Phát triển kinh tế tập thể: Dấu ấn của những nữ giám đốc hợp tác xã
Trong những năm qua, lĩnh vực kinh tế tập thể mà nòng cốt là các hợp tác xã (HTX) trên địa bàn tỉnh đã có những chuyển biến tích cực cả về số lượng và chất lượng hoạt động. Để có được kết quả đó phải kể đến sự nỗ lực, năng động, nhạy bén của nhiều nữ giám đốc HTX trên địa bàn.
Trên thực tế, các HTX do phụ nữ làm chủ trên địa bàn tỉnh có hoạt động hiệu quả, ổn định. Nhiều nữ giám đốc HTX đã chủ động, linh hoạt triển khai nhiều giải pháp để khắc phục khó khăn, đưa HTX vươn lên.
Nỗ lực vươn lên
Hiện trên địa bàn tỉnh có 101 HTX do phụ nữ làm chủ đang hoạt động (trong đó có 26 HTX do hội phụ nữ các cấp hỗ trợ thành lập, hoạt động). Số HTX do phụ nữ làm chủ chiếm khoảng ¼ tổng số HTX trên địa bàn tỉnh. Trong những năm qua, nhiều nữ giám đốc HTX đã không ngừng nỗ lực để đưa HTX ngày một phát triển. Câu chuyện ở HTX Tiến Đạt, huyện Lộc Bình là một ví dụ.
Được thành lập từ năm 2002, HTX Tiến Đạt hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực vệ sinh môi trường với 11 thành viên, vốn điều lệ 250 triệu đồng. Thời điểm mới thành lập, HTX hoạt động chủ yếu tại địa bàn thị trấn Lộc Bình với dụng cụ lao động thô sơ, khối lượng thu gom rác thải hạn chế. Từ tháng 9/2013 đến nay, trên cương vị là Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm giám đốc HTX, bà Lưu Thúy Hằng đã cùng tập thể ban lãnh đạo HTX và các thành viên, người lao động không ngừng nỗ lực tìm tòi, học hỏi để nâng cao hiệu quả hoạt động của HTX. Bà Lưu Thúy Hằng cho biết: Để nâng cao hiệu quả hoạt động, HTX đã tìm cách huy động nguồn lực để đầu tư thêm trang thiết bị phục vụ hoạt động thu gom, xử lý rác thải. Đến nay, HTX đã đầu tư được 8 xe ô tô, 100 xe gom đẩy tay, 7 xe điện và hơn 2.000 thùng đựng rác, 2 máy xúc… để phục vụ hoạt động; HTX đã mở rộng địa bàn hoạt động thu gom, xử lý rác thải tại 9 xã, thị trấn, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho 58 thành viên, người lao động.
Hoạt động hiệu quả, ổn định, trong những năm qua, HTX Tiến Đạt đã vinh dự được nhận nhiều bằng khen, giấy khen của các cấp, ngành và trở thành một trong những HTX tiêu biểu hàng đầu của tỉnh.
Bên cạnh những HTX hoạt động lâu năm như HTX Tiến Đạt, nhiều HTX “trẻ” do phụ nữ làm chủ cũng năng động, nhạy bén để nắm bắt cơ hội. Bà Lê Thị Minh Trà, Giám đốc HTX nông sản Hữu Lũng là một ví dụ. Năm 2020, sau khi học tập và làm việc ở cả trong và ngoài nước, bà Trà đã thành lập HTX Nông sản Hữu Lũng với ngành nghề chính là sản xuất rau, củ, quả theo hướng hữu cơ. Bà Lê Thị Minh Trà cho biết: Sau một thời gian hoạt động, đến nay, HTX đã xây dựng quy trình khép kín sản xuất hữu cơ với diện tích 2 trang trại là 7 ha. HTX có hệ thống hạ tầng phục vụ hoạt động sản xuất rau, củ, quả hữu cơ gồm: nhà màng với diện tích 10.000 m2, diện tích ngoài trời khoảng 8.000 m2 và hệ thống tưới tự động, nhà điều hành, sơ chế, đóng gói... Các thành viên, người lao động trong HTX được đào tạo bài bản về kỹ thuật trồng rau hữu cơ đảm bảo đúng quy định. Qua đó, sản phẩm rau hữu cơ của HTX được đánh giá có chất lượng tốt, thị trường tiêu thụ ổn định tại các chuỗi siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch trong cả nước.
Ngoài tập trung sản xuất, HTX còn kết hợp xây dựng mô hình du lịch trải nghiệm nông nghiệp và bước đầu đạt được những kết quả tích cực. Với những kết quả trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, HTX đã vinh dự được nhận danh hiệu “Thương hiệu vàng nông nghiệp Việt Nam năm 2023”. Cá nhân giám đốc HTX Lê Thị Minh Trà đã vinh dự nhận được giải thưởng Lương Định Của năm 2023 do Trung ương Đoàn trao tặng và nhiều bằng khen, giấy khen của các cấp, ngành.
