Phát triển kinh tế vùng giáp ranh với tỉnh Ninh Bình
Là địa phương xa nhất của huyện Nga Sơn, xã Nga Điền chỉ cách thị trấn Phát Diệm của huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình khoảng 6 km. Trải dài 11 km dọc dãy núi Răng Cưa và dòng sông Càn uốn lượn, Nga Điền giáp ranh với 4 xã thuộc 2 huyện Kim Sơn và Yên Mô của tỉnh bạn. Những năm gần đây, chính quyền và Nhân dân địa phương đã biết phát huy những lợi thế của vùng đất giáp ranh để phát triển kinh tế, nâng cao đời sống cho người dân.
Một góc khu dân cư buôn bán sầm uất tại xã Nga Điền (Nga Sơn).
Chỉ cách đây khoảng 5 – 7 năm, Nga Điền vẫn được coi là một trong những xã nghèo nhất của huyện Nga Sơn bởi vị trí địa lý nằm bên kia cầu Điền Hộ, lại bị cô lập bởi sông và núi so với các xã còn lại của huyện Nga Sơn. Vốn là xã thuần nông chuyên trồng lúa nước, tỷ lệ lao động nông nhàn cao, nhiều người còn thiếu việc làm quanh năm dẫn đến thu nhập thấp, đời sống đa phần người dân theo đó cũng gặp nhiều khó khăn.
Nhưng đến nay, tại vùng giáp ranh với huyện Kim Sơn, những khu dân cư sầm uất của 2 huyện Nga Sơn – Kim Sơn đang tiến sát nhau, như “làm mềm” ranh giới địa lý giữa 2 tỉnh, không giống ở nhiều nơi khác. Hoạt động thương mại, dịch vụ phát triển, cho thấy sự năng động của nhiều người dân cũng như định hướng đúng đắn của chính quyền địa phương. Ông Phạm Văn Tân, Chủ tịch UBND xã Nga Điền, chia sẻ: Toàn xã có 8 thôn với hơn 8.200 nhân khẩu, nhưng có 77% đồng bào theo đạo công giáo. Giáo dân Nga Điền có truyền thống kính chúa, yêu nước, nhiều năm qua đã đồng tâm hiệp lực để xây dựng kinh tế địa phương ngày càng vững mạnh.
Để nền kinh tế xã nhà bớt lệ thuộc vào nông nghiệp như nhiều đời nay, Đảng ủy, UBND xã đã xác định phát triển lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp và làng nghề là mục tiêu quan trọng, đã có các nghị quyết để triển khai thực hiện. Đây cũng chính là cách tạo thêm nhiều việc làm, giảm cơ cấu lao động ngành nông nghiệp, tăng tỷ trọng ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trong cơ cấu kinh tế xã nhà. Từ những năm 2016 – 2017, chính quyền xã đã cung cấp thông tin, vận động Nhân dân địa phương đẩy mạnh sản xuất tiểu thủ công nghiệp, hàng thủ công mỹ nghệ từ nguyên liệu cây cói, cây bèo tây...
Để cải tiến mẫu mã hàng thủ công mỹ nghệ nhằm phù hợp với nhu cầu và thị hiếu thị trường, xã giao hội LHPN đi tìm hiểu các mô hình tương tự ở nhiều nơi, học tập kinh nghiệm về truyền đạt cho các hội viên. Chính quyền xã cũng đấu mối với Hội LHPN tỉnh để đào tạo nghề thủ công mỹ nghệ cho các phụ nữ địa phương. Bên cạnh đó, xã còn phối hợp với Công ty TNHH Đầu tư sản xuất và Thương mại Tiến Dũng ở huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình để mở lớp dạy nghề hàng thủ công mỹ nghệ cho hàng trăm lượt lao động trong xã. Đến nay, xã đã liên kết được với các doanh nghiệp sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ của tỉnh bạn để phát triển đại trà ở cả 8/8 thôn. Những cây bèo tây, sản phẩm cói truyền thống của địa phương đã trở thành nguyên liệu sản xuất các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, thành sản phẩm hàng hóa đưa đi các thị trường trong và ngoài nước. Các hoạt động se đay, quại cói, dệt chiếu cũng được tạo điều kiện và đang phát triển mạnh tại đây. Hiện toàn xã có hơn 500 máy se lõi, 50 máy se đay, hơn 200 lao động chuyên dệt chiếu. Trên địa bàn hiện có 5 cơ sở đại lý lớn chuyên thu mua các loại sản phẩm từ cây cói để nhập cho các doanh nghiệp tỉnh ngoài.
