Phát triển kinh tế số tại Chi Lăng: Nhận diện khó khănTin khácCách mạng Tháng Tám thành công - đánh dấu thắng lợi đầu tiên cho con đường Hồ Chí Minh lựa chọnKết nối các nguồn lực chuẩn bị cơ sở vật chất cho năm học mới

Việc triển khai phát triển kinh tế số trên địa bàn tỉnh bắt đầu từ tháng 7/2021, vào đúng thời điểm vụ na tới gần, do đó, huyện Chi Lăng (với gần 2.000 ha na) là trọng điểm thực hiện. Sau hơn 1 tháng thực hiện, bên cạnh những kết quả đạt được, huyện Chi Lăng đã và đang từng bước nhận diện được những khó khăn, đây là cơ sở để huyện tổng hợp, đánh giá, phân tích và đưa ra các giải pháp phù hợp trong phát triển kinh tế số.

Sau hơn 1 tháng triển khai phát triển kinh tế số, huyện Chi Lăng ghi nhận 10.043/18.266 hộ có cửa hàng số trên 2 sàn thương mại điện tử (TMĐT) là Postmart.vn và voso.vn, đạt tỉ lệ 55%, vượt 5% so với mục tiêu đề ra. Tuy nhiên, theo ghi nhận đến ngày 23/8, sản lượng na tiêu thụ thông qua các cửa hàng số chỉ đạt khoảng 180 tấn, chiếm chưa tới 1% tổng sản lượng na trên địa bàn. Qua tìm hiểu từ người trồng na, các tiểu thương, cán bộ chuyên môn và lãnh đạo một số xã, thị trấn trên địa bàn, có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên.

Tiểu thương tại thị trấn Chi Lăng chọn na để chuẩn bị đóng gói

Tiểu thương tại thị trấn Chi Lăng chọn na để chuẩn bị đóng gói

Nguyên nhân đầu tiên, cũng là quan trọng nhất là do khâu vận chuyển hiện gặp nhiều khó khăn. Theo đó, quả na có đặc thù chín nhanh sau khi hái, dễ bị thâm, dập, nên đòi hỏi trong đóng gói phải nhẹ nhàng, vận chuyển phải nhanh. Tuy nhiên, đơn vị vận chuyển phải dồn hàng, dồn chuyến do sản lượng tiêu thụ chưa nhiều nên ảnh hưởng đến thời gian, khiến sản phẩm khi đến với người tiêu dùng chưa đảm bảo được chất lượng và mẫu mã, bị khách hàng trả lại… Do đó, mặc dù số lượng cửa hàng lớn, nhưng hiệu quả trên thực tế chưa cao.

Đơn cử như trường hợp của chị Nông Thị Mến, tiểu thương tại chợ na thị trấn Chi Lăng, chị Mến chia sẻ: Tôi đã mở gian hàng số trên sàn Postmart từ tháng 7, cũng đã có một số đơn hàng khách đặt qua gian hàng. Tuy nhiên, qua quá trình vận chuyển quả na bị dập, nát, giảm chất lượng, nên bị trả lại hơn 1/3. Qua 2 lần vận chuyển đi-về như thế thì cũng không bán được cho ai nữa, nên tạm thời tôi vẫn tập trung bán hàng theo phương pháp truyền thống là chính.

Ông Triệu Văn Thanh, Chủ tịch UBND thị trấn Chi Lăng cho biết: Bên cạnh khâu vận chuyển, thì yếu tố con người cũng đang gặp nhiều khó khăn. Cụ thể, do người dân chưa nhận thức hết ý nghĩa, tầm quan trọng, lợi ích của các cửa hàng số; lực lượng lao động trẻ có khả năng tiếp cận công nghệ thông tin thì đi làm ăn xa, trong khi người làm nông nghiệp trên địa bàn đa phần đã có tuổi, còn nhiều hạn chế trong việc ứng dụng công nghệ nên còn ngại thay đổi… đã tạo ra rào cản lớn cho việc tiếp cận, triển khai kinh tế số trên địa bàn.

Ngoài các nguyên nhân trên, còn một số nguyên nhân khác tác động trực tiếp hoặc gián tiếp vào quá trình triển khai kinh tế số như: thời điểm thực hiện quá sát vụ na khiến công tác chuẩn bị chưa đầy đủ; là đơn vị đi đầu nên còn nhiều bỡ ngỡ; cán bộ phụ trách chỉ mới lĩnh hội được một phần về mục đích, ý nghĩa, cách làm; người dân chưa hiểu rõ về khả năng thanh khoản, nên chưa mạnh dạn tiếp thu…

Do những khó khăn trên, hiện nay, nhiều cửa hàng số của huyện Chi Lăng đã tạm dừng để đẩy mạnh tiêu thụ theo phương pháp truyền thống. Bà Đinh Thị Thao, Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Chi Lăng cho biết: Việc thực hiện mục tiêu mở 9.102 gian hàng số đã vượt kế hoạch tỉnh giao. Tuy nhiên, thực tế cho thấy hiệu quả tiêu thụ chưa như mong muốn, nên trước mắt chúng tôi vẫn đang áp dụng các phương pháp tiêu thụ truyền thống; chủ động liên hệ, phối hợp với các xe luồng xanh của một số doanh nghiệp vận tải qua địa bàn thành lập các tuyến tạm thời nhằm tăng cường khả năng vận chuyển hàng trong bối cảnh dịch bệnh. Để việc triển khai kinh tế số hiệu quả, thực chất, theo tôi không thể nóng vội, mà cần thời gian, qua kinh nghiệm từ thực tiễn. Hiện nay, chúng tôi đang tiếp tục ghi nhận, tổng hợp những vướng mắc đã gặp phải để thời gian tới tham mưu cho UBND huyện những giải pháp để tháo gỡ.

Phát triển kinh tế số là yêu cầu tất yếu, phù hợp với xu thế của thời đại. Việc nhìn nhận được những khó khăn sẽ là bài học quý cho các cấp, ngành của tỉnh để từ đó tìm ra biện pháp khắc phục, áp dụng hiệu quả trên toàn tỉnh và trong các ngành, nghề, lĩnh vực khác trong quá trình thực hiện mục tiêu chuyển đổi số một cách toàn diện

ĐẶNG DŨNG

LƯƠNG THỊ TUYÊN

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/kinh-te/nong-nghiep/444361-phat-trien-kinh-te-so-tai-chi-lang-nhan-dien-kho-khan.html