Phát triển làng nghề gắn với bảo vệ môi trường

BHG - Hiện nay, toàn tỉnh có 41 làng nghề và làng nghề truyền thống (LNTT); trong đó, nhiều nghề truyền thống được phục hồi, phát triển thịnh vượng không chỉ giải quyết việc làm cho người lao động mà còn hội tụ giá trị văn hóa đa dạng, độc đáo của 19 dân tộc trên dải đất biên cương cực Bắc Tổ quốc. Bởi vậy, ngoài việc khôi phục, bảo tồn, gìn giữ và phát huy tinh hoa văn hóa dân tộc, tỉnh ta đặc biệt quan tâm vấn đề bảo vệ môi trường (BVMT) tại các làng nghề, coi đây là hoạt động có ý nghĩa “sống còn” trong tiến trình phát triển bền vững của tỉnh.

Kỹ thuật làm giấy Bản tại Làng nghề truyền thống giấy Bản dân tộc Dao thôn Thanh Sơn, thị trấn Việt Quang (Bắc Quang) được vinh danh Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.

Kỹ thuật làm giấy Bản tại Làng nghề truyền thống giấy Bản dân tộc Dao thôn Thanh Sơn, thị trấn Việt Quang (Bắc Quang) được vinh danh Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.

Ngày 25.11.2010 đánh dấu sự ra đời của 4 làng nghề, LNTT đầu tiên trên địa bàn tỉnh (theo Quyết định 3766 của UBND tỉnh) gồm: LNTT nấu rượu thóc Nàng Đôn, xã Nàng Đôn (Hoàng Su Phì); dệt thổ cẩm dân tộc Tày, xã Xuân Giang (Quang Bình); dệt thổ cẩm dân tộc Pà Thẻn, xã Tân Bắc (Quang Bình); Làng nghề Dệt thổ cẩm thôn Lùng Tao, xã Cao Bồ (Vị Xuyên). Hiện, tại 10/11 huyện, thành phố (trừ huyện Yên Minh) có tổng số 37 làng nghề và 4 LNTT được công nhận với 5 nhóm ngành: Chế biến lương thực, thực phẩm (chiếm 46,34%); dệt, nhuộm may mặc (chiếm 29,27%); thủ công mỹ nghệ (17,07%), nghề cơ kim khí (4,88%), sản xuất giấy Bản (2,44%). Các làng nghề tập trung nhiều nhất ở 3 huyện: Đồng Văn (8 làng nghề), Quang Bình (6 làng nghề), Bắc Quang (7 làng nghề). Các nghề thủ công khá phong phú ở nhiều lĩnh vực như: Mây tre đan, chế biến chè, nấu rượu, làm bánh chưng, dệt thổ cẩm, chổi chít, đan lát, chế tác khèn Mông, rèn đúc nông cụ, sản xuất giấy Bản...

Hiện nay, tổng nguồn nhân lực sẵn có trong các làng nghề lên đến hơn 4.300 người. Nhiều làng nghề phát triển hưng thịnh đã tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương. Trung bình, mỗi hộ sản xuất có từ 2 – 3 lao động là người trong gia đình và thuê thêm hàng chục lao động vào thời gian cao điểm sản xuất, kinh doanh, nâng tổng số lao động thuê thêm trong các làng nghề lên hơn 700 người. Điển hình như: LNTT giấy Bản dân tộc Dao thôn Thanh Sơn, thị trấn Việt Quang (Bắc Quang) có gần 100 hộ sản xuất giấy Bản với sản lượng 38.500 bục giấy/năm, tạo doanh thu lên đến 7,7 tỷ đồng/năm. Còn Làng nghề sản xuất bánh chưng Gù, xã Ngọc Đường (thành phố Hà Giang) có 15 hộ hoạt động sản xuất; trung bình một tháng, mỗi hộ sản xuất khoảng 2.000 chiếc bánh, tạo thu nhập từ 25 – 30 triệu đồng/hộ... Không chỉ tạo ra nguồn thu nhập ổn định, các làng nghề còn là nơi hội tụ và kết tinh những nét văn hóa đặc trưng, “chiếc nôi” của công nghệ truyền thống. Mỗi sản phẩm của làng nghề được làm ra bởi sự sáng tạo, khéo léo của nghệ nhân. Nhiều sản phẩm làng nghề, nhất là hàng dệt, nhuộm may mặc, thủ công mỹ nghệ đã đạt đến trình độ tinh xảo, độc đáo, tính mỹ thuật cao, tạo thành sản phẩm hút khách du lịch như: Dệt thổ cẩm, dệt Lanh, đan Quẩy tấu, chế tác khèn Mông...

Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn: Mặc dù các làng nghề trên địa bàn tỉnh đã, đang được khôi phục, tạo đà phát triển nhưng vẫn còn không ít hạn chế như: Trình độ quản lý, tay nghề lao động không cao; số lao động đã qua đào tạo chỉ chiếm hơn 10% trong tổng số lao động ở làng nghề. Công nghệ sản xuất chưa đáp ứng so với yêu cầu phát triển; chất lượng sản phẩm không đồng đều; hình thức tổ chức sản xuất còn phân tán, thiếu liên kết đã hạn chế khả năng phát triển của ngành nghề nông thôn... Mặt khác, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật, các chương trình, kế hoạch để triển khai thực hiện chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về quản lý, BVMT tại các làng nghề; tuy nhiên, thực tiễn vẫn còn không ít hạn chế. Theo kết quả mới đây của Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) trong thực hiện nhiệm vụ điều tra, phân loại làng nghề theo mức độ ô nhiễm môi trường cho thấy: Chỉ có 12/41 làng nghề xây dựng phương án BVMT làng nghề (theo Khoản 1, Điều 56, Luật BVMT). Số làng nghề chưa có phương án BVMT còn rất lớn, chiếm đến 70,74% tổng số làng nghề. Đặc biệt, có đến 4 làng nghề gây ô nhiễm môi trường nước mặt gồm: Làng nghề Dệt thổ cẩm Nùng U, xã Nấm Dẩn (Xín Mần); LNTT nấu rượu thóc Nàng Đôn (Hoàng Su Phì); Làng nghề nấu rượu ngô men lá Phú Nam, Làng nghề nấu rượu ngô men lá Bản Lạn, thị trấn Yên Phú (Bắc Mê).

Thực tế cho thấy, phát triển làng nghề, LNTT đã trở thành một trong những định hướng quan trọng của cấp ủy, chính quyền tỉnh nhằm thực hiện chiến lược công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đổi mới diện mạo nông thôn. Theo đó, để duy trì và phát triển làng nghề, các cấp, ngành đã, đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp như: Tăng cường quản lý làng nghề; thực hiện lồng ghép các nguồn kinh phí hỗ trợ và đầu tư cho phát triển làng nghề; hỗ trợ mở rộng quy mô và đa dạng mẫu mã gắn với quảng bá, tiêu thụ sản phẩm; chú trọng đào tạo nghề cho lao động vùng nông thôn nhằm giúp người dân nâng cao trình độ tay nghề, tạo ra nhiều sản phẩm có chất lượng và mang tính độc đáo riêng có của mỗi làng nghề. Đặc biệt, căn cứ kết quả thực hiện nhiệm vụ, quy định của pháp luật về BVMT, Sở TN&MT đã đề xuất UBND tỉnh xem xét chỉ đạo Sở Nông nghiệp và PTNT: Từ năm 2023, không trình UBND tỉnh quyết định công nhận làng nghề khi các làng nghề không đáp ứng yêu cầu về BVMT. Đồng thời, thu hồi bằng công nhận đối với làng nghề không bảo đảm các yêu cầu về BVMT theo quy định.

Bài, ảnh: THU PHƯƠNG

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/kinh-te/202305/phat-trien-lang-nghe-gan-voi-bao-ve-moi-truong-dfc350f/