Phát triển kinh tế tập thể năng động, hiệu quả, bền vững
Để phát triển kinh tế tập thể mà nòng cốt là hợp tác xã (HTX) tương xứng với tiềm năng, Tỉnh ủy Bắc Kạn đã ban hành Chương trình hành động số 15, ngày 29/8/2022 đề ra mục tiêu, giải pháp thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Trung ương Đảng về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới.
Mục tiêu phát triển kinh tế tập thể
Đến hết năm 2021, toàn tỉnh có 01 liên hiệp HTX, 234 HTX (tăng 152 HTX so với năm 2016). Sản phẩm của HTX đa dạng phong phú, từng bước đáp ứng thị trường. Đến nay, toàn tỉnh có 155 sản phẩm OCOP, phần lớn là do các HTX sản xuất; có hơn 70 HTX (chiếm hơn 30% tổng số HTX) tham gia vào sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị tạo ra các sản phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, có bao bì, truy xuất nguồn gốc, mã vạch sản phẩm… Nhờ đó, người tiêu dùng dễ dàng nhận biết thương hiệu sản phẩm của HTX, giá trị sản phẩm tăng từ 10-30% góp phần nâng cao thu nhập cho các HTX cũng như người lao động.
Tuy nhiên, kinh tế tập thể mà nòng cốt là HTX phát triển chưa tương xứng với tiềm năng của tỉnh. Đến nay, số lượng HTX của tỉnh còn ít, quy mô nhỏ, năng lực tài chính, quản trị sản xuất, kinh doanh còn hạn chế; cơ sở vật chất, công nghệ lạc hậu, thiếu tính liên kết. Nguyên nhân cơ bản là do một số HTX hoạt động chưa đúng bản chất của HTX kiểu mới, thiếu năng động, chưa nỗ lực vươn lên; một số HTX có tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước...
Với mục tiêu phát triển kinh tế tập thể, HTX, từng bước trở thành động lực phát triển kinh tế của tỉnh, đặc biệt trong sản xuất nông nghiệp, thay thế dần quy mô kinh tế hộ gia đình. HTX phải thu hút ngày càng nhiều nông dân, hộ gia đình, cá nhân và tổ chức tham gia các tổ chức kinh tế tập thể; góp phần nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống của các thành viên, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, thúc đẩy phát triển nhanh, bền vững.
Theo đó, phấn đấu đến năm 2025, toàn tỉnh có ít nhất 2 liên hiệp HTX, 350 HTX, trong đó có khoảng 70% là HTX nông nghiệp và nông nghiệp tổng hợp; có ít nhất 20% hộ nông dân sản xuất nông nghiệp tham gia thành viên tổ hợp tác, HTX hoặc có liên kết sản xuất với HTX, doanh nghiệp. Đến năm 2030, phấn đấu toàn tỉnh có khoảng 1.000 tổ hợp tác; 500 hợp tác xã; 6 liên hiệp hợp tác xã; trên 60% tổ chức kinh tế tập thể đạt loại tốt, khá…
Nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm
Để thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 20 về phát triển kinh tế tập thể của Trung ương Đảng, Tỉnh ủy Bắc Kạn đã xây dựng Chương trình hành động với 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp: Tập trung tuyên truyền để Nhân dân nhận thức đúng, đầy đủ về bản chất, vị trí, vai trò và tầm quan trọng của kinh tế tập thể trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể.
Để khuyến khích, phát triển kinh tế tập thể, tập trung phát triển nguồn nhân lực; chính sách đất đai; chính sách tài chính; chính sách tín dụng; chính sách khoa học – công nghệ; chính sách hỗ trợ về thông tin kinh tế, kỹ năng tiếp thị và nghiên cứu thị trường; chính sách đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng và chính sách bảo hiểm xã hội. Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các tổ chức kinh tế tập thể. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với kinh tế tập thể...
Đồng thời, phổ biến nhân rộng các mô hình HTX điển hình, hoạt động có hiệu quả; đẩy mạnh hỗ trợ HTX xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường đầu ra cho sản phẩm; hỗ trợ HTX đầu tư kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất, chế biến sản phẩm để mở rộng quy mô hoạt động của HTX. Thực hiện chuyển đổi số đối với các HTX đủ năng lực, điều kiện; tận dụng tối đa nguồn hỗ trợ của Nhà nước, nguồn tín dụng, vốn doanh nghiệp và các nguồn vốn hợp pháp khác để xây dựng hạ tầng cơ sở cho sản xuất và chế biến…
Ông Dương Văn Huấn, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh cho biết: Chương trình hành động phát triển kinh tế tập thể, HTX là nền tảng quan trọng để đạt mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”; là cơ sở để “Hợp tác” trở thành văn hóa, bản sắc trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, khơi dậy ý chí tự lực, tự cường, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; là một kênh quan trọng để thực hiện các chính sách phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội tại cộng đồng dân cư./.