Phát triển kinh tế từ trồng trọt, chăn nuôi hữu cơ

Là một hội viên phụ nữ năng nổ, nhiệt tình, chịu khó, không ngừng học hỏi, phấn đấu vươn lên và có ý thức trách nhiệm trong công việc, chị Quách thị Điệp, Trưởng nhóm rau hữu cơ Lầm Trong, xóm Ba Lầm, xã Nuông Dăm (Kim Bôi) là một tấm gương điển hình trong nỗ lực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi hiệu quả vươn lên thoát nghèo và làm giàu từ trồng trọt và chăn nuôi hữu cơ.

Chị Quách Thị Điệp (Ngoài cùng bên trái) sơ chế và dán tem truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm rau hữu cơ.

Chị Quách Thị Điệp (Ngoài cùng bên trái) sơ chế và dán tem truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm rau hữu cơ.

Chị Điệp là cô gái Mường từ quê hương Mường Vang về làm dâu ở xóm Ba Lầm. Ban đầu với bao bỡ ngỡ, khó khăn trước cuộc sống mới. Chị Điệp đã phải lăn lộn đi làm công nhân vất vả, xa nhà nhưng cuộc sống gia đình vẫn không khấm khá hơn, con cái lại không được chăm sóc chu đáo. Trăn trở trước thực tế cuộc sống, chị Điệp bàn bạc với chồng và quyết tâm trở về quê hương tìm hướng phát triển kinh tế.

Tận dụng diện tích đất của gia đình cộng với "ưu thế” sức khỏe tốt và sự cần cù, chịu khó, ham học hỏi, đặc biệt là sau khi được tham gia các chương trình tập huấn của Hội Phụ nữ về canh tác hữu cơ trên cây rau cùng các phương pháp, kỹ năng giám sát, thanh tra cũng như tiếp cận tiêu chuẩn trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ (PGS), chị Điệp đã mạnh dạn nhận vai trò là Trưởng nhóm sản xuất rau hữu cơ Lầm Trong (Nhóm là mô hình thuộc một trong những tiểu dự án của Dự án "Nâng cao năng lực tự quản tại cộng đồng” do tổ chức Bánh Mì cho thế giới triển khai thực hiện từ năm 2017). Chị Điệp cùng với 5 thành viên trong nhóm sau khi tham gia các chương trình tập huấn đã chủ động đào giếng giữ nguồn nước tưới, làm bờ bao, tạo vùng đệm để cách ly và ngăn ngừa ô nhiễm, sâu bệnh từ bên ngoài. Ngoài ra, chọn vị trí phù hợp để ủ phân, tự chế thuốc thảo mộc, dinh dưỡng bổ sung cho cây, làm nơi để dụng cụ, sơ chế đóng gói và dán tem truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm…

Chị Điệp chia sẻ: Để có được thửa ruộng rộng trên 1,2 ha thực hiện mô hình, chị và các thành viên trong nhóm đã phải đến từng hộ vận động bà con dồn, đổi thửa để thực hiện mô hình. Rồi khi mô hình đi vào sản xuất, chị cũng phải mày mò tìm các cơ sở để cung cấp ổn định đầu ra cho sản phẩm rau. Làm rau là công việc đòi hỏi sự chịu khó, cẩn thận, thực sự không nhàn hạ, nhưng chị và các thành viên trong nhóm rất phấn khởi và yêu thích công việc này. Hiện nay, nhóm rau hữu cơ của chị phát triển hiệu quả với thu nhập ổn định từ 3 – 4 triệu đồng/thành viên/tháng. Sản phẩm rau được người tiêu dùng tin tưởng lựa chọn. Những kết quả đạt được của nhóm là sự khích lệ, động viên các thành viên tích cực hơn trong tham gia sản xuất các sản phẩm sạch để đáp ứng nhu cầu sử dụng không chỉ cho gia đình, người thân mà cho cả cộng đồng.

Ngoài tham gia hoạt động phát triển mô hình rau hữu cơ, chị Điệp còn phát triển nuôi gà thả vườn bằng phương pháp khá cầu kỳ nhưng chất lượng, hiệu quả. Chị Điệp nuôi giun quế để trộn với cám gạo, ngô và rau xanh cho gà ăn. Với khẩu phần ăn đặc biệt như vậy, gà của gia đình chị chỉ nuôi trong 2 tháng là đã có thể xuất bán với trọng lượng mỗi con đạt từ 1,5 kg trở lên. Cùng với sản phẩm gà thịt, sản phẩm trứng của gia đình chị cũng được khách hàng ưa chuộng và đặt hàng thường xuyên. Gia đình chị cũng nuôi lợi nái và trong chuồng liên tục có gần 10 con lợn thịt. Mỗi năm, thu nhập từ chăn nuôi của gia đình đạt gần 100 triệu đồng.

Chị Điệp chia sẻ thêm: Hiện, gia đình chị đã chuyển đổi toàn bộ diện tích cấy lúa (trên 2,5 nghìn mét) sang trồng các loại củ, quả như: dưa chuột, cà rốt, su hào, bí các loại. Lượng phân chuồng từ chăn nuôi của gia đình chị được đem ủ đúng quy chuẩn để bón, cải tạo đất phục vụ cho trồng trọt. Từ những nỗ lực không ngừng, gia đình chị Điệp đang vươn lên làm giàu chính đáng và mở ra hướng phát triển các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ theo chuỗi cho nhiều hộ dân tại địa phương học tập, làm theo.

Hồng Duyên

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/12/134443/phat-trien-kinh-te-tu-trong-trot,-chan-nuoi-huu-co.htm