Phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững

Những năm qua, ngành lâm nghiệp Lào Cai đẩy mạnh phát triển kinh tế theo hướng hàng hóa, gắn trồng rừng với chế biến sâu để nâng cao hiệu quả, tính bền vững, tạo thêm việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.

Sản xuất gỗ ván ép tại huyện Bảo Yên.

Sản xuất gỗ ván ép tại huyện Bảo Yên.

Nâng cao chất lượng rừng

Mặc dù Lào Cai có những thuận lợi về phát triển kinh tế lâm nghiệp nhưng tình hình sản xuất vẫn gặp một số hạn chế bởi quy mô manh mún, nhỏ lẻ, năng suất rừng trồng bình quân đạt thấp (khoảng 18 m3 gỗ/ha/năm), thu nhập từ nghề rừng chưa tương xứng với tiềm năng.

Để khai thác hiệu quả kinh tế rừng, tỉnh xác định cần tái cơ cấu ngành lâm nghiệp theo hướng phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương, chuyển mạnh sang sản xuất hàng hóa tập trung. Đồng thời, gắn kết chặt chẽ giữa sản xuất với chế biến và tiêu thụ sản phẩm; đảm bảo hài hòa mục tiêu tăng giá trị gia tăng và phát triển bền vững, nâng cao thu nhập cho người dân từ trồng rừng.

Theo ông Vũ Hồng Điệp, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh, giải pháp trọng tâm giai đoạn hiện nay là quản lý, sử dụng hợp lý tài nguyên rừng và đất lâm nghiệp; thâm canh hiệu quả vùng sản xuất gỗ nguyên liệu (gỗ ép, ván bóc) khoảng 100 nghìn ha với loài cây trồng chính là keo, mỡ, bồ đề tại các huyện vùng thấp như Bảo Thắng, Bảo Yên, Văn Bàn... Toàn tỉnh duy trì khoảng 26 nghìn ha quế thâm canh gắn với công nghiệp chế biến sâu; thu hút các doanh nghiệp lớn đầu tư trong lĩnh vực sản xuất giống, chế biến sâu gỗ và lâm sản ngoài gỗ, đặc biệt là quế, thảo quả, các loại dược liệu phục vụ xuất khẩu.

Với mong muốn từng bước đưa sản phẩm lâm nghiệp phát triển theo hướng hàng hóa và vươn ra thị trường nước ngoài, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã tích cực hỗ trợ trồng rừng nguyên liệu, rừng gỗ lớn, hỗ trợ cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững theo tiêu chuẩn FSC cho diện tích rừng trồng đạt tiêu chuẩn. Toàn tỉnh hiện đã có 5 đơn vị hoàn thành xây dựng phương án quản lý rừng bền vững, trong đó 1 đơn vị được cấp chứng chỉ bền vững FSC với hơn 5.700 ha. Về chế biến, tỉnh hỗ trợ các doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ sản phẩm tại địa phương, trong đó có 2 nhà máy chế biến gỗ MDF, ván ghép thanh, ván ghép tre (công suất 150.000 m3 sản phẩm/năm); hơn 300 cơ sở chế biến lâm sản (31 công ty, doanh nghiệp, 7 hợp tác xã, 276 hộ kinh doanh).

Lào Cai hiện có hơn 361 nghìn ha rừng, tỷ lệ che phủ đạt 54,81%. Tổng giá trị sản xuất ngành lâm nghiệp năm 2019 ước đạt 2.100 tỷ đồng, tăng trung bình 133 tỷ đồng/năm. Đặc biệt, công tác trồng rừng phát triển mạnh trong những năm gần đây, riêng trong 4 năm (2016 - 2019), các địa phương trong tỉnh trồng được 28.100 ha, bình quân 7.025 ha/năm. Công tác bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng được quan tâm, tình trạng vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng giảm rõ rệt. Kim ngạch xuất khẩu gỗ và lâm sản qua Cửa khẩu Quốc tế Lào Cai đạt khoảng 40 triệu USD/năm. Đó là yếu tố nền tảng phát triển bền vững kinh tế rừng gắn với tái cơ cấu ngành lâm nghiệp và xây dựng nông thôn mới.

Người dân xã Bảo Hà chăm sóc rừng trồng.

Người dân xã Bảo Hà chăm sóc rừng trồng.

Nhân rộng mô hình kinh tế dưới tán rừng

Mục tiêu của tỉnh đề ra trong giai đoạn 2016 - 2020, diện tích rừng trồng mới đạt 29 nghìn ha và trung bình thời gian từ khi trồng đến lúc thu hoạch kéo dài từ 7 đến 10 năm. Để người dân yên tâm trồng rừng, các ngành liên quan đã thực hiện một số mô hình dưới tán rừng nhằm đem lại giá trị kinh tế ổn định, tăng thu nhập cho người trồng rừng.

Ông Tẩn Láo Tả, Chủ tịch UBND xã Phìn Ngan (Bát Xát) cho biết: Khoảng chục năm trở lại đây, cùng với trồng rừng, người dân đã trồng xen cây sa nhân tím để tăng thu nhập. Cách làm này giúp người dân thuận tiện trong việc chăm sóc, phát cỏ cho rừng sản xuất, lại có thêm thu nhập. Xã Phìn Ngan hiện có khoảng 200 ha cây sa nhân tím, trong đó hơn 60% được trồng dưới tán rừng sản xuất.

Tại một số huyện vùng thấp như Bảo Yên, Bảo Thắng, người dân cũng rất sáng tạo khi áp dụng mô hình xen canh giữa trẩu và quế. Ban đầu, người dân trồng cây trẩu, khi cây được 3 năm tuổi thì trồng quế dưới tán cây. Khi cây trẩu được từ 5 đến 7 năm tuổi, người trồng sẽ khai thác gỗ để cây quế sinh trưởng. Cách làm trên mang lại lợi ích kép, vừa nâng cao thu nhập cho chủ rừng, vừa nâng hệ số sử dụng của đất.

Các lâm sản khác ngoài gỗ cũng được đầu tư phát triển mang lại thu nhập đáng kể cho người dân như trồng cây dược liệu (sản phẩm thuốc tắm người Dao đỏ tại Sa Pa, Bát Xát...), hằng năm cung cấp ra thị trường khoảng 2.000 lít thuốc tắm, thu nhập 2 tỷ đồng/năm; duy trì hơn 1 nghìn ha cây sa nhân trồng dưới tán rừng và vườn nhà, sản lượng đạt 315 tấn/năm, doanh thu hơn 40 tỷ đồng/năm. Ngoài ra, một số mô hình mới cũng được nghiên cứu và thực hiện như trồng cây ba kích tím tại Mường Khương, chè dây tại Sa Pa, trồng lá khôi tại Bảo Yên...

Hầu hết diện tích rừng trồng bước đầu được áp dụng các biện pháp thâm canh như bón phân, trồng xen cây trồng khác và tác động kỹ thuật tỉa thưa, tỉa cành... nhằm nâng cao năng suất và chất lượng.

Tuy nhiên, để nhân rộng các mô hình kinh tế hiệu quả dưới tán rừng, các ngành liên quan không nên chỉ dừng lại ở mức thí điểm mà cần tiếp tục xây dựng được chuỗi khép kín từ cung cấp cây giống, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc đến bao tiêu sản phẩm, qua đó giúp người dân có thêm thu nhập, yên tâm làm giàu từ rừng.

Kim Thoa

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/kinh-te/phat-trien-kinh-te-lam-nghiep-ben-vung-z3n20191210101103635.htm