Phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng giảm giá thành, tăng lợi nhuận

Những tháng đầu năm, tình hình sản xuất và tiêu thụ nông sản ổn định, hầu hết người sản xuất đều có lợi nhuận. Cán bộ kỹ thuật ngành nông nghiệp ở cấp tỉnh, cấp huyện thường xuyên bám sát địa bàn, thông tin tuyên truyền, hỗ trợ kịp thời giúp địa phương trong công tác quản lý dịch bệnh trên cây trồng, từ đó sản xuất đạt hiệu quả. Đặc biệt, công tác phòng ngừa, ứng phó mưa, lũ và thiệt hại do thiên tai được ngành nông nghiệp và các huyện, thành phố thường xuyên kiểm tra, rà soát. Vì vậy, chưa xảy ra thiệt hại về sản xuất và tài sản do mưa lũ...

Áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất giúp giảm chi phí canh tác

Áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất giúp giảm chi phí canh tác

Phát triển ngành hàng chủ lực

Đối với cây lúa, vụ hè thu, nông dân đã thu hoạch xong, năng suất bình quân 65,3 tạ/ha với sản lượng 1.218.274 tấn. Vụ thu đông, xuống giống 120.978/120.000ha, đạt 100,8% so với kế hoạch, lúa chủ yếu đang giai đoạn mạ - trổ chín. Hướng đến phát triển cây trồng chủ lực, bà con nông dân áp dụng các mô hình canh tác hiệu quả giúp giảm chi phí, tăng thu nhập. Vụ mùa này, các huyện, thành phố thực hiện xả lũ lấy phù sa, vệ sinh đồng ruộng được 113.602ha.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tình hình liên kết tiêu thụ lúa được các địa phương đẩy mạnh thực hiện. Vụ hè thu, diện tích thực hiện liên kết của các huyện, thành phố là 41.816ha, sản lượng 280.765 tấn, chiếm 22,39% tổng diện tích sản xuất. Vụ thu đông, diện tích lúa thu hoạch 83.173/120.810ha, năng suất bình quân 6,54 tấn/ha, diện tích còn lại lúa chủ yếu đang giai đoạn mạ - trổ chín. Riêng huyện Cao Lãnh, diện tích lúa đã thu hoạch 26.500ha, đạt 100%, năng suất bình quân đạt 6,18 tấn/ha. Địa phương liên kết tiêu thụ được gần 8.100ha với các công ty, thương lái.

Vụ thu đông hoa màu, cây công nghiệp ngắn ngày, toàn tỉnh xuống giống 6.499/7.743ha, đạt 84% so với kế hoạch, diện tích thu hoạch là 3.389ha. Về phát triển ngành hàng sen, tính đến cuối tháng 9/2024, diện tích trồng sen đạt 1.108ha (đạt 110% so với kế hoạch đến năm 2024). Sản lượng sen gương ước đạt 12.163 tấn, tương đương 4.054 tấn sen lụa. Theo thống kê, giá thành sản xuất sen bình quân đạt 9.204 đồng/kg (tăng 276 đồng/kg so với cùng kỳ), giá bán bình quân đạt 20.000 đồng/kg (tăng 5.000 đồng/kg so với cùng kỳ), lợi nhuận bình quân đạt 42 triệu đồng, tăng 18 triệu đồng/ha so với cùng kỳ. Hiện nay, ngành nông nghiệp đang từng bước hoàn thiện Quy trình canh tác sen chuyển đổi sang hữu cơ. Kết quả bước đầu cho thấy, các biện pháp kỹ thuật của quy trình cho hiệu quả khá tốt trong việc quản lý dịch bệnh thối ngó, cháy lá trên sen.

Tạo lực đẩy để ngành hàng này phát triển, thời gian qua, tỉnh hình thành 2 mô hình liên kết theo hướng bền vững, phát huy vai trò dẫn dắt của doanh nghiệp cùng nông dân xây dựng vùng nguyên liệu và tiến tới xây dựng thương hiệu sản phẩm.

Với thế mạnh canh tác cây ăn trái, hiện nay, tổng diện tích canh tác của tỉnh là 43.861ha. Giá bán một số mặt hàng trái cây chủ lực biến động do nhu cầu thị trường. Với ngành hàng xoài chủ lực, tổng diện tích canh tác là 14.715ha. Phấn đấu đến cuối năm 2024, tổng diện tích trồng xoài 14.754ha, tương đương giá trị sản xuất ngành hàng xoài năm 2024, đạt 2.526 tỷ đồng.

Tổng đàn gia súc của tỉnh (kể cả xuất bán) là 330.090 con, đàn gia cầm là 9.928.000 con. Diện tích nuôi thủy sản đến ngày 10/10 là 5.369,04ha. Trong đó, diện tích nuôi cá tra là 2.332,02/2.630ha (đạt 88,67% chỉ tiêu kế hoạch năm 2024). Sản lượng thu hoạch từ đầu năm đến nay là 607.103,4 tấn, trong đó cá tra là 498.154/540.000 tấn (đạt 92,25% chỉ tiêu kế hoạch năm 2024). Trong tháng 10, tình hình tiêu thụ và giá bán cá tra tăng nhẹ do các doanh nghiệp chế biến đẩy mạnh sản xuất nhằm phục vụ các đơn hàng dịp cuối năm.

