Phát triển kinh tế làm trọng tâm trong xây dựng nông thôn mới

Năm 2010, xã Chiềng Yên (Vân Hồ) bắt tay vào thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, với khởi đầu không có tiêu chí đạt chuẩn. Sau hơn 9 năm, xã mới hoàn thành 9/19 tiêu chí nên việc về đích nông thôn mới là thách thức không nhỏ đối với xã đặc biệt khó khăn này. Hiện, cấp ủy, chính quyền xã đã và đang đề ra mục tiêu cụ thể, huy động mọi nguồn lực, lồng ghép các chương trình, dự án và nguồn vốn để hoàn thiện từng tiêu chí theo kế hoạch.

Nông dân xã Chiềng Yên (Vân Hồ) trao đổi kỹ thuật trồng và chăm sóc cây quýt.

Nông dân xã Chiềng Yên (Vân Hồ) trao đổi kỹ thuật trồng và chăm sóc cây quýt.

Chiềng Yên là xã đặc biệt khó khăn của huyện Vân Hồ, cách trung tâm huyện gần 40 km. Triển khai thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới xã phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên phụ trách từng tiêu chí; thành lập ban quản lý, ban giám sát chương trình xây dựng nông thôn mới xã. Với phương châm “làm đến đâu, chắc đến đấy”, Chiềng Yên xác định lấy phát triển kinh tế làm trọng tâm để nâng cao đời sống nhân dân và là động lực để hoàn thành các tiêu chí khác.

Trong phát triển kinh tế, xã đã triển khai nhiều giải pháp phù hợp, trong đó, huy động nguồn lực cho sản xuất, tạo điều kiện để nhân dân vay vốn từ các tổ chức tín dụng thông qua hình thức vay vốn trực tiếp và vay vốn tín chấp qua các tổ chức chính trị - xã hội như: Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên... Hiện, các tổ chức hội, đoàn thể trong xã nhận ủy thác cho vay từ các ngân hàng trên 19,3 tỷ đồng, cho hàng trăm hội viên, đoàn viên vay phát triển sản xuất, kinh doanh dịch vụ. Cùng với đó, xã còn phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện chuyển giao kỹ thuật đến người dân; khuyến khích các hộ dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, con nuôi phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Qua đó, sản xuất nông nghiệp của xã bước đầu đã có sự chuyển đổi tích cực theo hướng sản xuất hàng hóa. Hiện, xã có 76,8 ha chè, trong đó 70,8 ha đã cho thu hoạch, sản lượng chè búp tươi đạt 500 tấn/năm, giá bình quân chè búp tươi 6 tháng đầu năm 2019 là 7.000 đồng/kg, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người trồng chè. Thực hiện chủ trương trồng cây ăn quả trên đất dốc, xã tiếp tục chăm sóc trên 210 ha cây ăn quả, gồm: Cam, bưởi, quýt, chanh leo, sản lượng quả năm 2018 ước đạt 300 tấn. Riêng đối với cây quýt bản địa, sau thời gian dài bị thoái hóa giống, trong 2 năm (2014 - 2015), Cục Trồng trọt - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đến xã tiến hành phục tráng, cải tạo giống thành công và đã nhân rộng diện tích trồng giống cây này đạt 10 ha. Đầu năm 2019, các hộ dân trong xã trồng mới 2 ha cây chanh leo nâng diện tích lên hơn 50 ha, tập trung chủ yếu ở các bản: Nà Bai, Cò Hào, Phụ Mẫu I, Phụ Mẫu II, hiện cây chanh leo đang sinh trưởng, phát triển tốt. Nhiều hộ dân trong xã còn thực hiện thâm canh tăng vụ qua việc trồng 31,3 ha các loại đậu, đỗ và rau sạch xen canh trên diện tích đất ruộng, giúp tăng thu nhập trên đơn vị diện tích đất canh tác. Cùng với đó, người dân chú trọng phát huy thế mạnh về chăn nuôi đại gia súc, gia cầm, kết hợp với phát triển kinh tế vườn đồi. Toàn xã có hơn 2.400 con trâu, bò, trên 2.300 con lợn trên 2 tháng tuổi và gần 12.300 con gia cầm các loại... góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.

Về đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, ngoài sự đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước, xã đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, công khai các nguồn lực để người dân tự làm, tự quyết định, tự kiểm tra, giám sát. Một trong những tiêu chí quan trọng là giao thông được xã tập trung thực hiện, chú trọng huy động các nguồn lực đóng góp của nhân dân để xây dựng các tuyến đường liên bản, nội bản. Với phương châm “nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ”, các hộ dân trong xã đã đóng góp trên 2,2 tỷ đồng, gần 40.000 ngày công lao động để làm đường. Đến nay, toàn xã đã bê tông 14 tuyến đường nội bản, liên bản dài trên 4,5 km, 1 tuyến đường giao thông trục chính nội đồng dài 300 m. Từ các nguồn vốn của chương trình nông thôn mới, ngân sách huyện và các nhà hảo tâm, các công trình hạ tầng thiết yếu như: Nhà lớp học, nhà văn hóa bản, công trình thủy lợi cũng được quan tâm đầu tư xây dựng, xã đã xây dựng 11 công trình nhà lớp học, 6 công trình nước sinh hoạt, 10 nhà văn hóa bản đạt chuẩn kiên cố hóa. Hiện, xã có 10/11 bản đạt tiêu chí về thủy lợi, trên 5,75 km kênh mương các loại được kiên cố hóa; xây dựng, tu bổ, sửa chữa, nâng cấp công trình thủy lợi tại các bản Nà Bai, Phụ Mẫu, Bướt, Bống Hà, đảm bảo nước phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Thời gian tới, cấp ủy, chính quyền xã Chiềng Yên tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp, phát huy các tiềm năng, lợi thế đẩy mạnh phát triển kinh tế, nâng cao mức sống của người dân. Đồng thời, tiếp tục tăng cường xã hội hóa, thu hút sự ủng hộ của các tổ chức, doanh nghiệp và nhân dân để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, phục vụ phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn xã.

Mạnh Hùng

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/phat-trien-kinh-te-lam-trong-tam-trong-xay-dung-nong-thon-moi-25343