Phát triển kinh tế từ du lịch nông nghiệp, nông thôn tại Buôn Đôn, Đắk Lắk
Huyện biên giới Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk đã đa dạng các loại hình du lịch, trong đó có du lịch gắn với nông nghiệp, nông thôn. Nhiều mô hình du lịch canh nông được hình thành, dần phát huy hiệu quả, trở thành điểm đến thu hút sự quan tâm của du khách, góp phần phát triển kinh tế nông thôn theo hướng bền vững.
Trên vùng đất cằn cỗi của xã Ea Nuôl, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk vườn nhãn hơn 1,5 héc ta đang được ông Lý Mạnh Hùng chăm sóc, cắt tỉa cẩn thận chuẩn bị cho vụ trái mới. Ông Hùng cho biết, vài năm trở lại đây, không còn phải chật vật tìm kiếm đầu ra bởi đã liên kết với một số nhà vườn khác trong xã tham gia xây dựng mô hình du lịch nông nghiệp. Vào mùa nhãn, khi đến với vườn, du khách thích thú được ăn thỏa thích và tìm hiểu về quá trình trồng, chăm sóc, thu hái nhãn, chủ vườn cũng phấn khởi vì bán được sản phẩm tại chỗ, lại không mất tiền thuê nhân công thu hoạch, không mất tiền vận chuyển.
Ông Lý Mạnh Hùng chia sẻ: “Từ hồi phát triển cây nhãn này vừa phục vụ khách du lịch và phục vụ kinh tế gia đình tôi thấy trên đất cằn cỗi của Buôn Đôn thì rất phù hợp với cây nhãn. Cây nhãn khi du nhập vào Tây Nguyên rất dễ chăm sóc làm hoa theo ý muốn. Sản phẩm tôi làm ra có thể bán trực tiếp cho du khách, mang lại nguồn thu nhập cũng khá ổn định cho gia đình”.
Không chỉ phát triển những cây trồng truyền thống, một số nông dân ở huyện Buôn Đôn đã mạnh dạn chuyển đổi, thử nghiệm với các loại cây trồng mới. Một số mô hình đã mang lại giá trị kinh tế cao và khích thích sự tò mò của du khách đến với vườn cây. Điển hình là vườn nho thân gỗ, hơn 1.800 cây của ông Đỗ Trọng Huế, ở xã Ea Huar, huyện Buôn Đôn.
Ông Đỗ Trọng Huế cho biết, dù mới chỉ có 100 cây cho trái, nhưng thu nhập của gia đình ông từ trái nho khoảng 200 triệu đồng/năm. Không những thế, rất nhiều người gọi hỏi với mong muốn được đến trực tiếp để tham quan, trải nghiệm… “Khi gia đình trồng và khảo sát cây nho này, về cơ bản thấy hiệu quả, cũng bán ra thị trường được một vài năm gần đây. Nhà mình có đăng trên các trang mạng xã hội, có rất nhiều người tìm đến và muốn được trải nghiệm... Do đó nhà mình cũng có xu hướng chuyển sang làm du lịch nông nghiệp nên đang xin giấy phép”.
Từ tiềm năng thế mạnh của địa phương và nhận thấy nhu cầu du lịch trải nghiệm của du khách ngày càng nhiều. Ông Trần Văn Toàn, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ du lịch nông nghiệp Phú Nông – Buôn Đôn cho biết, hợp tác xã đã liên kết các nông hộ tập trung phát triển chuyên sâu các mô hình chăn nuôi, trồng trọt có thế mạnh của địa phương như: nuôi thỏ, nuôi gà, nuôi cá, trồng cam, quýt, bưởi, ca cao, nhãn …để phục vụ du khách.
“Mình phải chủ động và tự thích nghi, bởi nếu chúng ta chỉ thiên về du dịch mà bỏ qua nông nghiệp thì yếu tố trải nghiệm sẽ không có. Hiện nay, du khách cũng dần chuyển dịch theo hướng trải nghiệm và khám phá trong quá trình tiếp nhận các mô hình”, ông Trần Văn Toàn cho biết.
Ông Y Si Thắt Ksơr, Phó Chủ tịch UBND huyện Buôn Đôn cho biết huyện rất quan tâm vấn đề phát triển du lịch gắn với nông nghiệp, nông thôn. Trong Nghị quyết đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020-2025 có nhấn mạnh nội dung này. Thời gian qua, UBND huyện đã giao cho phòng Nông nghiệp phát triển nông thôn phối hợp với Phòng Văn hóa - Thông tin chọn những mô hình phù hợp để thực hiện, trên cơ sở định hướng thế mạnh của huyện. Cùng với đó, huyện Buôn Đôn cũng quan tâm phát triển hợp tác xã. Đến nay, toàn huyện có 19 hợp tác xã đang hoạt động, trong đó có nhiều hợp tác xã hoạt động theo mô hình du lịch - nông nghiệp.
Ông Y Si Thắt Ksơr cho biết thêm: "Sắp tới chúng tôi cũng dựa theo tinh thần Nghị quyết 88 của Quốc hội để hỗ trợ cho những hộ có khả năng phát triển. Đồng thời, phối hợp với các hợp tác xã, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc để từng bước thay đổi cách nghĩ, cách làm về phát triển du lịch gắn với nông nghiệp, nông thôn... Vừa là giải quyết công ăn việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số, đồng thời, góp phần đổi mới phát triển phù hợp với tình hình địa phương”.
Với những hướng đi cụ thể, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk đang hướng đến đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, khai thác triệt để thế mạnh nông nghiệp, thực hiện hiệu quả mô hình du lịch gắn với nông nghiệp để thu hút du khách trong nước và quốc tế, góp phần phát triển kinh tế nông thôn vùng biên.