Phát triển kinh tế tuần hoàn: Hóa giải những thách thức của nền kinh tế

Thúc đẩy phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn là một trong những giải pháp, hướng đi quan trọng nhằm hóa giải những thách thức nền kinh tế đang phải đối mặt.

Hướng đi quan trọng

Sáng 12/6, tại Hà Nội, Diễn đàn “Xây dựng cơ chế thử nghiệm phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam” đã được tổ chức trong khuôn khổ hợp tác giữa Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) và Dự án Thúc đẩy kinh tế tuần hoàn nhằm bảo vệ khí hậu và môi trường biển, do Bộ Hợp tác và Phát triển kinh tế, Cộng hòa Liên bang Đức (BMZ); Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức (GIZ) thực hiện.

Tại diễn đàn, các đại biểu đã tập trung trao đổi, thảo luận những vấn đề liên quan đến cơ chế thúc đẩy triển khai mô hình kinh tế tuần hoàn và xây dựng khung thử nghiệm chính sách cho phát triển kinh tế tuần hoàn ở một số ngành, lĩnh vực có nhiều tiềm năng ở Việt Nam.

Việc thúc đẩy việc phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn là một trong những giải pháp và hướng đi quan trọng phù hợp với định hướng mà nhiều quốc gia trên thế giới đang tiếp cận và chuyển đổi

Việc thúc đẩy việc phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn là một trong những giải pháp và hướng đi quan trọng phù hợp với định hướng mà nhiều quốc gia trên thế giới đang tiếp cận và chuyển đổi

Phát biểu tại diễn đàn, TS Trần Thị Hồng Minh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng: Thực tiễn công cuộc đổi mới trong hơn 35 năm qua cho thấy, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng về phát triển kinh tế - xã hội. Kinh tế vĩ mô được duy trì ổn định; các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm; đặc biệt nhịp tăng trưởng GDP được duy trì ở mức cao, quy mô nền kinh tế liên tục được mở rộng, thu nhập bình quân đầu người được cải thiện đáng kể.

Mặc dù vậy, Việt Nam cũng đang phải đối mặt với những thách thức không nhỏ về cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu. Những thách thức này trở nên phức tạp hơn trong bối cảnh Việt Nam cũng đang tiếp tục quá trình tăng dân số và đô thị hóa, quá trình công nghiệp hóa song còn chậm chuyển đổi từ cách tiếp cận kinh tế tuyến tính truyền thống, kéo theo những hệ lụy ngày càng nghiêm trọng đối với nguồn cung tài nguyên, bao gồm cả đất đai, lượng chất thải lớn, an ninh môi trường và an ninh nguồn nước. Những thách thức đó đặt ra yêu cầu Việt Nam cần phải nhìn nhận nghiêm túc hơn về yêu cầu phát triển bền vững, tăng cường mức độ độc lập, tự chủ của nền kinh tế và sức chống chịu của chuỗi cung ứng…

“Theo đó việc thúc đẩy việc phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn là một trong những giải pháp và hướng đi quan trọng phù hợp với định hướng mà nhiều quốc gia trên thế giới đang tiếp cận và chuyển đổi” - TS Trần Thị Hồng Minh khẳng định.

Nhận thức được tính cấp thiết đó, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đã chủ động đề xuất nghiên cứu và tham vấn các chuyên gia, nhà đầu tư về kinh tế tuần hoàn. Trên cơ sở kết quả nghiên cứu, Viện đã báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Chính phủ ban hành Quyết định 687/QĐ-TTg ngày 7/6/2022 phê duyệt Đề án phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam, trong đó nhấn mạnh tư duy hướng tới khía cạnh “kinh tế” của mô hình kinh tế tuần hoàn và nhấn mạnh quan điểm về “tập trung ban hành các chính sách dài hạn nhằm khuyến khích, ưu đãi, tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế tuần hoàn, gắn với lộ trình, kết quả cụ thể, đồng thời hoàn thiện cơ sở pháp lý vững chắc và tạo dựng sự linh hoạt, chủ động nhằm sớm phát huy mô hình kinh tế tuần hoàn theo cấp độ phù hợp ở các ngành, lĩnh vực, địa phương”.

