Phát triển kinh tế xanh là mục tiêu mà mọi quốc gia hướng tới
Phát triển kinh tế xanh hiện là ưu tiên hàng đầu và mục tiêu mà mọi quốc gia hướng tới nhằm đạt được sự thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội.
Tăng trưởng xanh là chìa khóa của phát triển bền vững
Phát biểu tại Hội thảo khoa học quốc gia “Phát triển kinh tế xanh - Lý luận và thực tiễn” diễn ra ngày 26/6/2024, ông Phạm Gia Túc - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nam Định chia sẻ, Nam Định đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, ưu tiên thu hút các dự án lớn có công nghệ cao, kinh tế xanh, thân thiện với môi trường, đóng góp nhiều cho ngân sách Nhà nước.
Theo ông Phạm Gia Túc, quán triệt sâu sắc chủ trương của Đảng về tầm quan trọng của tăng trưởng xanh đối với sự phát triển của đất nước và của địa phương, trong quá trình phát triển kinh tế, Nam Định luôn chú trọng đến công tác bảo vệ môi trường, giảm thiểu nguy cơ ô nhiễm môi trường từ các làng nghề, kiểm soát chặt chẽ nguồn phát sinh khí thải tại các khu, cụm công nghiệp.
Đồng thời, Nam Định hướng tới xây dựng mô hình tăng trưởng theo hướng hiện đại, xanh, bền vững, đạt được các mục tiêu về ứng phó với biến đổi khí hậu và đặc biệt là thực hiện cam kết của Chính phủ Việt Nam tại Hội nghị Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu COP26.
Vừa qua, theo công bố đánh giá chỉ số xanh cấp tỉnh (PGI) do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ công bố vào tháng 5/2024, Nam Định đạt 27,75 điểm, tăng 15,35 điểm so với năm 2022; trong đó 3/4 chỉ số thành phần tăng điểm gồm giảm thiểu ô nhiễm và thiên tai, đảm bảo tuân thủ, chính sách khuyến khích và dịch vụ hỗ trợ.
Phát triển nền kinh tế xanh hướng đến mục tiêu vì con người, bảo đảm phúc lợi cao nhất, công bằng về mặt xã hội, hạn chế tối đa rủi ro cho môi trường, sinh thái, tôn tạo và phát triển hệ sinh thái tự nhiên đã trở thành xu hướng phát triển tất yếu trên thế giới hiện nay.
Ông Lê Quốc Minh - Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cho biết, phát triển kinh tế xanh hiện là ưu tiên hàng đầu và mục tiêu mà mọi quốc gia hướng tới nhằm đạt được sự thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội.
Tại Việt Nam, xây dựng nền kinh tế xanh đã được xác định là một trong những định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 - 2030. Cụ thể hóa chủ trương này, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 với mục tiêu tổng quát là tăng trưởng xanh góp phần thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nhằm đạt được thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội; hướng tới nền kinh tế xanh, trung hòa các-bon và đóng góp vào mục tiêu hạn chế sự gia tăng nhiệt độ trên toàn cầu.
Cần hoàn thiện hệ thống chính sách về phát triển kinh tế xanh
Tuy nhiên, thực tế phát triển kinh tế xanh hiện nay còn gặp nhiều rào cản như các cơ chế, chính sách, văn bản pháp luật cụ thể hướng tới thực hiện kinh tế xanh ở Việt Nam chưa được hoàn thiện, mới dừng ở việc đề xuất hướng tiếp cận, chủ yếu tập trung vào tăng trưởng xanh.
Bên cạnh đó, ý thức bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường chưa cao, vấn đề tài chính, nguồn vốn cho thực hiện mục tiêu xây dựng và phát triển kinh tế xanh còn thiếu, công nghệ sản xuất ở Việt Nam so với thế giới phần lớn là công nghệ cũ, tiêu hao năng lượng lớn, xử lý chất thải kém dẫn đến hiệu quả sản xuất thấp.
Các ngành sản xuất năng lượng sạch, như gió, mặt trời... phát triển chưa đủ mạnh để đáp ứng được nhu cầu năng lượng quốc gia. Bên cạnh đó, Việt Nam là một trong những quốc gia chịu tác động nặng nề nhất của biến đổi khí hậu. Vì vậy, lộ trình xây dựng nền kinh tế xanh trong bối cảnh biến đổi khí hậu còn gặp nhiều khó khăn, thách thức...
Theo Phó giáo sư, tiến sĩ Vũ Trọng Lâm, Giám đốc - Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, để tiếp tục thúc đẩy phát triển kinh tế xanh hiệu quả, Việt Nam cần hoàn thiện hệ thống chính sách về phát triển kinh tế xanh đồng bộ, tạo điều kiện thuận lợi cho sự tham gia của doanh nghiệp, người dân vào nền kinh tế xanh.
Đồng thời, phát huy trách nhiệm và thay đổi hành vi sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng của doanh nghiệp, người dân theo hướng “xanh hóa”, bền vững và thân thiện với môi trường, nhằm góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, phục hồi tài nguyên và hệ sinh thái.
Ông Lại Xuân Môn - Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương cho rằng, 5 nhóm giải pháp để tiếp tục thúc đẩy phát triển kinh tế xanh hiệu quả trong thời gian tới là tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách về phát triển kinh tế xanh đồng bộ, hiệu quả; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cơ quan quản lý, doanh nghiệp, người dân về lợi ích của việc chuyển đổi sang mô hình kinh tế xanh và những yêu cầu để phát triển kinh tế xanh ở Việt Nam.
Đồng thời, xây dựng chiến lược tổng thể về phát triển kinh tế xanh theo từng giai đoạn phát triển của đất nước theo hướng phát triển bền vững, xây dựng cơ cấu kinh tế xanh với ba trụ cột: nông nghiệp - công nghiệp - dịch vụ thích ứng với xu thế biến đổi khí hậu; huy động tối đa và phân bổ hợp lý các nguồn lực trong và ngoài nước vào quá trình chuyển dịch sang tăng trưởng xanh; đào tạo và phát triển nguồn nhân lực phục vụ cho chuyển đổi xanh, tăng trưởng xanh.