Phát triển kinh tế trang trại ở Thanh Thủy

PTĐT - Trong những năm qua, được sự quan tâm của các cấp, các ngành, công tác phát triển sản xuất nói chung, phát triển kinh tế trang trại nói riêng trên địa bàn huyện Thanh Thủy đã có nhiều đổi mới và phát triển cả về quy mô, số lượng và chất lượng, cơ cấu cây trồng, vật nuôi chuyển dịch theo hướng tích cực, nhiều tiến bộ KHKT mới được áp dụng vào sản xuất nhằm tăng năng suất cây trồng, vật nuôi.

Trang trại của ông Lê Đình Hưởng, xã Trung Thịnh đã mạnh dạn ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất, gắn tem mác sản phẩm khi đưa ra thị trường.

Trang trại của ông Lê Đình Hưởng, xã Trung Thịnh đã mạnh dạn ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất, gắn tem mác sản phẩm khi đưa ra thị trường.

Từ chỗ chỉ có 9 trang trại vào năm 2016 nay đã tăng lên 15 trang trại được cấp giấy chứng nhận trang trại đạt tiêu chí của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong đó có 6 trang trại chăn nuôi, 9 trang trại tổng hợp. Ngoài ra huyện còn có 18 trang trại khác nhưng chưa được cấp giấy chứng nhận trang trại do các chủ trang trại chưa có nhu cầu cấp giấy chứng nhận kinh tế trang trại. Đặc biệt, 100% các trang trại trên địa bàn huyện đều ký cam kết sản xuất an toàn, đảm bảo chất lượng thực phẩm cung cấp ra thị trường.Phát triển kinh tế trang trại trong thời gian qua đã góp phần tạo ra những vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa nông nghiệp tập trung của huyện Thanh Thủy, giải quyết và tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động tại địa phương. Kinh tế trang trại đã tạo bước chuyển biến tích cựcvề giá trị sản xuất hàng hóa, dần đưa sản xuất nông nghiệp từ sản xuất nhỏ lẻ, manh mún sang sản xuất hàng hóa tập trung và từng bước gắn với liên doanh, liên kết thị trường tiêu thụ; góp phần tích cực đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xóa đói, giảm nghèo, tạo thêm việc làm cho lao động địa phương với mức thu nhập ổn định. Nhiều trang trại hoạt động hiệu quả, doanh thu ổn định như trang trại của ông Lê Mạnh Cường, ông Nguyễn Văn Vượng ở Trung Nghĩa, Lê Đình Hưởng ở xã Trung Thịnh, Nguyễn Đức Thụ xã Đoan Hạ, Nguyễn Hữu Huệ xã Bảo Yên, Duy Trọng Hiển xã Hoàng Xá… Đây là những trang trại đã mạnh dạn áp dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất, lựa chọn các cây trồng, vật nuôi, con giống và tổ chức sản xuất hàng hóa nông, lâm nghiệp và nuôi trồng thủy sản theo hướng chuyên môn hóa, kết hợp kinh doanh tổng hợp, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn. Ngoài ra, các trang trại đã chủ động trong việc đảm bảo chất lượng sản phẩm, hướng tới các sản phẩm sạch, có thương hiệu xuất khẩu ra nước ngoài và phục vụ nhân dân, du khách thập phương khi về tham quan, nghỉ dưỡng tại huyện như trang trại của ông Lê Đình Hưởng xã Trung Thịnh với việc gắn tem mác sản phẩm của trang trại khi cung cấp ra thị trường.Từ hiệu quả kinh tế của trang trại mang lại, huyện Thanh Thủy đã có nhiều chính sách ưu đãi để các trang trại phát triển. Điển hình như trong năm 2019, huyện đã hỗ trợ 2 trang trại với tổng kinh phí 85 triệu đồng từ nguồn ngân sách huyện để phát triển, hoàn thiện và mở rộng quy mô. Đồng thời, đã chỉ đạo các xã, thị trấn và các phòng chuyên môn thực hiện tốt công tác dồn đổi ruộng đất nông nghiệp, lâm nghiệp cho nhân dân thành ô, thửa có quy mô lớn, khắc phục được tình trạng manh mún, thuận lợi cho cơ giới hóa vào sản xuất, quy hoạch, chuyển đổi diện tích đất trồng cây kém hiệu quả sang mô