Cùng với 2 HTX kể trên, trong những năm qua, nhiều nữ giám đốc HTX khác trên địa bàn tỉnh cũng đã không ngừng nỗ lực tìm tòi, học hỏi, linh hoạt, nhạy bén nắm bắt thị trường, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số vào trong tất cả cả khâu sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Qua đó, góp phần quan trọng vào việc nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX trên địa bàn. Trong đó, một số HTX điển hình do phụ nữ làm chủ như: HTX Lụa Vy, huyện Chi Lăng với mô hình sản xuất, kinh doanh trà diếp cá, xạ đen; HTX Nông sản Chi Lăng với mô hình sản xuất, tiêu thụ na; HTX Như Ý, huyện Bắc Sơn với mô hình kinh doanh tổng hợp; HTX Sản xuất và dịch vụ nông nghiệp An Hồng, thành phố Lạng Sơn với mô hình chăn nuôi lợn; HTX Sản xuất dịch vụ nông lâm sản Bản Quyền, huyện Tràng Định với mô hình sản xuất trà hoa hồi…
Theo Kế hoạch thực hiện Đề án “Hỗ trợ HTX do phụ nữ tham gia quản lý, tạo việc làm cho lao động nữ đến năm 2030” của UBND tỉnh, đến năm 2025, các cấp, ngành liên quan trên địa bàn tỉnh tư vấn, hỗ trợ thành lập mới từ 20-25 HTX do phụ nữ tham gia quản lý, điều hành; đến năm 2030 tư vấn, hỗ trợ thành lập mới ít nhất 80 HTX do phụ nữ tham gia quản lý, điều hành, tạo nhiều việc làm cho lao động nữ (trên 50% lao động HTX là nữ); củng cố, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động cho 100% HTX do phụ nữ tham gia quản lý…
Đồng hành cùng HTX
Để hỗ trợ cho các HTX nói chung, trong đó có các HTX do phụ nữ làm chủ, trong những năm qua, UBND tỉnh cùng các cơ quan liên quan đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX.
Ông Liễu Xuân Du, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh cho biết: Để phát triển mới HTX do phụ nữ làm chủ, Liên minh HTX tỉnh đã phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh cùng các cơ quan liên quan đẩy mạnh tuyên truyền về kinh tế tập thể, HTX. Theo đó, bình quân mỗi năm, Liên minh HTX tỉnh phối hợp tổ chức từ 10 đến 15 hội nghị tuyên truyền về kinh tế tập thể cho khoảng 1.400 lượt người tham gia, trong đó có trên 50% là hội viên phụ nữ. Cùng với đó, các cấp hội phụ nữ cũng tuyên truyền chuyên đề, lồng ghép về phát triển kinh tế tập thể, HTX thông qua các hội nghị, hội họp… Qua đó từ năm 2017 đến nay, Liên minh HTX tỉnh phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đã tuyên truyền, vận động, hỗ trợ thành lập mới 26 HTX do phụ nữ làm chủ, nâng tổng số HTX do phụ nữ làm chủ đang hoạt động trên địa bàn tỉnh lên 101 HTX.
Cùng với phát triển mới các HTX, trong những năm qua, các cấp, ngành liên quan đã triển khai các giải pháp để hỗ trợ các HTX do phụ nữ làm chủ vươn lên phát triển như hỗ trợ vay vốn; tập huấn nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho HTX; hỗ trợ xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, mở rộng thị trường…
Bà Trần Thị Thu Lan, Giám đốc HTX Sản xuất dịch vụ nông lâm sản Bản Quyền, huyện Tràng Định cho biết: Năm 2023, HTX bắt đầu triển khai nghiên cứu, sản xuất trà hoa hồi. Do đây là sản phẩm mới nên chưa có nhiều người tiêu dùng biết đến. Để thúc đẩy tiêu thụ, một mặt HTX chủ động nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm, mặt khác HTX đã được Liên minh HTX tỉnh cùng các cơ quan liên quan hỗ trợ đưa sản phẩm trà hoa hồi của HTX đi quảng bá, giới thiệu ở nhiều nơi cả trong và ngoài tỉnh. Từ đó, sản phẩm của HTX được nhiều người biết đến hơn và việc tiêu thụ sản phẩm cũng thuận lợi hơn.
Không chỉ HTX Sản xuất dịch vụ nông lâm sản Bản Quyền, những năm gần đây, bình quân mỗi năm, Liên minh HTX tỉnh cùng các cơ quan liên quan đã hỗ trợ cho 15 lượt HTX do phụ nữ làm chủ tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại ở trong và ngoài tỉnh cũng như hỗ trợ tem mác, bao bì sản phẩm; tổ chức 8-10 lớp tập huấn nâng cao trình độ quản lý, điều hành cho khoảng 300 lượt cán bộ quản lý, thành viên HTX do phụ nữ làm chủ; hỗ trợ 5 HTX tiếp cận vốn vay ưu đãi từ Quỹ hỗ trợ phát triển HTX…
Từ sự chủ động, nỗ lực của các nữ giám đốc HTX và sự đồng hành, hỗ trợ của các cấp, ngành liên quan, nhiều HTX do phụ nữ làm chủ đã không ngừng vượt khó vươn lên phát triển. Trong tổng số 101 HTX do phụ nữ làm chủ đang hoạt động có trên 50% số HTX hoạt động hiệu quả (số HTX hoạt động hiệu quả chung trên địa bàn tỉnh khoảng 25%); doanh thu bình quân HTX đạt trên 1 tỷ đồng/năm; thu nhập bình quân của thành viên và người lao động trong HTX đạt 4-7 triệu đồng/người/tháng…
Hy vọng với những kết quả đạt được trong thời gian qua cộng với sự quan tâm chỉ đạo sát sao của các cấp, ngành liên quan, thời gian tới, các HTX do phụ nữ làm chủ trên địa bàn tỉnh tiếp tục có những bước phát triển mới. Qua đó, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế tập thể chung trên địa bàn tỉnh.