Phát triển kinh tế, XDNTM vùng dân tộc thiểu số, miền núi Thanh Hóa

Từ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền địa phương và đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS), diện mạo khu vực miền núi, vùng DTTS tỉnh Thanh Hóa ngày một khởi sắc.

Điểm du lịch Thác Mây (xã Thạch Lâm) thu hút đông đảo khách du lịch, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH huyện Thạch Thành. Ảnh: Ngọc Huấn

Điểm du lịch Thác Mây (xã Thạch Lâm) thu hút đông đảo khách du lịch, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH huyện Thạch Thành. Ảnh: Ngọc Huấn

Người có uy tín góp phần XDNTM

Những năm qua lực lượng người có uy tín, già làng, trưởng thôn, bản, trưởng dòng họ tại vùng đồng bào DTTS và miền núi luôn tiên phong trong việc tìm hiểu, đổi mới phương thức sản xuất, kinh doanh nhằm khai thác, phát huy tiềm năng, thế mạnh về đất đai, khí hậu của địa phương. Đặc biệt, lực lượng người có uy tín, già làng, trưởng dòng họ luôn gương mẫu trong các phong trào vận động XDNTM, tích cực tham gia tuyên truyền, vận động Nhân dân hiến đất, giải phóng mặt bằng để mở rộng các tuyến đường, xây dựng nhiều công trình phúc lợi; đóng góp sức người, sức của để phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) tại địa phương. Tiêu biểu là những người như: bà Đinh Thị Na, khu phố Chiềng Trải, thị trấn Lang Chánh (Lang Chánh); ông Lê Văn Quân, thôn Minh Tiến, xã Ngọc Sơn (Ngọc Lặc); ông Lò Thanh Bình, thôn Ngòi, xã Xuân Hòa (Như Xuân); ông Lục Văn Thành, thôn Vĩnh Lợi, xã Hải Long (Như Thanh)...

Tại thôn Vĩnh Lợi, xã Hải Long, huyện Như Thanh, người dân quý mến và dành nhiều lời khen ngợi cho ông Lục Văn Thành, người có uy tín của thôn. Ông Thành là người luôn tích cực, gương mẫu tham gia mọi mặt phong trào của thôn, trong đó có phong trào XDNTM, NTM kiểu mẫu. Ông luôn tích cực vận động Nhân dân hiến đất mở rộng đường giao thông, chỉnh trang nhà cửa, cổng ngõ, tường rào, xây dựng các công trình phụ hợp vệ sinh, cải tạo vườn tạp, mua thẻ bảo hiểm y tế tự nguyện, sử dụng nước sạch tập trung. Trực tiếp vận động, viết thư kêu gọi con em sinh sống, công tác xa quê, công chức, viên chức sinh sống tại thôn ủng hộ tiền góp phần xây dựng các hạng mục công trình công cộng của thôn... Hiện thôn Vĩnh Lợi đã xây dựng đường điện thắp sáng, xây dựng đường bê tông đến các nhóm hộ; cổng, sân, tường rào, nội thất nhà văn hóa thôn được chỉnh trang. Từ sự chung sức, đồng lòng của các tầng lớp Nhân dân, nhất là người dân vùng DTTS, huyện Như Thanh đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trong phát triển KT-XH, XDNTM. Sau gần 14 năm XDNTM, KT-XH của huyện có bước phát triển nhanh, bền vững, đời sống người dân nâng lên. Thu nhập bình quân đầu người năm 2023 đạt trên 47,5 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 3,72%. Huyện Như Thanh đang phấn đấu đạt chuẩn NTM vào cuối năm 2024.

Tại thôn Minh Tiến, xã Ngọc Sơn, huyện Ngọc Lặc, ông Lê Văn Quân, bí thư chi bộ, trưởng ban công tác mặt trận, người có uy tín, với nhiều kinh nghiệm, cách làm sáng tạo trong vận động Nhân dân chung tay XDNTM, đã giúp đưa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, các phong trào thi đua yêu nước đi vào cuộc sống. Năm 2017 thôn thoát khỏi thôn đặc biệt khó khăn và năm 2019 về đích thôn NTM, năm 2021 đạt NTM nâng cao. Phát huy vai trò của mình, ông Quân tiếp tục vận động mọi nhà, mọi người chung sức hiến đất mở rộng đường, chỉnh trang khuôn viên nhà văn hóa, làm khu vui chơi cho các cháu nhỏ góp phần xây dựng thôn NTM kiểu mẫu. Hiện nay, thôn Minh Tiến không còn hộ nghèo.

