Phát triển kinh tế tuần hoàn
Phát triển kinh tế tuần hoàn là xu hướng tất yếu để nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu và bảo đảm mục tiêu phát triển bền vững. An Giang có nhiều mô hình kinh tế tuần hoàn tốt, hiệu quả, tận dụng tối đa các nguồn lực vì sự phát triển bền vững.
Từ chủ trương
Ở lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, tỉnh quan tâm ứng dụng công nghệ sinh học nhằm phát triển kinh tế tuần hoàn để thúc đẩy tăng trưởng xanh với nhiều kết quả khích lệ. Qua đó, đóng góp tăng hàm lượng khoa học và công nghệ đối với các sản phẩm công nghiệp chủ lực của tỉnh, nâng cao giá trị sản phẩm hàng hóa, thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Điển hình như nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ trong việc tạo ra nhiều giống cây trồng, vật nuôi có chất lượng, năng suất cao, góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông thôn, đưa An Giang trở thành một trong những tỉnh có lượng lúa gạo, cây ăn trái, cá tra, tôm càng xanh đứng đầu cả nước. Thu nhập các hộ trồng lúa, rau màu, nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi theo hướng ứng dụng công nghệ tăng cao hơn so canh tác truyền thống, góp phần duy trì tốc độ tăng trưởng của ngành.
Điển hình như đã chọn lọc được 3 giống lúa mùa ruộng trên (Móng Chim, AS-R05 và AS-R06) có chất lượng tốt, năng suất ≥ 3,5 tấn/ha; chống chịu rầy nâu, đạo ôn và cháy bìa lá cấp 3 - 4… riêng giống lúa Móng Chim đáp ứng thị trường tiêu thụ Nhật Bản. Xây dựng quy trình ương cá tra, nâng cao tỷ lệ sống và chất lượng con giống quy mô hàng hóa, với tỷ lệ cá sống đạt 50,15%, góp phần thúc đẩy, phát triển bền vững ngành hàng cá tra. Cải tiến kỹ thuật và phương pháp bảo quản trái xoài 3 màu tươi lên đến 36 ngày, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu; xây dựng vùng sản xuất giống cá lóc đạt chứng nhận GlobalGAP và nuôi thương phẩm đạt chứng nhận VietGAP; hình thành Hợp tác xã Trái cây GAP Chợ Mới đạt chứng nhận VietGAP.
Sau hơn 20 năm thực hiện Chỉ thị 50-CT/TW và gần 2 năm thực hiện Nghị quyết 36-NQ/TW về đẩy mạnh phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học cho thấy, kinh tế tuần hoàn là hệ thống kinh tế bền vững, mang lại nhiều lợi ích, tối ưu hóa sử dụng nguồn tài nguyên, phát triển bền vững kinh tế - xã hội và môi trường, thích nghi với biến đổi khí hậu.
Đến mô hình hiệu quả
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam nhấn mạnh: “Trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng khốc liệt và nguồn tài nguyên thiên nhiên đang cạn kiệt, việc chuyển đổi ngành lúa gạo Việt Nam theo mô hình kinh tế tuần hoàn là yêu cầu cấp bách”. Với khối lượng phụ phẩm khổng lồ hàng năm từ rơm và trấu… có khả năng sản xuất ra hàng triệu tấn năng lượng sinh khối xanh. Việc này không chỉ giúp giảm áp lực lên các nguồn tài nguyên thiên nhiên, mà còn góp phần bảo vệ môi trường, giảm tác động biến đổi khí hậu.
Hưởng ứng chủ trương này, Hợp tác xã Nông nghiệp Phú Thạnh (huyện Phú Tân) được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Dự án đổi mới sáng tạo xanh (GIC) trang bị 1 máy trộn rơm để thực hiện mô hình ngâm ủ rơm và các phụ phẩm khác, như: Phân bò, mụn xơ dừa, tro trấu, nấm Trico… thành phân hữu cơ vi sinh. Hợp tác xã xây dựng mô hình điểm sản xuất lúa nếp theo tiêu chuẩn SRP với diện tích 20ha và đang dần mở rộng diện tích.
Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Phú Thạnh Trần Văn Lô Ba cho biết: “Để khắc phục tình trạng đốt rơm gây ô nhiễm môi trường, hợp tác xã phối hợp nhiều nông dân, doanh nghiệp thu gom rơm bằng máy cuốn rơm trên ruộng. Sau đó, rơm được vận chuyển và cung ứng cho các hộ trồng nấm hoặc bán cho các trang trại trong và ngoài tỉnh, để làm thức ăn chăn nuôi, làm phân bón, che phủ cây trồng... Như vậy, vừa không phải đốt, vừa có thêm thu nhập, giảm thiểu phát thải khí nhà kính”.
Hợp tác xã còn sản xuất phân hữu cơ từ rơm, phân phối lại cho các hộ trồng nấm rơm. Sau đó, thu gom rơm đã qua trồng nấm và mua phân bò, xơ dừa, tro trấu, men vi sinh và nước trộn ủ. Sau 1,5 tháng, cho ra 15 tấn giá thể hữu cơ vi sinh, bán lại cho các hộ làm vườn cây ăn trái, rau màu và lúa. “Việc áp dụng kinh tế tuần hoàn, giảm phát thải sẽ tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Đây là yêu cầu cấp thiết và là giải pháp thực hiện tốt Đề án 1 triệu héc-ta lúa chất lượng cao” - ông Trần Văn Lô Ba chia sẻ.
Ở An Giang, nhiều doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp quy mô vừa và lớn, ứng dụng điện mặt trời trong sản xuất. Các hộ sản xuất, chế biến nhỏ, ứng dụng nhiệt mặt trời sơ chế và bảo quản nông sản thực phẩm. Điển hình như mô hình ứng dụng hệ thống tưới tự động bằng pin năng lượng mặt trời trên vườn cam hơn 2ha tại xã Vĩnh An (huyện Châu Thành); mô hình điện năng lượng mặt trời vận hành hệ thống tưới nước kết hợp phun tự động cho cây sầu riêng tại xã Bình Thạnh Đông (huyện Phú Tân)…
Tái sử dụng phụ phẩm
“Nếu tận dụng triệt để nguồn phân bò và bùn đáy ao nuôi cá tra ở An Giang để sản xuất sản phẩm phân bò ủ vi sinh, có thể tạo ra giá trị rất lớn cho địa phương. Bên cạnh đó, khi sử dụng chế phẩm trong canh tác, nông dân giảm được lượng phân bón vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật, cải tạo đất, nâng cao giá trị nông sản, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và phát triển kinh tế tuần hoàn, thúc đẩy tăng trưởng xanh” - ThS Phạm Danh Tướng, Phó Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học An Giang đề xuất.
Ở huyện Chợ Mới, Chi cục Chăn nuôi thú y thực hiện mô hình chăn nuôi bò thịt tuần hoàn tăng hiệu quả kinh tế và giảm thiểu ô nhiễm môi trường tại xã Mỹ An. Kết quả, hiệu quả kinh tế tăng hơn 29% so hộ ngoài mô hình. Người dân được hướng dẫn giải pháp xử lý môi trường, nâng cao năng lực tái chế, tái sử dụng phụ phẩm, phế phẩm nông nghiệp; tận dụng chất thải sau xử lý làm nguồn phân bón cho cây trồng; tạo sản phẩm sạch, liên kết tiêu thụ bò thịt cho hợp tác xã và tiêu thụ sản phẩm bắp non.
Tỉnh còn có hơn 10 doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp, như: Công ty Cổ phần Nam Việt; Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời; Trung tâm Ứng dụng tiến bộ Khoa học và Công nghệ An Giang; Trung tâm Công nghệ sinh học An Giang; Công ty TNHH MTV Thương mại Dịch vụ Phan Nam… Trên 50 doanh nghiệp tham gia sàn thương mại điện tử, với hơn 200 sản phẩm được giao dịch trực tuyến… là cơ sở để phát triển kinh tế tuần hoàn, nông nghiệp thông minh.
Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/phat-trien-kinh-te-tuan-hoan-a413971.html