Phát triển kinh tế trang trại ở các huyện miền núi

PTĐT - Phát triển kinh tế trang trại, gia trại được xem là hướng đi phù hợp với khu vực miền núi để khai thác lợi thế về đất đai, nguồn lao động dồi dào.

Với mục tiêu phát triển chăn nuôi theo hướng bền vững, ông Đông đầu tư xây dựng hệ thống chuồng trại khép kín, bảo đảm vệ sinh, phòng chống dịch bệnh

PTĐT - Phát triển kinh tế trang trại, gia trại được xem là hướng đi phù hợp với khu vực miền núi để khai thác lợi thế về đất đai, nguồn lao động dồi dào. Đây còn là bước đệm để người dân mở rộng quy mô sản xuất nông nghiệp hàng hóa, nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh trong cơ chế thị trường. Giúp xóa đói, giảm nghèo và góp phần thúc đẩy chăn nuôi phát triển chăn nuôi theo hướng bền vững.

Được sự khuyến khích, hướng dẫn và tạo điều kiện của UBND xã Minh Đài, huyện Tân Sơn, gia đình ông Bùi Xuân Đông, ở khu Đồng Tâm đã mạnh dạn đầu tư xây dựng trang trại chăn nuôi lợn, cá. Ông Đông cho biết, trước đây, gia đình chăn nuôi nhỏ lẻ nên hiệu quả kinh tế không cao. Năm 2012, gia đình ông quyết định vay vốn xây dựng chuồng trại khép kín trên diện tích 1.500m², cùng các thiết bị tự động, bảo đảm vệ sinh, phòng chống dịch bệnh, số lượng đàn tăng lên đến 70 con lợn nái, 500 con lợn thương phẩm cùng hệ thống xử lý phân, nước thải đảm bảo điều kiện sống tốt nhất cho vật nuôi cũng như ngăn ngừa sự phát sinh của mầm bệnh. Chất lượng lợn thương phẩm được nâng lên, gia đình ông là một trong những nhà cung cấp quan trọng cho công ty thịt lợn sạch Masan MeatLife, được bày bán trong các hệ thống siêu thị trên cả nước. Đến năm 2014, ông tiếp tục đầu tư xây dựng thêm một chuồng trại rộng 2,5ha, liên kết sản xuất với công ty xuất khẩu thịt lợn sạch của Thái Lan. Ngoài ra, ông thuê 5ha mặt hồ của xã để nuôi thả cá thịt. Mỗi năm cho thu hoạch gần 30 tấn cá, doanh thu khoảng 600 triệu đồng/năm. Trang trại của gia đình ông tạo việc làm thường xuyên cho 5 lao động, có thu nhập trung bình từ 5-7 triệu đồng/tháng.

Hiện tại, trên địa bàn huyện Tân Sơn có 4 trang trại đạt tiêu chí theo thông số 02/2020/TT-BNNPTNT ngày 28/2/2020 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và có trên 100 gia trại sản xuất tổng hợp, trong đó có 22 gia trại có tiềm năng phát triển thành trang trại. Ông Phan Minh Đức – Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: “Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp, nhiều hộ chăn nuôi, trồng trọt trên địa bàn đã đổi mới tư duy, mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế, xây dựng các mô hình trang trại, liên kết tiêu thụ sản phẩm với các doanh nghiệp. Không chỉ áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật về giống, thức ăn chăn nuôi mà còn chú trọng xây dựng hệ thống xử lý nước thải, sử dụng đệm lót sinh học, bảo đảm vệ sinh môi trường. Đồng thời, hình thành các hoạt động liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị giữa trang trại với doanh nghiệp”.

Với diện tích 5ha mặt nước, ông Đông thả các loại cá thương phẩm, cho hiệu quả kinh tế cao

Những năm gần đây, phát triển chăn nuôi ở các huyện miền núi đã có sự chuyển dịch theo hướng tích cực; từng bước chuyển từ chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán sang phát triển chăn nuôi tập trung theo hướng trang trại, gia trại sản xuất khép kín. Để tạo động lực giúp người dân phát triển chăn nuôi theo hướng bền vững, các địa phương đã hướng dẫn, tạo điều kiện cho các hộ có nhu cầu đầu tư phát triển chăn nuôi theo mô hình trang trại được vay vốn của ngân hàng với lãi suất ưu đãi. Khuyến khích chuyển đổi, chuyển nhượng, dồn điền, đổi thửa... tạo quỹ đất liền kề để giao đất, cho thuê đất đối với các tổ chức, cá nhân có dự án đầu tư khả thi đã được các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Đẩy mạnh áp dụng khoa học - kỹ thuật tiên tiến nhằm tăng chất lượng; xây dựng mô hình liên kết sản xuất giữa các trang trại, hợp tác xã,... để tạo ra khối lượng sản phẩm hàng hóa lớn, thu hút doanh nghiệp xây dựng chuỗi liên kết, thúc đẩy ngành chăn nuôi phát triển theo hướng bền vững. Để phát triển chăn nuôi, ngoài sự chủ động của người dân, các cấp, ngành chức năng đã có các chính sách hỗ trợ, khuyến khích, như: Đào tạo, tập huấn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật... Mặt khác, chú trọng công tác phòng, chống dịch bệnh; tiêm phòng vắc-xin cho gia súc, gia cầm; chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học để giảm thiểu ô nhiễm môi trường...

Tuy nhiên, những khó khăn về điệu kiện sản xuất, kinh doanh như: Khả năng tiếp cận nguồn vốn tín dụng của người dân còn hạn chế. Hạ tầng cơ sở chưa được đầu tư đồng bộ, dịch vụ hỗ trợ sản xuất, bao tiêu sản phẩm chưa nhiều... nên kinh tế trang trại ở các địa phương miền núi vẫn phát triển chậm, chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế vốn có. Bên cạnh đó, với đặc thù địa hình phức tạp, chia cắt bởi nhiều sông, suối, nhiều tuyến đường đến trung tâm các xã dễ bị chia cắt vào mùa mưa, do vậy việc vận chuyển và tiêu thụ gặp nhiều khó khăn.

Quốc An

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/dan-toc-mien-nui/202009/phat-trien-kinh-te-trang-trai-o-cac-huyen-mien-nui-173037