Phát triển kinh tế gia trại ở xã Tân Lập

Những năm trở lại đây, nhiều nông dân ở xã Tân Lập, huyện Hướng Hóa đã tập trung chuyển đổi những diện tích đất sản xuất kém hiệu quả để phát triển mô hình kinh tế gia trại. Đây được xem là biện pháp hữu hiệu, góp phần phát triển kinh tế hộ gia đình, nâng cao hiệu quả kinh tế nông nghiệp, đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn xã.

 Cán bộ Hội Nông dân xã Tân Lập đến thăm, trao đổi kinh nghiệm làm kinh tế gia trại với nông dân - Ảnh: B.L

Cán bộ Hội Nông dân xã Tân Lập đến thăm, trao đổi kinh nghiệm làm kinh tế gia trại với nông dân - Ảnh: B.L

Cùng với những cơ chế, chính sách khuyến khích của tỉnh, huyện để xây dựng cơ sở hạ tầng phát triển kinh tế gia trại, xã Tân Lập cũng đã kết nối để thực hiện các chính sách hỗ trợ cho nông dân như tổ chức tập huấn về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi để các hộ gia đình có cơ hội học tập, trao đổi kinh nghiệm trong phát triển kinh tế gia trại. Khuyến khích các hộ nông dân thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và tích tụ, tập trung đất đai để phát triển sản xuất nông nghiệp có quy mô lớn.

Anh Đặng Ngọc Bằng ở thôn Tân Trung, xã Tân Lập có hơn 5 năm gắn bó với mô hình kinh tế gia trại chăn nuôi kết hợp trồng trọt. Trong đó, nuôi thỏ là hướng chính trong phát triển kinh tế của gia đình. Nhận thấy nhu cầu tiêu thụ thỏ giống và thỏ thịt trên thị trường cao, giá cả ổn định, người nuôi thỏ ít, anh Bằng đã tận dụng đất vườn nhà, tập trung nuôi thỏ theo quy mô hộ gia đình. Nhờ tích cực nghiên cứu qua sách báo và học hỏi từ các mô hình chăn nuôi khác nên anh sớm nắm bắt được những kiến thức cơ bản để áp dụng vào nuôi thỏ. Nhờ vậy, đàn thỏ của gia đình anh ngày càng sinh sôi, phát triển tốt.

Đến nay, gia đình anh đã có trên 750 con thỏ, bao gồm cả thỏ giống và thịt. Ngoài ra, trên diện tích đất đồi gần 1ha, anh nuôi dê, gà, trồng chuối, các loại cây ăn quả. Anh Bằng chia sẻ: “Ban đầu tôi chăn nuôi quy mô nhỏ lẻ, không tập trung. Được chính quyền địa phương tư vấn, tôi dần bố trí vườn đồi tập trung, phát triển kinh tế theo hướng gia trại. Quá trình thành lập gia trại, tôi luôn tích cực học hỏi, tham gia các lớp tập huấn để nâng cao kiến thức. Thời gian đầu không tránh khỏi khó khăn như đàn gia súc, gia cầm bị bệnh chết, đầu ra thị trường không ổn định…

Vừa làm vừa học hỏi kinh nghiệm nên bây giờ khu gia trại đã đi vào nền nếp, đem lại nguồn thu nhập ổn định. Ngoài làm kinh tế gia đình, tôi cũng sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, chăn nuôi cho những hộ có nhu cầu, đặc biệt là những hộ nông dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số”.

Hiện nay, trên địa bàn xã Tân Lập có 1 trang trại quy mô lớn khép kín, hơn 60 gia trại, chủ yếu chăn nuôi lợn, trâu, bò, gà, cá nước ngọt kết hợp trồng cây ăn quả. Để tạo đầu ra ổn định, các chủ trang trại, gia trại tại đây rất chú trọng đến vấn đề chất lượng vật nuôi, cây trồng, tận dụng nguồn thức ăn sẵn có, sử dụng phân bón hữu cơ cho cây trồng, hạn chế tối đa việc dùng kháng sinh trong chăn nuôi và bón phân hóa học trong trồng trọt, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường.

Tại xã Tân Lập, nhiều diện tích cây trồng kém hiệu quả, sau khi chuyển sang gia trại với các loại cây trồng, vật nuôi đa dạng, đã cho hiệu quả kinh tế cao hơn so với sản xuất nhỏ lẻ như trước đây. Việc phát triển kinh tế gia trại đã góp phần khai thác tốt diện tích đất hoang hóa, đất trồng kém hiệu quả; nâng cao hiệu quả sản xuất, góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp và nông thôn theo hướng tăng nhanh tỉ trọng sản xuất hàng hóa, tạo ra các vùng sản xuất tập trung, mở ra hướng phát triển nông nghiệp bền vững cho nông dân.

Thời gian tới, xã Tân Lập tiếp tục tăng cường tuyên truyền, phổ biến chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng bền vững. Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư, liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm cho các trang trại, gia trại.

Ông Nguyễn Trung Hiếu, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Lập cho biết thêm: “Từ hiệu quả những mô hình kinh tế gia trại mang lại thời gian qua, tới đây, Hội Nông dân xã tiếp tục tuyên truyền, hướng dẫn nông dân nhân rộng những mô hình hiệu quả này. Vận động người dân xây dựng mô hình gia trại xa khu dân cư đảm bảo vệ sinh môi trường. Đồng thời, hội cũng tín chấp với Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT, Ngân hàng Chính sách xã hội, Quỹ hỗ trợ nông dân để tạo điều kiện cho nông dân thực hiện các mô hình nhằm tăng thu nhập, cải thiện đời sống, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế nông nghiệp, đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương”.

Bích Liên

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=170421&title=phat-trien-kinh-te-gia-trai-o-xa-tan-lap