Phát triển kinh tế xanh bền vững từ mô hình du lịch trang trại
Mô hình kinh tế trang trại kết hợp du lịch sinh thái nông nghiệp hay còn gọi là du lịch trang trại đang trở thành xu hướng mới trong lĩnh vực du lịch bền vững. Mô hình này không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn thúc đẩy bảo tồn tài nguyên thiên nhiên.
Du lịch trang trại kết hợp giữa trải nghiệm du lịch và sự kết nối với nền nông nghiệp, văn hóa địa phương. Du lịch sinh thái nông nghiệp đã và đang thu hút được nhiều khách trong nước và quốc tế tham gia khám phá. Việc tiếp tục phát triển mô hình du lịch này là một trong những bước đi quan trọng hướng tới một tương lai du lịch bền vững hơn, không chỉ tại Việt Nam mà trên toàn cầu.
Hiện nay, nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trong khu vực và trên thế giới đã dựa vào các giá trị đặc trưng của nền nông nghiệp truyền thống kết hợp với khoa học công nghệ, sinh thái, nông nghiệp sạch để thu hút khách du lịch. Đồng thời thông qua khách du lịch tiêu thụ và tăng doanh thu cho các sản phẩm nông nghiệp. Tại Việt Nam, du lịch sinh thái nông nghiệp đang ngày càng phát triển, đặc biệt là ở những vùng nông thôn có tài nguyên thiên nhiên phong phú và văn hóa đặc sắc. Các tỉnh như Lâm Đồng, Đà Lạt, Đồng Nai và những vùng Tây Bắc đã triển khai nhiều mô hình du lịch trang trại kết hợp với sản xuất nông sản đặc trưng như chè, cà phê, dâu tây, hay hoa quả nhiệt đới.
Các địa phương cũng đã có những chủ trương, giải pháp nhằm đẩy mạnh hoạt động du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, giúp người dân tăng thu nhập, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình. Trong đó, một số mô hình du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng đã thu hút lượng lớn khách trong và ngoài nước đến tham quan, khám phá, trải nghiệm như: Mô hình du lịch cộng đồng Cồn Chim (Trà Vinh) tận dụng cảnh quan và không gian sông nước miệt vườn nguyên sơ để phát triển du lịch sinh thái nông nghiệp, nông thôn.
Với gần 65,6% dân số hiện sống ở khu vực nông thôn cùng lợi thế cảnh quan tươi đẹp, yên bình, lưu giữ nhiều giá trị văn hóa và lịch sử của dân tộc, đất nước Việt Nam có nhiều tiềm năng, thế mạnh trong phát triển du lịch gắn với nông nghiệp. Đặc biệt trong những năm gần đây, du khách trong và ngoài nước đang có xu hướng chọn các vùng nông thôn là điểm đến để trải nghiệm.
Khu vực nông thôn sở hữu nguồn tài nguyên tự nhiên và nhân văn phong phú, gắn với bản sắc văn hóa và tập quán canh tác lâu đời của Việt Nam, đây là yếu tố đầu vào quan trọng hình thành nên điểm đến và sản phẩm du lịch phục vụ du khách. Bên cạnh đó, trong bối cảnh diện tích đất nông nghiệp bị thu hẹp, ngoài việc tiếp tục thúc đẩy nông nghiệp thì cần đa dạng hóa ngành nghề sản xuất, kinh doanh dịch vụ. Trong đó phát triển du lịch gắn với sinh thái nông nghiệp là một hướng đi tất yếu, góp phần phát huy lợi thế, khai thác giá trị khác biệt của nông nghiệp, nông thôn.
Theo chia sẻ của GS.TS Bùi Quang Hải, Nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Đào tạo (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), phát triển du lịch sinh thái nông nghiệp là một hướng đi tiềm năng cho việc nâng cao giá trị kinh tế và bảo tồn những giá trị văn hóa nông thôn, chính vì thế cần được đầu tư phát triển rộng rãi. Song công tác phát triển loại hình du lịch này vẫn còn nhiều hạn chế, chưa phù hợp với tiềm năng lợi thế, đặc trưng của nhiều địa phương.
Thực trạng hiện nay về công tác quy hoạch du lịch nông nghiệp, nông thôn ở nhiều địa phương vẫn chưa hoàn chỉnh. Các văn bản quy phạm pháp luật riêng, hoặc các giải pháp ưu tiên thúc đẩy phát triển loại hình du lịch nông nghiệp chưa được ban hành cụ thể, từ đó dẫn đến mô hình du lịch này còn tự phát, manh mún… Phần lớn dịch vụ do các hộ gia đình, tổ hợp tác cung cấp ở mức độ đơn giản, chất lượng dịch vụ không đồng đều, nguồn khách không ổn định, nhiều còn nơi phát triển tự phát.
GS.TS Bùi Quang Hải cho rằng, để mô hình du lịch này phát triển, thời gian tới các địa phương cần rà soát, đánh giá các giá trị tài nguyên, thực trạng và tiềm năng phát triển du lịch nông thôn đặc trưng; có chính sách sử dụng quỹ đất, đầu tư hạ tầng, quản lý du lịch nông thôn trên cơ sở phù hợp quy hoạch vùng, địa phương, bảo đảm liên kết, kết nối các điểm đến theo hướng liên tỉnh, liên vùng.
Để mô hình du lịch sinh thái kết hợp nông nghiệp phát triển bền vững và hiệu quả, các cơ quan, ban ngành cần có sự quan tâm, nghiên cứu ban hành các chính sách đặc thù về những vấn đề pháp lý như quy hoạch đất đai, xây dựng hạ tầng, bảo vệ môi trường, quyền lợi của các bên liên quan và đảm bảo an toàn cho du khách. Việc xây dựng một khung pháp lý rõ ràng, đồng thời cung cấp hỗ trợ từ nhà nước, sẽ giúp du lịch nông nghiệp phát triển mạnh mẽ hơn trong tương lai.
Bên cạnh đó cần có cơ chế để tận dụng nguồn lực sẵn có của địa phương, bảo tồn văn hóa và môi trường, phát triển các mô hình du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, du lịch làng nghề gắn liền với thiên nhiên, bảo vệ môi trường.