Phát triển kinh tế tuần hoàn, khó khăn nhưng là lựa chọn tất yếu của doanh nghiệp
Theo bà Trần Phương Uyên- Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát, doanh nghiệp phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn sẽ gặp rất nhiều khó khăn, nhưng đây vẫn là lựa chọn tất yếu để phát triển bền vững.
Sáng nay (7-9), Tạp chí Nhà đầu tư tổ chức hội thảo: "Chính sách khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển kinh tế tuần hoàn".
Chia sẻ về thực tế triển khai kinh tế tuần hoàn trong doanh nghiệp sản xuất, bà Trần Phương Uyên cho biết, Tân Hiệp Phát đã bắt đầu triển khai mô hình kinh tế này từ năm 2013. Đến nay, Tập đoàn đã đi tiên phong trong ngành nước giải khát về giảm thiểu sử dụng nhựa, giấy nguyên liệu.
Kết quả mà người tiêu dùng dễ nhận thấy nhất là chai nhựa PE của Tân Hiệp Phát đã giảm trọng lượng đáng kể đến 70%. Nhờ đó, Tập đoàn giảm hàng chục nghìn tấn nhựa trong những năm qua. Và để làm được điều đó, để đảm bảo chất lượng sản phẩm, Tập đoàn đầu tư công nghệ vô trùng Aseptic, công nghệ từ Washing - Extruder - Injection Molding để tái chế tuần hoàn nhựa PE,PP sản xuất pallet, thùng chứa rác...
Đồng thời, triển khai hệ thống quản trị số hóa tự động từ sản xuất tới cung ứng. Để lắp ráp, sử dụng thành công công nghệ này, Tân Hiệp Phát phải tìm các nhà cung cấp công nghệ uy tín và gặp phải không ít khó khăn, thách thức như: Thói quen tiêu dùng, nhận thức về kinh tế tuần hoàn; Khung pháp luật và chính sách chưa hoàn thiện; Liên kết, quy hoạch chuỗi giá trị phục vụ cho ngành công nghiệp tái phù hợp với quy mô thu gom, đặc thù địa lý và điều kiện kinh tế xã hội từng khu vực để triển khai tái chế hiệu quả về kinh tế…
“Dù vậy, doanh nghiệp xác định đây là việc phải làm để phát triển bền vững. Khó khăn nhưng doanh nghiệp tự chủ động để vượt qua chính mình, không chờ đợi sự hỗ trợ rồi mới triển khai”- bà Trần Uyên Phương nói.
Mục tiêu của Tập đoàn là giảm hơn 112.000 tấn nhựa vào năm 2027, tiếp tục mở rộng mô hình kinh tế tuần hoàn, chung tay cùng các doanh nghiệp tái chế nhựa.
TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV nêu quan điểm, kinh tế tuần hoàn là xu thế tất yếu để phát triển kinh tế xanh, bền vững, tuy nhiên, khái niệm và nội hàm vẫn có sự khác biệt nhất định so với kinh tế xanh. Vì vậy, cần xây dựng và thực thi các cơ chế chính sách huy động nguồn lực tài chính cho kinh tế tuần hoàn gắn với kinh tế xanh là yêu cầu quan trọng trong thời gian tới.
Theo đánh giá của WB (2021), Việt Nam sẽ cần đầu tư khoảng gần 370 tỷ USD (tương đương 6,8% GDP/năm) trong giai đoạn 2022-2040 để thực hiện lộ trình tăng trưởng xanh, với lượng phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 và thích ứng biến đổi khí hậu trong đó 35% từ ngân sách, 65% từ nguồn tư nhân(trong và ngoài nước).
“Chúng tôi kiến nghị cần xây dựng và thực thi "văn hóa kinh tế tuần hoàn, văn hóa xanh” trong tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, doanh nghiệp; hoàn thiện hành lang pháp lý cho kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh”- ông Cấn Văn Lực nói.
Theo GS. TSKH Nguyễn Mại, làm kinh tế tuần hoàn ban đầu mất nhiều chi phí nhưng sau đó không chỉ có lợi mà người tiêu dùng tăng được sự nhiệt tình tiêu dùng hàng hóa của doanh nghiệp. Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp để mở rộng mô hình kinh tế tuần hoàn.
Ở góc độ doanh nghiệp, bà Trần Uyên Phương kiến nghị, cần đào tạo, truyền thông nâng cao nhận thức mang tầm quốc gia dành cho người dân về phân loại rác tại nguồn; mở rộng đào tạo hướng dẫn, phổ biến tới doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, các hộ kinh doanh về kinh tế tuần hoàn; Hoàn thiện luật, quy định, chính sách, hướng dẫn;
Đặc biệt, cần đưa ra thước đo về thực thi kinh tế tuần hoàn để làm căn cứ, hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện; đưa ra khung cơ sở hưởng ưu đãi cho các doanh nghiệp áp dụng kinh tế tuần hoàn; Quy hoạch khu công nghiệp dành cho chuỗi giá trị liên quan tới ngành tái chế phục vụ một khu vực địa lý nhất định.