Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc La Hủ: Phải có cách làm mới, dài hơi
Những năm qua Đảng, Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách đầu tư hỗ trợ cho đồng bào các dân tộc ở Lai Châu, trong đó có đồng bào La Hủ. Các chính sách đã đảm bảo phủ kín mọi lĩnh vực đời sống, kinh tế, xã hội, góp phần làm thay đổi diện mạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói chung, trong đó có đồng bào dân tộc La hủ; một số cơ sở hạ tầng thiết yếu đã được đầu tư, đời sống của người dân từng bước được nâng lên. Tuy nhiên, một cách tổng thể, đời sống của đồng bào La Hủ vẫn còn rất nhiều khó khăn và đứng trước nguy cơ bị mai một.
Tỉ lệ hộ nghèo lên đến hơn 89%
Hiện, dân tộc La Hủ ở Lai Châu có 2.952 hộ dân, 12.316 khẩu cư trú ở 40 bản, thuộc 9 xã (Pa Vệ Sủ, Bum Tở, Nậm Khao, Mường Tè, Tá Bạ, Thu Lũm, Ka Lăng, Pa Ủ, Hua Bum) huyện Mường Tè trong đó có 1 bản xen ghép tại bản Chang Chảo Pá, xã Hua Bum. Đây là các xã thuộc khu vực miền núi, biên giới có điều kiện kinh tế khó khăn, địa hình chia cắt mạnh, đất canh tác ít, khí hậu khắc nghiệt. Đường giao thông đi lại khó khăn do độ dốc lớn, nhiều khe suối, vào mùa mưa hầu hết các bản bị cô lập với khu vực xung quanh. Từ huyện Mường Tè đến xã xa nhất khoảng 120km. Số bản có đường giao thông được cứng hóa là 33/61 bản, đạt 54,09% (còn 28 bản chủ yếu đất, đường tạm).
Các cơ sở hạ tầng khác còn rất hạn chế như trường học, trạm y tế, hệ thống thủy lợi, điện.... Trong đó, trường học đã dần được đầu tư kiên cố hóa, xong để đáp ứng được công tác dạy và học theo chương trình giáo dục phổ thông mới còn gặp nhiều khó khăn, các phòng nuôi ăn, ở của học sinh bán trú còn trật hẹp. Khoảng cách đi lại từ địa bàn dân tộc La Hủ đến trường học còn xa, đường xá đi lại hiểm trở, có nơi còn phải trèo đèo lội suối, đặc biệt là vào mùa mưa lũ rất nguy hiểm.
Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ cho sản xuất trên địa bàn các huyện nói chung và đồng bào dân tộc La Hủ nói riêng. Từ các chính sách hỗ trợ đồng bào các dân tộc La Hủ bước đầu đã dựa vào các tiềm năng lợi thế của địa phương tạo ra vùng sản xuất như quế, riềng, cây sa nhân, thảo quả dưới tán rừng và đặc biệt đưa một số cây có giá trị như Sâm Lai Châu vào trồng tại các xã Bum Tở, Pa Vệ Sủ, Tá Bạ…
Tuy nhiên, sự phát triển sản xuất nông nghiệp của đồng bào dân tộc La Hủ chưa phát huy được tiềm năng, thế mạnh của địa phương, chưa có dự án sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị, vẫn sản xuất theo nếp cũ, lạc hậu. Việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất còn thấp, không đem lại hiệu quả, không tái đàn được.
Trưởng phòng Dân tộc huyện Mường Tè Lý Văn Khung cho biết: “Vấn đề phát triển kinh tế -xã hội dân tộc La Hủ luôn là nỗi trăn trở của cấp ủy, đảng, chính quyền huyện Mường Nhé. Thực tế, dù được đầu tư rất nhiều nhưng đời sống người dân La Hủ hiện vẫn còn rất khó khăn. Nguyên nhân chủ yếu là do điểm xuất phát thấp, phong tục lạc hậu, sống phụ thuộc hoàn toàn vào thiên nhiên, đất canh tác ít. Bên cạnh đó, phần lớn người dân vẫn còn tư tưởng trông chờ vào Nhà nước mà không có ý chí tự lực vươn lên”. Tìm hiểu chúng tôi được biết, chính quyền và BĐBP Lai Châu đã cầm tay chỉ việc, thậm chí khai hoang ruộng, canh tác lúa nước làm mẫu cho bà con, xây dựng nhiều mô hình sinh kế nhưng hiệu quả không cao do không nhiều hộ làm theo.