Thống kê từ UBND xã Nga Điền, hoạt động thủ công mỹ nghệ của xã hiện đang thu hút và giải quyết việc làm thường xuyên cho hơn 1.200 lao động địa phương. Các lao động nhận nguyên liệu về tranh thủ làm tại nhà, thu nhập bình quân đạt trên dưới 100 nghìn đồng/ngày, nhiều lao động kỹ thuật cao có thu nhập tới 200 đến 250 nghìn đồng/ngày. Thực tế đã cho thấy, các ngành nghề thủ công mỹ nghệ phù hợp với điều kiện, tình hình thực tế, có đầu ra khá ổn định, khơi dậy được tiềm năng phát triển của địa phương. Đây cũng chính là giải pháp hiệu quả để tạo thêm việc làm cho lao động nông nhàn, thất nghiệp tại xã giáp ranh này. Để tập hợp, dẫn dắt các hộ dân trong quá trình sản xuất và tìm thị trường đầu ra, năm 2018, đảng ủy, UBND xã đã giao hội LHPN xã thành lập các tổ hợp tác sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ để duy trì và mở rộng quy mô. Ngoài ra, xã cũng thu hút được 1 công ty may vào địa bàn, phát triển nhiều ngành nghề khác như sản xuất gạch không nung, nghề mộc, cơ khí, nhôm kính...
Cùng với đó, Nga Điền còn chú trọng phát triển các làng nghề theo hướng đa dạng hóa ngành nghề, nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp. Hiện nay, nghề nấu rượu của làng Chính Đại và làng Điền Hộ trong xã đã được Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa công nhận là nghề truyền thống. Đến nay, nghề này vẫn phát triển mạnh, giải quyết việc làm cho hơn 350 lao động địa phương với thu nhập bình quân từ 4 đến 5 triệu đồng/người/tháng, đóng góp tích cực cho phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của xã. Hiện giá trị các ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đang chiếm khoảng 25% trong cơ cấu kinh tế địa phương.
Vốn là xã thuần nông nên nông nghiệp vẫn được xác định là nền tảng quan trọng trong phát triển kinh tế địa phương. Những năm gần đây, xã khuyến khích nông dân dồn đổi ruộng đất, xây dựng các mô hình nông nghiệp quy mô lớn hơn, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao giá trị kinh tế trên cùng đơn vị diện tích. Trên địa bàn xã hiện có 10 gia trại tổng hợp cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Điển hình như các mô hình nuôi trồng thủy sản kết hợp chăn nuôi gia cầm của ông Đinh Văn Hồng (thôn 6), ông Trần Văn Thược (thôn 5); các vườn mẫu trồng cây ăn quả của ông Phạm Xuân Hà và ông Hoàng Văn Toại (thôn 6)... Với gần 490 ha đất nông nghiệp, đến nay sản lượng lương thực có hạt của xã đã vượt 5.000 tấn mỗi năm.
Từ tổng hợp các hoạt động kinh tế, trong 5 năm qua, tốc độ phát triển kinh tế hàng năm của xã luôn đạt từ 10 đến 14%. Xã đã đưa ra chỉ tiêu phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm xuống 0%, đời sống vật chất, tinh thần của người dân trong xã ngày càng nâng cao.