Phát triển lúa nước ở Hướng Sơn

Những năm gần đây, tận dụng điều kiện thuận lợi về khí hậu và thổ nhưỡng, được sự hỗ trợ của các cấp, các ngành và địa phương, xã Hướng Sơn (Hướng Hóa) đã khuyến khích người dân đầu tư, phát triển cây lúa nước và mang lại hiệu quả kinh tế khá cao. Qua đó, đảm bảo lương thực tại chỗ, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần xóa đói giảm nghèo bền vững, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

 Nhờ trồng lúa nước, người dân Hướng Sơn đã chủ động được nguồn lương thực - Ảnh: N.T

Nhờ trồng lúa nước, người dân Hướng Sơn đã chủ động được nguồn lương thực - Ảnh: N.T

Hướng Sơn là xã vùng đặc biệt khó khăn với 98% dân số là người dân tộc Vân Kiều, kinh tế gia đình của phần lớn người dân phụ thuộc vào nông nghiệp. Trước đây, người dân ở Hướng Sơn sống chủ yếu dựa vào lúa rẫy. Do phương thức canh tác truyền thống “phát, đốt, cốt, trỉa” nên chất lượng và năng suất cây trồng rất thấp, người dân không chủ động được nguồn lương thực. Vì vậy, tình trạng thiếu đói, nhất là vào mùa giáp hạt xảy ra thường xuyên nơi đây. Thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi của huyện và tỉnh, xã Hướng Sơn đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân tập trung ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, thay thế những loại cây trồng, con nuôi năng suất, chất lượng kém sang những loại giống cây, con mới, phù hợp với điều kiện trồng trọt, chăn nuôi của địa phương, đem lại hiệu quả cao hơn. Trong đó, lấy cây lúa nước làm cây trồng chủ lực, từ đó giảm dần và hướng tới bỏ hẳn diện tích lúa rẫy, xem đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm để giúp người dân xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống.

Mặc dù địa hình đồi núi rất khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn nước ổn định cho phát triển lúa nước nhưng với quyết tâm đẩy lùi đói nghèo, lạc hậu, người dân Hướng Sơn tích cực tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc lúa nước; đồng sức, đồng lòng cùng với chính quyền địa phương xây dựng kênh mương dẫn nước, từng bước áp dụng những kiến thức học hỏi được vào sản xuất. Nhờ vậy, từ chỗ chỉ vài hộ tham gia trồng thử nghiệm lúa nước, nhận thấy mô hình sản xuất này cho hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều lần so với trồng lúa rẫy, nhiều người dân trong xã đã tập trung phát triển cây lúa nước. Đến nay, gần 100% số hộ đồng bào dân tộc Vân Kiều trong xã có ruộng lúa nước với loại giống đưa vào sản xuất chủ yếu là Thiên Ưu 8 và Bắc Thơm 7. Đây là giống lúa ít sâu bệnh, cho năng suất lúa vượt trội, chất lượng gạo dẻo, thơm ngon. Những hộ dân tiên phong làm lúa nước đến nay đã ổn định diện tích và năng suất như gia đình ông Hồ Văn Tri ở thôn Nguồn Rào Pin 1 có 1 ha; gia đình ông Hồ Văn Liên ở thôn Ra Ly Rào 1 có 2 ha; gia đình ông Hồ Văn Voang ở thôn Trĩa 1 có 2,5 ha… Mỗi vụ thu hoạch, các hộ gia đình này đều thu về từ 3 - 6 tấn lúa. Ông Hồ Văn Voang, thôn Trĩa phấn khởi cho biết: “Trước đây, gia đình tôi nhiều đời làm lúa rẫy, quanh năm vất vả nhưng vẫn không đủ ăn. Từ khi được chính quyền địa phương quan tâm hỗ trợ kỹ thuật, giống để làm lúa nước đến nay, chúng tôi yên tâm hơn vì luôn đảm bảo được nguồn lương thực. Do đó, ai cũng quyết tâm bám đất, duy trì trồng cây lúa nước để có cuộc sống tốt hơn, không phải lo thiếu đói nữa”.

Vì điều kiện kinh tế của người dân còn rất khó khăn nên hằng năm, xã Hướng Sơn đề xuất cấp trên hỗ trợ giống, phân bón, nhất là các bộ giống cho năng suất, chất lượng cao, giúp bà con sản xuất thuận lợi hơn. Thông qua các chương trình, dự án và nguồn vốn nhà nước đầu tư, hệ thống kênh mương thủy lợi trên địa bàn xã được xây dựng và tu bổ, nâng cấp, đảm bảo việc dẫn nước về phục vụ tưới tiêu nên đồng ruộng luôn tốt tươi. Nhờ chăn nuôi phát triển với tổng đàn gia súc, gia cầm trên 6.700 con nên người dân trong xã chủ động được nguồn phân chuồng để bón cho cây lúa. Diện tích lúa nước của Hướng Sơn do đó liên tục được mở rộng qua từng năm, đặc biệt năm 2019 đạt trên 200 ha, trở thành địa phương có diện tích lúa nước lớn nhất huyện Hướng Hóa. Được hướng dẫn về khoa học kỹ thuật kỹ càng, tư vấn giống lúa phù hợp cùng với việc người dân chăm chỉ làm lúa nước nên năng suất, chất lượng lúa ở Hướng Sơn luôn đạt khá cao. Tuy nhiên, năm 2020 do các đợt mưa lũ làm đất đá bồi lấp, hư hại nhiều diện tích cây trồng trên địa bàn xã, riêng lúa nước giảm hơn 50 ha. Mặc dù vậy, người dân nơi đây vẫn quyết tâm vừa khắc phục diện tích lúa bị hư hại vừa duy trì sản xuất. Vụ đông xuân 2020 - 2021, năng suất lúa ước đạt 3,4- 5 tấn/ha, sản lượng thu được 470 tấn.

Ông Lê Trọng Tường, Chủ tịch UBND xã Hướng Sơn cho biết: “Thời gian qua, lúa nước được xác định là loại cây trồng chủ lực của địa phương. Năm 2020 do ảnh hưởng của thiên tai nên diện tích lúa bị giảm hơn 50 ha, hệ thống kênh mương thủy lợi bị hư hỏng nhiều. Sau lũ lụt, địa phương đã chỉ đạo, hướng dẫn người dân khắc phục hậu quả để tiếp tục mở rộng diện tích trồng lúa nước. Từ đầu năm 2021 đến nay đã tiến hành khai hoang mới gần 5 ha. Thời gian tới, Hướng Sơn tiếp tục huy động mọi nguồn lực để khắc phục hậu quả thiên tai, giúp người dân ổn định sản xuất, nâng cao đời sống. Cử cán bộ kỹ thuật về tận chân ruộng hướng dẫn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật trồng lúa nước. Chú trọng sử dụng các loại giống lúa mới có năng suất, chất lượng phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương. Bên cạnh đó, vận động Nhân dân khai hoang mở rộng diện tích trồng thêm các loại hoa màu, đặc biệt là rau sạch; chuyển đổi một số diện tích sắn sang trồng cà phê; tăng cường nguồn lực đầu tư trồng rừng. Đồng thời, đề nghị các cấp quan tâm hỗ trợ xây dựng, sửa chữa hệ thống kênh mương, đảm bảo cho người dân sản xuất lúa nước, góp phần đảm bảo các tiêu chí xây dựng nông thôn mới của địa phương”.

Ngọc Trang

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=159254&title=phat-trien-lua-nuoc-o-huong-son