Đổi thay trong vùng DTTS và miền núi

Tại huyện miền núi Thạch Thành có 2 dân tộc chủ yếu là Kinh, Mường, trong đó dân tộc Mường chiếm 54,1%. Những năm qua, KT-XH của huyện có nhiều phát triển, duy trì tăng trưởng khá, các chương trình, dự án, chính sách dân tộc trong vùng đồng bào DTTS luôn được các cấp ủy đảng, chính quyền quan tâm triển khai thực hiện có hiệu quả. Huyện từng bước hoàn thiện các cụm công nghiệp thu hút doanh nghiệp, nhà đầu tư như: cụm công nghiệp thị trấn Vân Du, Thạch Bình, các dự án nhà máy may Thạch Quảng, Đồng Khanh - Thành Thọ. Các điểm du lịch Thác Mây, hang Con Moong, dự án khu du lịch và nghỉ dưỡng sinh thái suối khoáng nóng Thành Minh; các dự án trồng cây ăn quả cam, bưởi, ổi, bơ công nghệ cao tại thị trấn Vân Du, xã Thành Tâm và xã Thành Tân... đã tạo việc làm cho hàng nghìn lao động ở các xã, thị trấn vùng đồng bào DTTS.

Các chương trình mục tiêu quốc gia như XDNTM, giảm nghèo bền vững, phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn huyện đang được tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả các nội dung như hỗ trợ làm nhà ở, nước sinh hoạt phân tán cho hộ nghèo; các chính sách hỗ trợ sản xuất, đa dạng sinh kế. Đến nay, tỷ lệ đường giao thông đến trung tâm xã được cứng hóa đạt 100%; tỷ lệ thôn có đường giao thông đến khu trung tâm được cứng hóa đạt trên 90%; tỷ lệ dân số sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 98%. Năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí mới giảm còn 4,38%, số hộ nghèo và tỷ lệ hộ nghèo là người DTTS bình quân hàng năm giảm nhanh hơn mức bình quân chung toàn huyện. Nhiều xã, thị trấn vùng DTTS đã phát huy được khối đại đoàn kết các dân tộc, khắc phục khó khăn để thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ, phát triển KT-XH, XDNTM. Tiêu biểu như xã Thạch Quảng, thị trấn Vân Du đã tập trung phát triển công nghiệp, thương mại - dịch vụ; xã Thạch Lâm bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống gắn với khai thác phát triển du lịch; các xã: Thành Tâm, Thành Tân, Thành Công, Thạch Quảng và thị trấn Vân Du... phát triển cây ăn quả ứng dụng công nghệ cao; các xã: Thành Thọ, Thạch Đồng, Ngọc Trạo, Thành An, Thành Trực, Thạch Sơn, Thạch Bình XDNTM hiệu quả; các xã: Thạch Cẩm, Thành Yên, Thành Mỹ... tập trung phát triển sản xuất mía nguyên liệu cánh đồng lớn. Từ đó, xuất hiện nhiều cá nhân có thành tích, là gương sáng trong phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, XDNTM, giữ gìn an ninh trật tự, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh. Nhiều xã vùng DTTS đã phát huy lợi thế, lựa chọn, xây dựng các sản phẩm đặc trưng của địa phương trở thành sản phẩm OCOP, tiêu biểu như mật ong rừng, mía Kim Tân, nếp hạt cau Mường Đủ, mật mía Đồng Hương Thạch Sơn...

Có thể khẳng định, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhưng tình hình KT-XH của vùng DTTS và miền núi trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa tiếp tục có những chuyển biến tích cực. Những năm qua, cùng với nguồn vốn Trung ương, nguồn vốn tỉnh hỗ trợ XDNTM, nguồn vốn lồng ghép các chương trình, dự án và huy động các nguồn lực khác, các địa phương đã tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng mới, nâng cấp, cải tạo hệ thống kết cấu hạ tầng. Kết quả đầu tư các công trình hạ tầng KT-XH đã góp phần nâng cao chất lượng các hoạt động văn hóa - xã hội khu vực nông thôn, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa, giữ gìn phong tục, tập quán tốt đẹp, văn hóa đặc trưng của các dân tộc, các địa phương. Công tác y tế dự phòng và khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho Nhân dân tại tuyến y tế cơ sở được tăng cường. Hiện nay, 100% thôn, bản vùng DTTS và miền núi có điện lưới quốc gia. Cơ sở vật chất, trang thiết bị của các trung tâm y tế huyện, trạm y tế xã được đầu tư nâng cấp. Thiết chế văn hóa - thể thao, nhất là nhà văn hóa - khu thể thao thôn, bản tiếp tục được hoàn thiện. Tỷ lệ thôn, bản có nhà văn hóa - khu thể thao đạt 82,2%; tỷ lệ làng, thôn, bản, khu phố được công nhận danh hiệu khu dân cư văn hóa đạt 74,6%. Lũy kế đến hết ngày 30/6/2024, 11 huyện miền núi có 68 xã, 691 thôn, bản đạt chuẩn NTM, 8 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 1 xã và 58 thôn, bản đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; bình quân đạt 13,83 tiêu chí/xã. Đã có 122 sản phẩm OCOP khu vực miền núi đạt 3 sao trở lên, trong đó có 1 sản phẩm 4 sao.

Ngọc Huấn

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/phat-trien-kinh-te-xdntm-vung-dan-toc-thieu-so-mien-nui-thanh-hoa-32795.htm