Xây dựng nông nghiệp, nông thôn theo chiều sâu

Dưới mái nhà chung, các Hội quán tiếp tục duy trì hoạt động, kết nối và chia sẻ kiến thức về sản xuất, kinh doanh, thị trường. Toàn tỉnh có 151 Hội quán được thành lập, với 7.483 thành viên. Trên địa bàn toàn tỉnh có 202 hợp tác xã nông nghiệp; 863 tổ hợp tác, 40 trang trại.

Trong 10 tháng đầu năm 2024, tỉnh công nhận thêm 6 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới (NTM), 20 xã đạt chuẩn xã NTM nâng cao. Tính đến nay, toàn tỉnh có 115 xã đạt chuẩn NTM (đạt 100%) và 38 xã đạt chuẩn xã NTM nâng cao, 3 thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM là: Sa Đéc, Cao Lãnh và Hồng Ngự; 5 huyện đạt chuẩn NTM gồm: Tháp Mười, Cao Lãnh, Châu Thành, Lấp Vò, Lai Vung.

Trên tinh thần thực hiện Chương trình OCOP, đến nay, có 248 sản phẩm đăng ký dự thi sản phẩm OCOP năm 2024, trong đó có 167 sản phẩm dự thi mới, 16 sản phẩm dự thi nâng hạng, 65 sản phẩm dự thi đánh giá lại của 141 chủ thể. Thời gian qua, tỉnh tiếp tục kết nối, hỗ trợ các chủ thể quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP tại các sự kiện, lễ hội trong và ngoài tỉnh trong những tháng đầu năm, nhất là tại thị trường TP Hồ Chí Minh, TP Hà Nội. Tính đến nay, toàn tỉnh có 453 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên (1 sản phẩm 5 sao; 85 sản phẩm 4 sao; 367 sản phẩm 3 sao).

Hướng đến sản xuất nông nghiệp theo chiều sâu, thời gian qua, ngành nông nghiệp nhân rộng mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả và chuyển đổi số trong nông nghiệp. Đối với mô hình giảm giá thành sản xuất lúa, nông dân áp dụng các biện pháp kỹ thuật như: sạ thưa và bón phân vùi vào đất khi trục trạc lần cuối trước khi gieo sạ, IPM trong quản lý dịch hại... nhằm giảm giá thành sản xuất lúa, tăng lợi nhuận và nâng cao chất lượng lúa gạo. Diện tích áp dụng cho vụ thu đông đạt 69.305ha.

Mô hình giảm lượng hạt giống gieo sạ và nâng cao tỷ lệ sử dụng giống xác nhận giúp nông dân tiết kiệm chi phí, canh tác giảm giá thành và sản xuất đạt hiệu quả hơn. Trong vụ lúa thu đông, diện tích áp dụng giảm lượng giống đạt 68.110ha; diện tích sử dụng giống xác nhận vụ đạt 89.618ha.

Đáng chú ý, Đồng Tháp còn triển khai Mô hình thí điểm canh tác lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh tại cánh đồng Ấp 4, xã Láng Biển, huyện Tháp Mười có quy mô 43,1ha với 20 nông dân. Qua kết quả vụ 1, mô hình đã ứng dụng đồng bộ các giải pháp theo quy trình kỹ thuật sản xuất lúa chất lượng cao và phát thải thấp vùng đồng bằng sông Cửu Long được Cục Trồng trọt ban hành. Theo đó, ứng dụng 100% cơ giới hóa trong gieo sạ hàng/cụm kết hợp vùi phân để giảm lượng giống từ 30 - 50% (50 - 70kg/ha); giảm 30 - 50kg N/ha, do bón vùi giảm thất thoát phân bón, giảm số lần phun thuốc bảo vệ thực vật. Đồng thời mô hình có gắn các thiết bị cảm biến mực nước, giúp nông dân, hợp tác xã chủ động tưới tiêu; 100% rơm được thu gom ra khỏi ruộng. Qua đó, giúp người trồng lúa giảm chi phí sản xuất, tăng chất lượng hạt gạo, tăng lợi nhuận, giảm ô nhiễm môi trường và giảm phát thải khí nhà kính. Theo thống kê của ngành chức năng, chỉ mới qua 1 vụ triển khai đã giảm 4,92 tấn CO2tđ/ha.

Đối với ngành hàng xoài, thực hiện mô hình canh tác xoài rải vụ thu hoạch đủ điều kiện sản xuất an toàn. Mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nhà vườn, đồng thời việc ứng dụng các biện pháp sản xuất an toàn, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, an toàn cho người lao động và người tiêu dùng. Diện tích áp dụng đến thời điểm hiện nay là 8.505ha.

Trong thực hiện chuyển đổi số nông nghiệp, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục phối hợp các địa phương trong chỉ đạo việc thống kê, báo cáo định kỳ ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn qua nền tảng dữ liệu số ngành nông nghiệp để xây dựng hệ thống dữ liệu đồng bộ, có giá trị. Trong các tháng cuối năm, tiếp tục phối hợp thực hiện rà soát khung kiến trúc của nền tảng chuyển đổi số của Đồng Tháp...

Y Du

Nguồn Đồng Tháp: https://baodongthap.vn/kinh-te/phat-trien-kinh-te-nong-nghiep-theo-huong-giam-gia-thanh-tang-loi-nhuan-126887.aspx