Phát triển kinh tế số: Tạo lợi thế cạnh tranh mới cho quốc gia

Từ đầu năm 2024, Việt Nam xác định tập trung vào phát triển kinh tế số với 4 trụ cột là: Công nghiệp công nghệ thông tin và truyền thông, Phát triển kinh tế số các ngành, Quản trị số và Phát triển dữ liệu số. Qua 6 tháng đầu của năm 2024, với 4 trụ cột này, kinh tế số góp phần tạo động lực mới cho kinh tế, tạo lợi thế cạnh tranh mới cho quốc gia.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham quan trưng bày công nghệ chuyển đổi số của một số ngân hàng tại Hội nghị chuyển đổi số ngành ngân hàng. (Ảnh: TTXVN)

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham quan trưng bày công nghệ chuyển đổi số của một số ngân hàng tại Hội nghị chuyển đổi số ngành ngân hàng. (Ảnh: TTXVN)

Tốc độ tăng trưởng tăng dần qua các năm

Báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) - cơ quan thường trực Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số (CĐS) cho biết, theo đánh giá của thế giới, tốc độ tăng trưởng kinh tế số (KTS) của Việt Nam tăng dần qua các năm.

Nếu năm 2020, Việt Nam chỉ đứng thứ 6 trong khu vực ASEAN về tốc độ tăng trưởng KTS, thì năm 2021 đứng thứ 3 và hai năm tiếp theo 2022, 2023 đứng thứ 1. Cụ thể, báo cáo của Google xác định KTS Việt Nam năm 2022 tăng trưởng 28%, 2023 đạt 19%, cao gấp 3,5 lần tốc độ tăng trưởng GDP. Còn theo đánh giá của Việt Nam, chỉ số CĐS quốc gia (DTI) tăng đều qua các năm, đến năm 2022 đạt 0,71 điểm; các chỉ số thành phần về Chính phủ số, KTS và xã hội số vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng cao từ 45 - 55%.

Tại Phiên họp lần thứ 9 Ủy ban Quốc gia về CĐS và Hội nghị Sơ kết 6 tháng đầu năm 2024 về CĐS quốc gia và Đề án 06 của Chính phủ mới đây, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cũng cho biết, 6 tháng đầu năm 2024, KTS Việt Nam ước đạt 18,3% GDP, tăng 22,4%.

“Như vậy, mục tiêu mà Đại hội XIII của Đảng đặt ra, KTS đạt 20% vào năm 2025 là sẽ đạt được”, Bộ trưởng Hùng tin tưởng và cho biết thêm, công nghiệp công nghệ TT&TT đã lấy lại được đà tăng trưởng như trước COVID-19, thậm chí cao hơn - 6 tháng đầu năm 2024 tăng so với cùng kỳ là 26%.

Sẽ có luật riêng về phát triển công nghiệp công nghệ số

Theo ghi nhận của Google, nền KTS khu vực Đông Nam Á đã tăng trưởng vượt bậc, gấp 8 lần chỉ trong 8 năm, đạt giá trị kinh tế 100 tỷ USD và được dự báo có thể lên tới 835 tỷ USD nhờ AI (trí tuệ nhân tạo) vào năm 2030. Trong khi đó, nền KTS của Việt Nam dự kiến sẽ tăng trưởng gấp 11 lần vào năm 2030, đạt 220 tỷ USD, tương đương gần một nửa GDP hiện tại của Việt Nam và AI là một trong những yếu tố then chốt để hiện thực hóa dự báo trên.

Nhằm đạt mục tiêu này, tại chương trình “Kiến tạo tương lai AI Việt Nam” do Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC, Bộ Kế hoạch và Đầu tư) và Google khởi động vừa qua, đại diện Google khẳng định sẽ cùng NIC triển khai chương trình phát triển nhân tài số, cung cấp 40.000 suất học bổng với 10 khóa học, bao gồm khóa học về AI.

Cùng với sự vào cuộc chủ động từ phía cộng đồng doanh nghiệp, các doanh nghiệp mong muốn Chính phủ ban hành giải pháp thúc đẩy doanh nghiệp ứng dụng công nghệ, chuyển đổi lên các nền tảng số thông qua việc số hóa cổng giao tiếp giữa cơ quan quản lý và doanh nghiệp. Các doanh nghiệp cũng đề xuất Chính phủ, các Bộ, ngành sớm hoàn thiện cơ chế, chính sách, coi công nghệ là một trong những “điều kiện cần” để thúc đẩy hoạt động kinh doanh, lấy CĐS là thước đo cho quá trình phát triển; xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng công nghệ vào sản xuất…

Trước những kỳ vọng của DN, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho hay, lần đầu tiên, chúng ta đang soạn thảo một đạo luật riêng cho phát triển công nghiệp công nghệ TT&TT, gọi là Luật Phát triển công nghiệp công nghệ số (CNS). Theo Bộ trưởng, công nghiệp CNS là lõi của KTS và Luật này dự kiến sẽ được Quốc hội sẽ thông qua vào năm 2025. Khi ấy Việt Nam sẽ là một trong số rất ít nước có một luật riêng về phát triển công nghiệp CNS, thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước về công nghiệp CNS như một ngành công nghiệp nền tảng, làm cốt lõi để thúc đẩy CĐS quốc gia, phát triển KTS.

Để thúc đẩy KTS phát triển hơn nữa, Chính phủ đã yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tập trung ưu tiên nguồn lực và có cơ chế, chính sách khuyến khích, tạo lập khung pháp luật cho phát triển sản xuất thông minh và thúc đẩy ngành công nghiệp CNS theo định hướng “Make in Việt Nam”; đồng thời, các doanh nghiệp phải biến CNS thành động lực quan trọng cho sáng tạo, đổi mới sáng tạo, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh...

Theo Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng, phát triển KTS các ngành là sự hội tụ của CNS vào các ngành khác, như y tế, giáo dục, nông nghiệp, thương mại, ngân hàng... Về phát triển dữ liệu số, Bộ trưởng Bộ TT&TT cho biết, đây như là yếu tố sản xuất mới, là đầu vào của KTS. Dữ liệu số là một loại tài nguyên mới. Tài nguyên này do con người sử dụng CNS mà sinh ra. Muốn phát triển KTS nhanh thì phải nhanh chóng xây dựng các cơ sở dữ liệu này và dữ liệu phải được mua bán như hàng hóa…

T. Hoàng

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/phat-trien-kinh-te-so-tao-loi-the-canh-tranh-moi-cho-quoc-gia-post519212.html