nuôi đúng quy định, không ảnh hưởng giao thông đường thủy cũng như sử dụng ngư cụ khai thác thân thiện môi trường. Bên cạnh đó, thường xuyên phối hợp với Chi cục Thủy sản và các đơn vị liên quan mở các đợt tuần tra, kiểm tra trên sông nước lợ, xử lý nghiêm các hành vi sử dụng nghề, ngư cụ cấm để khai thác thủy sản trái phép…