Phát triển kinh tế rừng bền vững
ĐBP - Điện Biên có diện tích rừng và đất lâm nghiệp lớn, chiếm gần 73% diện tích đất tự nhiên. Phát huy tiềm năng này, những năm qua tỉnh khuyến khích người dân đầu tư phát triển kinh tế rừng bền vững, hiệu quả. Đến nay nhiều mô hình phát triển kinh tế rừng như: Trồng thảo quả, sa nhân, dược liệu... dưới tán rừng đã góp phần đạt được 'mục tiêu kép' vừa nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, vừa tạo được sinh kế cho người dân.
Chị Hồ Thị Kía, bản Nậm Pố 2, xã Mường Nhé (bên phải) chăm sóc diện tích cây sa nhân dưới tán rừng.
Với diện tích đất rừng hơn 2.100ha, xã Tênh Phông (huyện Tuần Giáo) được đánh giá có điều kiện thuận lợi cho phát triển các loại cây dược liệu dưới tán rừng, nhất là cây thảo quả. Những năm qua, cấp ủy, chính quyền xã Tênh Phông đã tập trung chỉ đạo, phổ biến, khuyến khích người dân tham gia phát triển kinh tế rừng. Trong đó, phát triển mạnh các loại cây dược liệu, thảo quả, sơn tra… Đến nay toàn xã có khoảng gần 100ha cây thảo quả, gần 60ha cây sơn tra và nhiều loại cây dược liệu khác.
Ông Mùa Vả Nếnh, hộ trồng cây thảo quả ở xã Tênh Phông chia sẻ: Thảo quả là cây trồng cho năng suất tương đối cao, dễ trồng, ít công chăm sóc. Sau khi trồng, chỉ cần thường xuyên phát dọn cây thực vật, dây leo và xới đất quanh gốc là cây có thể phát triển ổn định. Năm 2020, gia đình tôi thu hoạch được khoảng 1,5 tấn quả tươi (tương đương 3 tạ quả khô). Giá bán từ 25.000 - 30.000 đồng/kg quả tươi và 110.000 - 120.000 đồng/kg quả khô. Những năm được mùa, năng suất có thể đạt cao hơn, hộ nào ít thì cũng thu được 10 triệu đồng/năm; còn hộ trồng với diện tích lớn mỗi năm thu khoảng 60 - 70 triệu đồng.
Những năm qua, việc trồng cây thảo quả, dược liệu, sơn tra dưới tán rừng đã mang lại hiệu quả kinh tế, từng bước giúp người dân xã Tênh Phông thoát nghèo. Dự kiến đến năm 2025, xã Tênh Phông sẽ phát triển khoảng 200ha các loại cây dược liệu (bao gồm: 20ha sâm Lai Châu, 20ha sâm Ngọc Linh, 20ha lan kim tuyến, 20ha bảy lá một hoa, 70ha tam thất bắc, 50ha sa nhân tím).
Còn tại huyện Mường Nhé, những năm qua Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Hạt Kiểm lâm huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân phát triển kinh tế rừng; trong đó chủ yếu phát triển các loại cây dược liệu, cây sa nhân tím dưới tán rừng.
Năm 2018, gia đình chị Hồ Thị Kía, bản Nậm Pố 2, xã Mường Nhé trồng hơn 5.000m2 cây sa nhân tím dưới tán rừng. Đến năm 2020, sa nhân được thu hoạch, sau khi trừ các chi phí gia đình chị Kía thu được 18 triệu đồng từ bán sa nhân. Qua đó vừa góp phần phát triển kinh tế gia đình, vừa bảo vệ, phát triển rừng bền vững.
Ông Nguyễn Văn Thắng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mường Nhé cho biết: Mô hình cây sa nhân trồng dưới tán rừng bắt đầu được triển khai từ năm 2017 trên địa bàn huyện, đến nay tổng diện tích là 134ha; chủ yếu ở các xã: Sín Thầu (50ha), Nậm Kè (26ha), Huổi Lếch (20ha), Pá Mỳ (12ha)... Một số diện tích đã bắt đầu cho thu hoạch quả, với giá bán dao động từ 500.000 - 700.000 đồng/kg quả khô. Với 1ha cho sản lượng từ 120kg - 200kg quả khô cho thu nhập từ 60 - 100 triệu đồng/năm. Mặc dù mô hình cây sa nhân hiện nay mang lại nguồn thu cho người dân, tuy nhiên thị trường tiêu thụ không ổn định do phụ thuộc hoàn toàn vào thị trường Trung Quốc. Vì vậy để người dân mở rộng diện tích sa nhân cần xem xét, tính toán phương án, đầu ra cho sản phẩm.
Ngoài việc người dân tự trồng các loại cây dược liệu, sa nhân dưới tán rừng, trong giai đoạn 2018 - 2020, từ nguồn vốn nông thôn mới và nguồn vốn theo Quyết định 45/2018/QĐ-UBND của UBND tỉnh về “Ban hành chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp trên địa bàn tỉnh”, toàn tỉnh đã hỗ trợ 12 dự án phát triển kinh tế lâm nghiệp, trong đó có 11 dự án phát triển cây dược liệu dưới tán rừng. Việc phát triển kinh tế rừng không chỉ mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân mà còn góp phần bảo vệ và phát triển rừng bền vững. Tuy nhiên, để có đầu ra ổn định cho sản phẩm, các cấp, ngành chức năng cần có cơ chế khuyến khích người dân và thu hút doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất, chế biến.