Phát triển liên kết vùng - hướng đi đúng

Năm 2019 khép lại, Bình Thuận đã đạt được nhiều chỉ tiêu chủ yếu, có những chỉ tiêu cao nhất từ trước đến nay, như nhận định của Tỉnh ủy, UBND tỉnh. Không thỏa mãn với kết quả đạt được, bằng lòng với những gì đã có sẽ khó thúc đẩy kinh tế - xã hội tỉnh nhà phát triển mạnh hơn trong thời gian đến. Chính vì vậy, nhiệm vụ chung trong năm nay, tỉnh ta xác định: Thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp chiến lược, tạo chuyển biến rõ nét trong cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng thực chất hơn, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm của tỉnh; tăng cường quản lý đất đai, tài nguyên, khoáng sản. Phấn đấu thực hiện đạt kết quả cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 đã đề ra.

Phát triển liên kết vùng - hướng

Bình Thuận hiện đang hình thành các “trục” kinh tế, trải dài từ các huyện phíabắc đến phíanam của tỉnh. Nếu như các hạn chế trước đây của vùng Bắc Bình, Tuy Phong như nắng hạn thường xuyên, thiếu nước nhưng lại có lợi thế về gió, năng lượng mặt trời. Biến điều bất lợi thành tiềm năng lợi thế, Bình Thuận sẽ tập trung liên kết vùng không chỉ trong tỉnh mà còn mở rộng đến các tỉnh lân cận để phát triển. Theo đó, khu vực phía Bắc của tỉnh: Bên cạnh việc phát triển năng lượng điện gió, điện mặt trời, nhiệt điện, tập trung xây dựng cải tạo cơ sở hạ tầng, phát huy hiệu quả Cảng quốc tế Vĩnh Tân, phát triển các khu, cụm công nghiệp, đẩy mạnh lưu thông, liên kết giữa vùng với các tỉnh: Ninh Thuận, Lâm Đồng, Đắk Lắk, Đắk Nông.

Ở phíanam, các huyện Hàm Thuận Nam, Hàm Tân, thị xã La Gi hiện đang sôi động với nhiều dự án về công nghiệp, dịch vụ, du lịch nghỉ dưỡng hứa hẹn thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho toàn vùng này. Do đó, đối với khu vực phía Nam của tỉnh: Phát triển khu công nghiệp Tân Đức, Sơn Mỹ và Khu công nghiệp đô thị - dịch vụ, xây dựng hạ tầng kết nối Bình Thuận với các tỉnh: Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước và Tây Ninh là hướng đi mà tỉnh ta đã quyết định chọn. Để thúc đẩy các “trục” kinh tế ở 2 vùng trên, bên cạnh các nguồn vốn đầu tư từ ngân sách thì việc huy động các nguồn lực đầu tư khác phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, kết nối liên kết vùng, vừa chú trọng đúng mức phát triển theo chiều sâu, hình thành rõ nét những vùng động lực phát triển kinh tế của tỉnh như: Đầu tư nâng cấp tuyến quốc lộ 28, quốc lộ 28B, tuyến quốc lộ 55; đầu tư hoàn chỉnh sân bay Phan Thiết, đường cao tốc Bắc – Nam, phát huy Cảng quốc tế Vĩnh Tân tạo ra hành lang kinh tế Đông – Tây kết nối tỉnh Bình Thuận với vùng Đông Nam bộ, Tây nguyên và Nam Trung bộ.

Riêng các khu vực đồng bằng ven biển, miền núi, vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, hải đảo tập trung phát triển hài hòa các vùng. Trong đó, phát triển bền vững kinh tế biển và có đóng góp quan trọng vào kinh tế của tỉnh, kiểm soát tốt khai thác tài nguyên biển trong khả năng phục hồi của hệ sinh thái biển. Tiếp tục triển khai thực hiện tốt Chương trình phát triển đô thị (đô thị biển, đô thị trung tâm, đô thị miền núi, đô thị nông thôn). Tiếp tục triển khai thực hiện tốt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; phát triển toàn diện dân sinh, kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tiếp tục xây dựng và phát triển toàn diện huyện Phú Quý trong chiến lược phát triển kinh tế, phòng chống biển xâm thực gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Chủ trương đã có, quyết tâm hành động từ những ngày đầu năm mới của tất cả các cấp, các ngành sẽ tạo động lực mới cho Bình Thuận bứt phá trong năm 2020.

Như NguyỄn

Nguồn Bình Thuận: http://baobinhthuan.com.vn/kinh-te/phat-trien-lien-ket-vung-huong-di-dung-123872.html