Phát triển kinh tế từ những mô hình hiệu quả

ĐBP - Những năm gần đây, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của huyện Nậm Pồ luôn đạt trên 11%/năm, tổng giá trị sản xuất thực tế năm 2020 ước đạt trên 990 tỷ đồng, tăng gần 375 tỷ đồng so với năm 2015; thu nhập bình quân đầu người của huyện đạt trên 16 triệu đồng/năm... Có được kết quả đó, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi có vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế hộ gia đình.

Cán bộ xã Chà Nưa kiểm tra mô hình trồng cây sa nhân dưới tán rừng của gia đình ông Thùng Văn Phòng ở bản Nà Cang.

Nhờ phát huy hiệu quả tiềm năng đất đai, mặt nước cùng với kinh nghiệm sản xuất, nhiều gia đình nông dân đã thoát nghèo và vươn lên làm giàu. Người dân cũng từng bước thay đổi tư duy, biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng và vật nuôi để nâng cao thu nhập. Do đó, cơ cấu sản xuất nông nghiệp trên toàn huyện đã có sự chuyển đổi theo hướng nâng cao hiệu quả; một số chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp được ban hành và triển khai thực hiện có tác dụng tích cực. Nhiều mô hình xóa đói giảm nghèo hiệu quả đã hình thành và được khuyến khích nhân rộng, như: Mô hình trồng cây chít ở các xã: Nà Khoa, Nậm Nhừ; trồng cây mận ở xã Vàng Ðán; trồng cam sành ở xã Nậm Tin; trồng sả dược liệu ở các xã: Vàng Ðán, Nà Hỳ, Nậm Nhừ, Nà Khoa. Ðây có thể coi là thành quả rất quan trọng, mang nhiều ý nghĩa xã hội trong công cuộc xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an ninh lương thực và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của huyện Nậm Pồ.

Nhận thấy đất đai rộng có đồng cỏ tự nhiên, gia đình ông Ngải Củ Lỷ, bản Ðề Pua, xã Phìn Hồ đã đầu tư chăn nuôi đại gia súc. Với sự cần cù, chịu khó, vừa chăn nuôi vừa rút kinh nghiệm, gia đình ông Lỷ đã phát triển đàn trâu, bò mỗi năm một tăng, có thời điểm lên đến 150 con. Do chỉ nuôi trong điều kiện tự nhiên, ít phải đầu tư công sức nên khi cung cấp cho thị trường đã mang về nguồn thu nhập đáng kể. Hay như mô hình làm kinh tế của gia đình anh Giàng A Chư ở bản Huổi Dạo, xã Vàng Ðán. Với hơn 5ha đất đồi, trước đây gia đình anh Chư chỉ canh tác lúa nương một vụ, hiệu quả kinh tế thấp. Năm 2017, anh Chư đã đưa cây sả dược liệu vào trồng thay thế lúa nương để chưng cất lấy tinh dầu. Sau hơn 3 năm cải tạo, đến nay toàn bộ diện tích đất nương đã được gia đình anh Chư sử dụng trồng sả; mỗi hecta cho thu hoạch khoảng 15 tấn sả nguyên liệu/năm, đem lại nguồn thu nhập vượt trội từ việc chưng cất tinh dầu, bán ra thị trường. Thành công của anh cũng có tác động tích cực đến tư duy làm kinh tế của người dân ở địa phương. Ðến nay, toàn xã Vàng Ðán đã có nhiều gia đình chuyển sang trồng cây sả dược liệu trên đất dốc, đất bạc màu với diện tích lên đến hơn 30ha.

Với xuất phát điểm thuận lợi hơn, gia đình ông Thùng Văn Nạy, bản Cấu, xã Chà Nưa mặc dù có thu nhập ổn định từ mô hình kinh tế VAC nhưng đã đầu tư thêm mô hình nuôi ong rừng lấy mật. Ðến nay, bình quân mỗi năm gia đình ông xuất ra thị trường trên 150 lít mật ong chất lượng cao với giá từ 250 - 300 nghìn đồng/lít. Mô hình nuôi ong của gia đình ông Nạy cũng là một trong những mô hình góp phần làm nên thương hiệu “Mật ong rừng Chà Nưa” được chọn làm sản phẩm đại diện trong chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”...

Hiện nay, huyện Nậm Pồ có trên 300 hộ gia đình có mô hình sản xuất, kinh doanh giỏi. Nhiều mô hình tiêu biểu đã được các cấp, ngành ghi nhận, khen thưởng và đang được phát huy nhân rộng. Có thể thấy, với một địa phương sống chủ yếu dựa vào nông nghiệp vốn ít tiềm năng, lợi thế thì việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và phát huy các mô hình hiệu quả có vai trò hết sức quan trọng. Do vậy, những năm qua UBND huyện đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp để hỗ trợ và khuyến khích người dân phát triển kinh tế. Từ đó góp quan trọng trong việc hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh trên địa bàn.

Bài, ảnh: Văn Thành Chương

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.info.vn/tin-tuc/kinh-te/181662/phat-trien-kinh-te-tu-nhung-mo-hinh-hieu-qua