Phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã ngành giao thông vận tải

Tính đến tháng 6/2023, trong lĩnh vực giao thông vận tải (GTVT) có 1.783 hợp tác xã vận tải với đường bộ có 1.568 hợp tác xã, hàng hải có 3 hợp tác xã và đường thủy nội địa có 212 hợp tác xã.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Xuân Sang vừa ký Quyết định sô 867/QĐ-BGTVT ban hành Kế hoạch Phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã năm 2024.

 Nâng cao trình độ quản lý và điều hành từ đó nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã ngành giao thông vận tải. Ảnh minh họa.

Nâng cao trình độ quản lý và điều hành từ đó nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã ngành giao thông vận tải. Ảnh minh họa.

Đánh giá của Bộ GTVT, hiện tại 63 tỉnh thành phố trên cả nước đều có hợp tác xã kinh doanh vận tải đường bộ. Nhiều địa phương có số lượng lớn như: Hà Nội, Đà Nẵng, Thanh Hóa, Đồng Nai, TP Hồ Chí Minh.

Tuy nhiên cũng có tỉnh số lượng ít chỉ từ 1 - 2 hợp tác xã như ở Bắc Kạn. Thành viên các hợp tác xã tại các tỉnh, thành phố thời gian qua đã chủ động đầu tư phương tiện, đổi mới chất lượng dịch vụ để nâng cao hiệu quả sản xuất.

Qua đó đáp ứng nhu cầu đi lại và vận chuyển hàng hóa của nhân dân góp phần tích cực trong việc phát triển kinh tế xã hội địa phương.

Về Kế hoạch phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã năm 2024, Bộ GTVT xác định môi trường đầu tư kinh doanh đang ngày càng được cải thiện sau khi Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023.

Công tác phát triển kinh tế tập thể được Ban Cán sự đảng Bộ GTVT và lãnh đạo Bộ quan tâm chỉ đạo, các cơ quan chức năng thực hiện nhiều giải pháp để thúc đẩy, hỗ trợ cho hoạt động phát triển kinh tế tập thể của ngành GTVT.

Định hướng chung về phát triển kinh tế tập thể ngành GTVT, các hợp tác xã vận tải xây dựng kế hoạch triển khai hoạt động kinh doanh đáp ứng nhu cầu đi lại và vận chuyển hàng hóa của nhân dân.

Hợp tác xã GTVT phát triển theo đúng bản chất, mô hình hợp tác xã phù hợp với pháp luật và thực tiễn ở Việt Nam, có tích lũy, tăng trưởng, phát triển bền vững. Nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho thành viên, người lao động.

Đổi mới, cải tiến kỹ thuật, cách thức tổ chức sản xuất, kinh doanh, nâng cao trình độ quản lý và điều hành từ đó nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã, Liên hiệp hợp tác xã vận tải. Đảm bảo, kết hợp được lợi ích của từng thành viên.

Đẩy mạnh áp dụng khoa học công nghệ trong điều hành và quản lý hoạt động vận tải tới tất cả các hợp tác xã GTVT. Phát triển các hợp tác xã cung cấp dịch vụ vận tải đáp ứng nhu cầu làm kinh tế của thành viên.

Mục tiêu tổng quát của Kế hoạch năm 2024, đưa hoạt động kinh doanh vận tải trở lại hoạt động bình thường mới.

Đồng thời tiếp tục đổi mới, nâng cao năng lực và hiệu quả của hợp tác xã, liên kết chặt chẽ và khai thác lợi thế đối với hợp tác xã ngành GTVT trong cơ chế thị trường vận tải.

Phát triển kinh tế tập thể với nòng cốt là hợp tác xã nhanh và bền vững, góp phần xây dựng xã hội hợp tác, đoàn kết, cùng chia sẻ sự thịnh vượng và quản lý một cách dân chủ, đẩy nhanh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước...

Thế Anh

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/phat-trien-kinh-te-tap-the-hop-tac-xa-nganh-giao-thong-van-tai-post257499.html