Phát triển kinh tế ở vùng biên Xín Chải

Phát huy những thế mạnh của địa phương, cùng sự nỗ lực của người dân đẩy mạnh phát triển kinh tế hộ, xã Xín Chải (Vị Xuyên) trở thành 1 trong những điểm sáng trong phát triển kinh tế vùng biên của tỉnh. Những sản phẩm mang thương hiệu nơi đây được đánh giá cao về chất lượng, giúp người dân nâng cao thu nhập, ổn định đời sống.

Cán bộ xã Xín Chải (Vị Xuyên) kiểm tra vườn Quế lai của gia đình anh Đặng Văn Thậy, thôn Nậm Lầu.

Cán bộ xã Xín Chải (Vị Xuyên) kiểm tra vườn Quế lai của gia đình anh Đặng Văn Thậy, thôn Nậm Lầu.

Xín Chải là xã giáp biên giới, khí hậu mát mẻ quanh năm, phù hợp với nhiều cây trồng, vật nuôi của vùng ôn đới. Tổng diện tích lâm nghiệp của xã 1.957,9 ha; trong đó, chè 128 ha, Thảo quả 182,6 ha… Đàn trâu 534 con, lợn 925 con, dê 413 con. Cây chè từ lâu vẫn được biết là 1 trong những sản phẩm thế mạnh của địa phương, nhiều cây chè cổ thụ có tuổi đời lên đến gần 100 năm, sinh trưởng trên núi cao, tạo nên hương vị khác biệt so với các vùng miền. Nước trà màu xanh, uống vào ngọt hậu, hương thơm dịu, tạo cảm giác thư thái ngay lần đầu. Cá Tầm 1 trong những sản vật của nơi đây, cá thích hợp với nguồn nước, khí hậu nên phát triển nhanh, khỏe mạnh, chất lượng thịt thơm ngon, mang hương vị riêng không nơi nào có được, khách hàng trong và ngoài huyện luôn tìm về đặt mua với sản lượng lớn. Gia đình chị Lù Thị Nga, thôn Tả Ván là 1 trong những hộ phát triển kinh tế nổi bật tại địa phương, với diện tích chè hữu cơ 2 ha đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao, sản phẩm được xuất bán đi thị trường các tỉnh, thành phố khu vực miền Bắc như: Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh… nuôi cá Tầm với diện tích mặt nước 200 m², có nguồn nước từ trên núi được dẫn xuống bể nuôi; cá tầm nặng từ 3 – 5 kg/con, giá bán 200.000 đồng/kg. Bên cạnh đó, nuôi 30 con lợn đen thương phẩm từ 80 – 100 kg/con, giá bán từ 70.000 – 80.000 đồng/kg…

Mô hình nuôi cá Tầm của gia đình chị Lù Thị Nga, thôn Tả Ván.

Mô hình nuôi cá Tầm của gia đình chị Lù Thị Nga, thôn Tả Ván.

Phát triển cây gỗ lớn từ lâu đã trở thành thế mạnh của vùng biên nơi đây, với cây Quế, Keo, Mỡ… Những cây mang lại giá trị kinh tế cao, tạo việc làm ổn định, nâng tầng cuộc sống người dân. Chăn nuôi gia súc hàng hóa cũng là 1 trong những điểm nổi bật của địa phương, người dân đẩy mạnh phát triển nuôi trâu, lợn, dê mang lại thu nhập khá, tạo đà hình thành nên vùng kinh tế phát triển nông nghiệp đa dạng tại địa phương. Tiêu biểu như gia đình anh Đặng Văn Thậy, thôn Nậm Lầu là 1 đảng viên đi đầu trong phát triển kinh tế của xã, với diện tích trồng Thảo quả 1,5 ha, sản lượng 1,8 tấn/năm, giá bán dao động từ 50.000 – 80.000 đồng/kg. Anh đã sáng tạo ra cách làm bầu cho cây Quế lai giống từ những cây Trúc được trồng quanh nhà, đảm bảo bầu chắc chắn, cây cứng cáp, số lượng 10.000 cây/tháng cung cấp cho các hộ trong và ngoài xã, giá bán 2.000 đồng/cây. Bên cạnh đó, nuôi 5 con trâu, dê 20 con…

Chủ tịch UBND xã Xín Chải, Lý Văn Thắng cho biết: Xã có nhiều chính sách giúp người dân đẩy mạnh phát triển kinh tế gia đình, luôn tổ chức các lớp tập huấn về trồng trọt, chăn nuôi giúp người dân nâng cao kỹ thuật chăm sóc, tăng sản lượng, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Xã cũng nghiên cứu kỹ lưỡng những cây trồng, vật nuôi phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương, để hình thành vùng chuyên canh nông nghiệp khu vực vùng biên. Thời gian tới, sẽ tìm hướng tiêu thụ những sản phẩm mang thương hiệu của địa phương ra khu vực miền Bắc.

Bài, ảnh: ĐỨC NINH

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/kinh-te/202107/phat-trien-kinh-te-o-vung-bien-xin-chai-779055/