Phát triển Lý Sơn thành điểm du lịch xanh
Đó là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Lý Sơn trong 5 năm đến. Để đạt mục tiêu đó, Lý Sơn đang tranh thủ các nguồn lực đầu tư, đưa ra nhiều giải pháp để phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn của huyện.Tăng cường xử lý tình trạng chèo kéo khách du lịch
Nhiều khởi sắc
Được ví như “thiên đường giữa biển”, Lý Sơn được thiên nhiên ban tặng cho cảnh quan thiên nhiên độc đáo với sự hòa quyện giữa núi, biển và hàng trăm danh lam, thắng cảnh, di tích lịch sử, văn hóa. Bên cạnh đó, Lý Sơn còn lưu giữ được nhiều lễ hội đặc sắc như lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa, hội đua thuyền, lễ hội đình làng An Hải...
Du khách tham quan tại cổng Tò Vò (Lý Sơn).
Với những tiềm năng trên, trong những năm qua, Lý Sơn đã chú trọng đầu tư phát triển du lịch để ngành này thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Trong đó, huyện tập trung đầu tư phát triển hạ tầng du lịch; tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, du lịch, nhất là tổ chức thành công Tuần lễ văn hóa du lịch Lý Sơn trong các năm 2018, 2019. Ngoài ra, huyện còn phối hợp với Sở VH-TT&DL tổ chức một số hoạt động thể thao quy mô cấp quốc gia, quốc tế tại huyện đảo, thu hút số lượng lớn du khách trong và ngoài nước.
Mô hình du lịch cộng đồng ở Lý Sơn đang phát triển mạnh. Toàn huyện hiện có 129 cơ sở kinh doanh lưu trú đang hoạt động, trong đó có 11 khách sạn, 52 nhà nghỉ, gần 70 hộ kinh doanh dịch vụ homestay... Các cơ sở lưu trú ngày càng được đầu tư hiện đại, các dịch vụ ăn uống, lưu trú, cửa hàng, phương tiện vận chuyển phát triển phong phú, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của người dân và du khách.
Nhờ những nỗ lực trên mà ngành du lịch Lý Sơn ngày càng khởi sắc. Lượng du khách đến đảo tăng bình quân gần 15%/năm. Riêng năm 2019, Lý Sơn đón gần 265 nghìn lượt khách, trong đó có gần 2.000 khách quốc tế.
Hướng đến phát triển du lịch xanh
Để phát triển du lịch bền vững, Lý Sơn đang quan tâm giải quyết “bài toán” về môi trường, tạo ra loại hình du lịch xanh, thân thiện. Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn Lê Văn Ninh cho biết: Để xây dựng Lý Sơn "xanh - sạch - đẹp" trong mắt du khách, chính quyền huyện đã triển khai hàng loạt các biện pháp như vận động người dân đổ rác đúng nơi quy định, xử lý môi trường tại các điểm di tích, thắng cảnh; mở rộng và tăng công suất thu gom, xử lý rác thải. Bên cạnh đó, Lý Sơn đang tập trung thu gom đất thải nông nghiệp, phế thải vật liệu xây dựng trên đảo để xử lý; tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện việc phân loại rác thải tại nguồn, hạn chế sử dụng túi nilon, đồ nhựa dùng một lần...
Trong chiến lược phát triển du lịch, Lý Sơn tiếp tục tranh thủ sự hỗ trợ của tỉnh và ưu tiên bố trí ngân sách địa phương đầu tư hạ tầng phục vụ ngành dịch vụ, du lịch, xây dựng đội ngũ đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch của địa phương; ưu tiên phát triển và nâng cao chất lượng du lịch cộng đồng để người dân tham gia quản lý và hưởng lợi từ hoạt động kinh doanh này; đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến du lịch bằng nhiều hình thức, tạo dựng thương hiệu, uy tín cho du lịch Lý Sơn...
Huyện Lý Sơn phấn đấu đến năm 2025, lĩnh vực du lịch có vị trí quan trọng trong khu vực miền Trung - Tây Nguyên, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện chất lượng sống cho người dân, đồng thời góp phần khẳng định chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Bài, ảnh: TRÍ PHONG
Từ nay đến đầu tháng 9.2020, các cơ quan chức năng huyện Lý Sơn sẽ tổ chức các đợt kiểm tra đột xuất để chấn chỉnh tình trạng mất trật tự, tranh giành, đeo bám, nài nỉ du khách sử dụng dịch vụ trên địa bàn, kể cả thứ 7 và chủ nhật.
Khi phát hiện vi phạm, cơ quan chức năng sẽ tham mưu UBND huyện có biện pháp xử lý theo quy định của pháp luật. Vi phạm lần đầu có thể phạt từ 1 - 3 triệu đồng, vi phạm lần 2 có thể bị tước giấy phép kinh doanh tạm thời.