Theo điều tra thống kê của Ban Dân tộc tỉnh Lai Châu, thu nhập bình quân đầu người năm 2021 của dân tộc La Hủ chỉ khoảng 15,9% triệu đồng/người/năm, bằng 35,81% thu nhập chung của tỉnh Lai Châu. Nhiều hộ chưa được sử dụng điện lưới quốc gia. Tính đến ngày 31/12/2021 dân tộc La Hủ có 2636/2952 hộ nghèo chiếm 89,3%. Nguyên nhân nghèo: Do trình độ dân trí thấp, dân cư sống không tập trung; thiếu đất canh tác; thiếu vốn sản xuất; đông người ăn theo; mắc các tệ nạn xã hội (sử dụng ma túy: thuốc phiện, heroin, nghiện rượu); không biết cách làm ăn…
Phải có cách làm mới, dài hơi
Với mục tiêu tìm ra những giải pháp nhằm thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập của đồng bào dân tộc La Hủ, thu hẹp khoảng cách với các dân tộc khác, mới đây, UBND tỉnh Lai Châu tổ chức Hội thảo về thực trạng và giải pháp phát triển kinh tế - xã hội trong vùng đồng bào dân tộc La Hủ trên địa bàn tỉnh. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lai Châu Tống Thanh Hải cho rằng phải kiên trì, thực hiện đồng bộ các giải pháp nhưng cách tiếp cận phải khác so với trước. Việc xây dựng đề án cho vùng đồng bào dân tộc La Hủ phải có cách làm mới, dài hơi. Trước hết phải làm chuyển biến ý thức hệ, tập quán, văn hóa, thể chất, sức khỏe của đồng bào 2 dân tộc. Hướng cho đồng bào cởi bỏ tính tự ti, khơi dậy lòng tự hào; khuyến khích phục dựng lại tết của đồng bào. Xây dựng được các mô hình kinh tế, những “thủ lĩnh” ở những vùng đồng bào 2 dân tộc.
Bàn về giải pháp phát triển kinh tế - xã hội dân tộc La Hủ, các chuyên gia cho rằng, trước hết phải đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống đồng bào dân tộc La Hủ. Cụ thể, nâng cấp, sửa chữa đảm bảo duy trì 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã được rải nhựa; 100% bản có đường ô tô đến trung tâm được cứng hóa; 100% số trường, lớp học và trạm y tế được nâng cấp, kiên cố hóa; 99% hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia; trên 98% dân số trong đồng bào được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; trên 95% đồng bào 2 dân tộc được xem truyền hình và nghe đài phát thanh.
Bên cạnh đó, phải tăng cường tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc La Hủ thực hiện phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu nông nghiệp nhằm phát huy lợi thế cây trồng, vật nuôi, xây dựng các liên kết bao tiêu sản phẩm cho người dân để khuyến khích sản xuất theo hướng phát triển hàng hóa gắn với thị trường. Tận dụng lợi thế về rừng và điều kiện đất đai tại địa phương, hỗ trợ phát triển cây trồng có giá trị cao phù hợp với lợi thế với từng bản, xã theo mô hình sản xuất liên kết với các doanh nghiệp, hợp tác xã nhằm phát triển các cây trồng có giá trị và xây dựng thương hiệu như cây tam thất, thảo quả, sâm, sa nhân,… ngoài ra hỗ trợ trồng cây cỏ thơm, riềng, nghệ và các cây dược liệu khác, nâng cao thu nhập cho người dân.
Một trong những giải pháp khác mà UBND tỉnh Lai Châu đưa ra là thực hiện các mô hình liên kết doanh nghiệp, hợp tác xã hoặc mỗi bản cần tìm một đầu tàu về kinh nghiệm làm ăn, vốn, khả năng tiếp cận nhanh và làm gương cho người khác trong thôn bản cách làm ăn với triển khai mô hình nhóm hộ. Tuyên truyền, khuyến khích, hỗ trợ các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, bảo vệ phát triển rừng vùng đồng bào dân tộc La Hủ sinh sống, nhằm giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.
Theo UBND tỉnh Lai Châu, giải pháp về nguồn vốn tránh tình trạng hỗ trợ bình quân, dàn trải, để tạo động lực đưa dân tộc La Hủ phát triển đòi hỏi phải có một nguồn lực riêng, đủ mạnh, ổn định. Huy động tối đa nguồn lực từ ngân sách nhà nước, ngân sách địa phương và thu hút các tổ chức, doanh nghiệp, hợp tác xã trong và ngoài huyện đến đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh tại vùng đồng bào dân tộc La Hủ.
Ngoài ra, cần đầu tư phát triển giáo dục, chú trọng công tác đào tạo nghề, tạo việc làm, tập trung nghiên cứu tư vấn, định hướng nghề nghiệp cho thanh niên, người trong độ tuổi lao động; chăm sóc sức khỏe. Bên cạnh đó, tập trung bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch: Bảo tồn và phát triển các giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của người La Hủ. Tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, truyền dạy văn hóa phi vật thể; hỗ trợ sưu tầm, phục dựng, bảo tồn, phát huy văn hóa phi vật thể có nguy cơ mai một; xây dựng các câu lạc bộ sinh hoạt văn hóa dân gian; hỗ trợ đầu tư xây dựng các điểm văn hóa gắn với du lịch ở vùng đồng bào dân tộc, La Hủ.
Đồng thời tập trung tuyền thông, vận động giải quyết các vấn đề xã hội như nghiện ma túy, nghiện rượu còn tồn tại dai dẳng, là nguyên nhân chính của đói nghèo; tuyên truyền ngăn chặn có hiệu quả hoạt động lợi dụng tự do tín ngưỡng, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, di dịch cư tự do.... Chú trọng tuyên truyền, bồi dưỡng kiến thức cho đối tượng những người hoạt động không chuyên trách ở bản, thanh niên tích cực; tuyên truyền để người dân hiểu nguyên nhân, tác hại dẫn đến suy giảm chất lượng dân số và bỏ các hủ tục lạc hậu, hôn nhân cận huyết thống, giảm thiểu tình trạng sinh con thứ ba,... bằng nhiều hình thức. Phấn đấu đến năm 2025 không còn tụ điểm phức tạp về ma túy, cơ bản không còn tảo hôn, hôn nhân cận huyết trong dân tộc La Hủ.