Theo TS Trần Thị Hồng Minh, Quyết định số 687/QĐ-TTg là một trong những nỗ lực quan trọng đầu tiên nhằm xác định lộ trình, yêu cầu và định hướng phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam. Cũng tại Quyết định này, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì xây dựng Nghị định về cơ chế thử nghiệm phát triển kinh tế tuần hoàn.

Chính phủ ban hành Quyết định 687/QĐ-TTg ngày 7/6/2022 phê duyệt Đề án phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam

Chính phủ ban hành Quyết định 687/QĐ-TTg ngày 7/6/2022 phê duyệt Đề án phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam

Để hiện thực hóa lợi ích từ kinh tế tuần hoàn?

Theo ông Nguyễn Anh Dương - Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương: Kinh tế tuần hoàn là một mô hình tổ chức hoạt động kinh tế hiện đại có tính khép kín và liên hoàn của nhiều đơn vị sản xuất gắn kết với nhau trên nguyên tắc “mọi thứ đều là đầu vào của sản phẩm khác”, tận dụng hiệu quả dịch vụ kết nối về các dịch vụ tài chính, logistics, công nghệ thông tin và truyền thông, hướng tới liên kết sản xuất có tính tuần hoàn nhằm: Tiết kiệm chi phí sản xuất và tối ưu hóa giá trị gia tăng trên cơ sở giảm thiểu chất thải trong quá trình sản xuất, hợp lý hóa quy trình đầu vào - đầu ra của các quy trình gắn với đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất lao động và thu nhập của người lao động, sản xuất và sử dụng hợp lý các dạng năng lượng tái tạo trong sản xuất, và phục hồi tài nguyên có thể tái tạo được, thúc đẩy tiêu dùng bền vững, giảm phát thải và góp phần chống biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường.

Lợi ích của kinh tế tuần hoàn rất lớn, song các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng: Để sớm hiện thực hóa lợi ích từ kinh tế tuần hoàn thì việc tạo động lực cho doanh nghiệp, nhà đầu tư thực hiện chuyển đổi, sáng tạo mô hình kinh tế tuần hoàn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, đặc biệt là với một số ngành, lĩnh vực có nhiều tiềm năng như: Nông nghiệp, công nghiệp, năng lượng, vật liệu xây dựng...

Do kinh tế tuần hoàn gắn với tư duy thiết kế mới, có ứng dụng đổi mới sáng tạo và liên quan đến nhiều mảng chính sách khác nhau. Đặc biệt, bối cảnh phục hồi kinh tế của đất nước nói chung và khó khăn nghiêm trọng đối với các ngành kinh tế: Nông nghiệp, công nghiệp, năng lượng, vật liệu xây dựng trong các tháng đầu năm 2023 nói riêng cũng đòi hỏi phải nhanh chóng tạo thêm động lực mới cho doanh nghiệp, nhà đầu tư, người lao động thông qua các chính sách thúc đẩy “phục hồi xanh”.

Cùng với đó, cần sớm hình thành một cơ sở pháp lý đủ vững chắc cho phát triển kinh tế tuần hoàn cũng sẽ giúp cụ thể hóa các nội dung hợp tác quốc tế liên quan đến kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi năng lượng xanh, nông nghiệp… mà lãnh đạo cấp cao đã trao đổi và nhấn mạnh với các đối tác song phương và đa phương.

Theo đó, nội dung xây dựng Nghị định về cơ chế thử nghiệm phát triển kinh tế tuần hoàn, nhằm tạo lập khung thử nghiệm chính sách cho phát triển kinh tế tuần hoàn ở một số ngành, lĩnh vực có nhiều tiềm năng là một yêu cầu quan trọng.

Ông Nguyễn Anh Dương - Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương: Mục tiêu phát triển kinh tế tuần hoàn nhằm tạo động lực cho đổi mới sáng tạo và cải thiện nâng cao năng suất lao động,... góp phần đạt được thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội; hướng tới nền kinh tế xanh, trung hòa carbon và đóng góp vào mục tiêu hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu.

Nguyễn Hòa

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/phat-trien-kinh-te-tuan-hoan-hoa-giai-nhung-thach-thuc-cua-nen-kinh-te-257775.html