Phát triển kinh tế gia trại, trang trại ở Vị Xuyên

Nhằm thúc đẩy sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, tích cực thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp; những năm gần đây, người dân trên địa bàn huyện Vị Xuyên đã mạnh dạn đầu tư phát triển chăn nuôi theo hướng gia trại, trang trại; không chỉ đem lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình mà còn góp phần thúc đẩy ngành chăn nuôi của huyện phát triển bền vững.

Khu vực chăn nuôi lợn giống của gia đình ông Nguyễn Hồng Nghĩa luôn đảm bảo vệ sinh môi trường.

Khu vực chăn nuôi lợn giống của gia đình ông Nguyễn Hồng Nghĩa luôn đảm bảo vệ sinh môi trường.

Mô hình chăn nuôi lợn thương phẩm, sinh sản của gia đình ông Nguyễn Hồng Nghĩa, thôn Lùng Càng, xã Phong Quang là một điển hình về phát triển kinh tế mang lại hiệu quả cao. Được biết, từ năm 2012, ông Nghĩa đầu tư chăn nuôi 200 con lợn thịt giống lợn siêu nạc; nhờ áp dụng đúng quy trình kỹ thuật, phòng trị bệnh đúng lịch, nên đàn lợn của gia đình ông phát triển tốt và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Những năm tiếp theo, ông Nghĩa từng bước đầu tư phát triển mở rộng quy mô chăn nuôi lợn thương phẩm sạch, an toàn. Với gần 2 ha đất, ông xây dựng hệ thống trang trại với khoảng 6.500 m2 chuồng nuôi khép kín, phân chia các ô chuồng có diện tích lớn, nhỏ khác nhau với các khu riêng biệt cho lợn nái sinh sản, lợn giống và lợn thịt, đảm bảo vệ sinh môi trường; diện tích đất còn lại, ông trồng ngô, chuối làm thức ăn chăn nuôi. Đến nay, gia đình ông luôn duy trì tổng đàn lợn từ 800 – 1.000 con, mỗi năm xuất bán ra thị trường 4 – 5 lứa lợn thương phẩm, cho thu nhập trên 500 triệu đồng.

Cũng đầu tư phát triển chăn nuôi theo hướng gia trại, nhưng gia đình chị Nguyễn Thị Ngoan, thôn Độc Lập, xã Đạo Đức lại chọn hướng làm giàu với nghề chăn nuôi gia cầm. Hiện, gia đình chị chăn nuôi khoảng 10.000 con chim cút, 1.000 con gà và 1.000 con ngan đen. Nguồn con giống đều được gia đình chị mua từ trại giống Viện chăn nuôi (Hà Nội). Để đảm bảo cho đàn gia cầm khỏe mạnh, gia đình chị thường xuyên phun thuốc khử trùng, vệ sinh chuồng trại bằng vôi bột và các dung dịch sát khuẩn, tiêm phòng vắc xin định kỳ và đảm bảo chế độ thức ăn, nước uống cho đàn vật nuôi. Mỗi tháng, gia đình chị Ngoan xuất bán từ 4.000 – 5.000 con chim cút thương phẩm với giá bán lẻ là 15.000 đồng/con; khoảng 200 – 300 con gà, ngan với giá 110.000 – 130.000 đồng/kg gà thịt, từ 65.000 – 70.000 đồng/kg ngan đen. Gia đình chị thu nhập được gần 200 triệu đồng mỗi năm.

Tổng đàn gia súc, gia cầm của huyện Vị Xuyên hiện có 833.496 con; trong đó, đàn trâu, bò 36.420 con, đàn lợn 83.974 con và đàn gia cầm 713.102 con. Xác định phát triển chăn nuôi là khâu đột phá trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp địa phương, huyện đã tích cực tuyên truyền, vận động người dân phát triển các mô hình kinh tế trang trại, gia trại. Để các mô hình phát triển sản xuất mang lại hiệu quả, huyện thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn kiến thức về kỹ thuật chăn nuôi; phòng, chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm. Đồng thời, huyện cũng tạo tạo mọi điều kiện thuận lợi để hộ chăn nuôi tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi, mở rộng sản xuất. Đến nay, toàn huyện có 1.885 hộ đăng ký vay vốn theo Nghị quyết 209, 86 và 29 của HĐND tỉnh để phát triển chăn nuôi trâu, bò, lợn, gia cầm và làm chuồng trại; hiện đã giải ngân cho 1.007 hộ dân vay với tổng vốn vay trên 109,6 tỷ đồng. Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp, nhiều hộ dân trên địa bàn đã đầu tư phát triển trang trại, gia trại chăn nuôi gia súc, gia cầm đem lại hiệu quả kinh tế cao; thu nhập bình quân hàng năm từ 150 triệu đồng trở lên. Hiện nay, toàn huyện Vị Xuyên hiện có 78 trang trại, gia trại chăn nuôi gia súc, gia cầm với quy mô từ 20 con đại gia súc và từ 1.500 con gia cầm trở lên. Trong quý I.2020, sản lượng thịt trâu, bò hơi xuất chuồng là 307,95 tấn (tăng 11,4% so với cùng kỳ năm 2019); sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng là 2.430 tấn (tăng 9,2% so với cùng kỳ năm 2019); sản lượng gia cầm là 481,8 tấn.

Thời gian tới, huyện xác định đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các hộ dân mở rộng quy mô trang trại, gia trại theo hướng hàng hóa, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho bà con về nguồn vốn, hỗ trợ khoa học kỹ thuật, xây dựng các nhóm cùng sở thích chăn nuôi; đồng thời quy hoạch vùng chăn nuôi, phát triển các trang trại, gia trại bảo đảm vệ sinh môi trường và đẩy mạnh thu hút các doanh nghiệp đầu tư, xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm ổn định cho các hộ chăn nuôi trên địa bàn.

Bài, ảnh: YẾN VŨ

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/kinh-te/202005/phat-trien-kinh-te-gia-trai-trang-trai-o-vi-xuyen-760096/