hình trang trại có giá trị kinh tế cao. Các xã, thị trấn tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các trang trại hợp tác, liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp có tiềm lực đầu tư, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi, liên kết với các doanh nghiệp theo hình thức bao tiêu sản phẩm, đưa các cây, con giống có chất lượng cao vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm nông sản tại các trang trại. Cùng với đó, chất thải chăn nuôi được xử lý bằng công nghệ biogas, các chế phẩm sinh học, công nghệ đệm lót sinh học… các chất thải sau xử lý được sử dụng phục vụ trồng trọt; góp phần giải quyết tốt vấn đề môi trường trong chăn nuôi, giảm thiểu dịch bệnh… Các trang trại cũng đã áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt, tưới phun mưa qua đó năng suất, chất lượng các sản phẩm hàng hóa được nâng lên, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.Tuy nhiên bên cạnh những kết quả đạt được, phát triển kinh tế trang trại ở Thanh Thủy vẫn còn một số tồn tại và hạn chế như: Trình độ chuyên môn của chủ trang trại và lao động trang trại còn thấp, chủ yếu là lao động phổ thông, sản xuất chủ yếu theo kinh nghiệm truyền thống, chưa chú trọng khâu thiết kế, quy hoạch sản xuất trang trại, nhiều trang trại chưa quan tâm và chủ động áp dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất; việc quy hoạch, xây dựng các trang trại theo tiêu chí của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn còn gặp nhiều khó khăn, chưa mang tính đồng bộ, hiệu quả chưa cao do chưa đảm bảo về tiêu chí diện tích; vốn đầu tư còn nhiều khó khăn, điều kiện hạ tầng để hỗ trợ phát triển kinh tế trang trại còn hạn chế. Mặt khác, các trang trại còn thiếu hiểu biết về thị trường, phụ thuộc vào thương lái, công nghệ chế biến, bảo quản sản phẩm sau thu hoạch mang tính thủ công, lạc hậu, sản phẩm chủ yếu ở dạng thô chưa qua chế biến nên hiệu quả kinh tế còn thấp…Để phát triển kinh tế trang trại trên địa bàn huyện Thanh Thủy phát huy hiệu quả thiết thực, vừa đảm bảo quy mô, số lượng trang trại, vừa đảm bảo môi trường xanh - sạch- đẹp, phục vụ đắc lực cho phát triển du lịch của huyện cũng như giải quyết một phần lao động cho địa phương, năm 2020, huyện Thanh Thủy phấn đấu thành lập mới 3-4 trang trại, 4-5 trang trại được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cấp giấy chứng nhận trang trại; 5-6 trang trại tham gia thực hiện sản xuất theo quy trình an toàn VietGap, GlobalGap; 4-5 trang trại ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi, trồng trọt, thủy sản; phấn đấu 5-6 trang trại tham gia hoạt động hợp tác, liên kết sản xuất theo chuỗi, gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn… Để đạt được mục tiêu trên, trong năm 2020, huyện Thanh Thủy cũng sẽ dự kiến hỗ trợ giống thủy sản 300 triệu đồng, hỗ trợ phát triển cây bưởi diễn 100 triệu đồng. Bằng các mục tiêu, biện pháp hỗ trợ kinh phí cho các chủ trang trại, cùng với đó là sự vào cuộc tích cực của các cơ quan chuyên môn, sự chủ động của các chủ trang trại trong việc triển khai thực hiện; hy vọng rằng, phát triển kinh tế trang trại ở Thanh Thủy trong năm 2020 đạt và vượt mục tiêu đề ra, giải quyết được việc làm cho lao động nông thôn cũng như giải quyết tốt vấn đề môi trường nông thôn, đưa Thanh Thủy sớm trở thành huyện nông thôn mới, huyện du lịch giàu đẹp, văn minh.

Hoàng Huân

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/kinh-te/202001/phat-trien-kinh-te-trang-trai-o-thanh-thuy-168613