Phát triển Lý Sơn thành đô thị biển, đảo đặc sắc
(Báo Quảng Ngãi)- Ngày 20/6/2024, UBND tỉnh đã phê duyệt Đồ án Quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2000 đô thị Lý Sơn. Định hướng phát triển là đưa huyện Lý Sơn trở thành đô thị biển, đảo, là trung tâm du lịch biển, đảo quốc gia, có vị trí đặc biệt về quốc phòng - an ninh.
Dự kiến sáng 12/7, Ban Quản lý KKT Dung Quất và các KCN tỉnh phối hợp với huyện Lý Sơn tổ chức công bố Đồ án Quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2000 đô thị Lý Sơn theo Quyết định số 454/QĐ-UBND ngày 20/6/2024 của UBND tỉnh. Theo đó, quy mô diện tích quy hoạch khoảng 1.492ha, trong đó phần diện tích hiện trạng đảo Lý Sơn khoảng 1.039ha và phần diện tích mở rộng liền kề đảo Lý Sơn khoảng 451ha.
Huyện Lý Sơn được tách ra từ huyện Bình Sơn vào năm 1993, là huyện đảo duy nhất của tỉnh, cách đất liền khoảng 30km tính từ cảng Sa Kỳ. Toàn huyện có 2 đảo là đảo Lớn (còn gọi là Cù lao Ré) và đảo Bé (tên gọi khác là Cù lao Bờ Bãi); tổng diện tích tự nhiên khoảng 1.530ha với 1.039ha đất liền và 491ha thềm nước cạn. Theo Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng KKT Dung Quất đến năm 2045 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, huyện Lý Sơn nằm trong quy hoạch chung KKT Dung Quất. Năm 2023, Ban Quản lý KKT Dung Quất và các KCN tỉnh thực hiện nhiệm vụ lập Đồ án Quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2.000 đô thị Lý Sơn (Quy hoạch đô thị Lý Sơn).
Quy hoạch đô thị Lý Sơn kế thừa các quy hoạch còn hiệu lực, có giá trị trên đảo, bao gồm Quy hoạch phát triển du lịch huyện đảo Lý Sơn và Quy hoạch xây dựng tỷ lệ 1/2.000 huyện Lý Sơn đến năm 2030. Các nội dung mà Quy hoạch đô thị Lý Sơn kế thừa, giữ lại gồm khu trung tâm hành chính huyện Lý Sơn; các khu dân cư hiện trạng; các trục đường giao thông chính; các khu vực tôn giáo, tín ngưỡng; khu vực nghĩa trang tập trung; khu vực phát triển du lịch phía bắc của đảo Lớn và một số vị trí phát triển hạ tầng kỹ thuật.
Đồng thời, điều chỉnh ranh giới lập quy hoạch, bổ sung các khu chức năng mới tuân thủ theo Đồ án Quy hoạch chung KKT Dung Quất đã được duyệt. Đó là sân bay và cảng Lý Sơn, cáp treo, bến hành khách quốc tế, các khu đô thị dịch vụ phức hợp, không gian du lịch lễ hội đua thuyền, khu vực tái định cư, sân golf và các khu dịch vụ đi kèm. Ngoài ra, điều chỉnh vị trí các bến neo đậu tàu thuyền để phù hợp với ranh giới mới. Toàn huyện sẽ có 21 công trình, dự án đầu tư từ nguồn vốn ngân sách và ngoài ngân sách bị ảnh hưởng bởi đồ án quy hoạch này.
Huyện Lý Sơn nằm trên Biển Đông, phía đông bắc của tỉnh, là khu vực cửa ngõ của KKT Dung Quất, với vai trò đảm bảo an ninh chủ quyền quốc gia trên biển. Dân số toàn huyện khoảng 24 nghìn người. Những năm qua, kinh tế huyện Lý Sơn luôn có mức tăng trưởng khá, bình quân ước đạt 9,5%/năm.
Về tầm nhìn, trong Quy hoạch đô thị Lý Sơn đặt ra mục tiêu phát triển Lý Sơn trở thành thành phố du lịch quốc tế xanh- sạch - đẳng cấp; phát triển các sản phẩm du lịch dựa trên các giá trị cốt lõi mang tính độc - lạ - hiếm về văn hóa, khám phá, thiên nhiên, nghỉ dưỡng. Tính chất là đô thị biển; là một trong những trung tâm du lịch trọng điểm của quốc gia và của tỉnh; phát triển các loại hình du lịch biển, đảo đặc sắc. Đồng thời, Lý Sơn còn là trung tâm dịch vụ hậu cần nghề nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản; trung tâm tránh trú bão và cứu nạn, cứu hộ trên biển; có vị trí đặc biệt quan trọng về quốc phòng - an ninh.
Quy hoạch đô thị Lý Sơn phân ra 7 tiểu khu chức năng để kiểm soát phát triển. Cụ thể là tiểu khu sân bay Lý Sơn và cơ sở hạ tầng; tiểu khu đô thị dịch vụ phía đông; tiểu khu đô thị dịch vụ trung tâm; tiểu khu đô thị dịch vụ phía tây; tiểu khu du lịch, dịch vụ phía bắc; tiểu khu đảo Bé... Trong đó, sẽ phân ra khu vực phát triển mới và khu vực chỉnh trang, gắn với các giải pháp mở rộng không gian phát triển phù hợp cho từng tiểu khu. Đồng thời, xây dựng danh mục các dự án hạt nhân, trọng điểm để thu hút về đảo, tạo sức lan tỏa phát triển kinh tế - xã hội, liên kết vùng, liên kết đô thị.
Theo đề xuất của đơn vị tư vấn, để phát triển Lý Sơn đúng định hướng, tỉnh cần lựa chọn các phương án đầu tư phát triển phù hợp, đảm bảo khai thác hiệu quả quỹ đất, hạn chế tác động tiêu cực tới môi trường sinh thái, phát triển cân bằng và bền vững. Theo đó, cần phải xây dựng hệ thống các cơ chế chính sách và mô hình quản lý đô thị có yếu tố đặc thù. Đặc biệt là ưu tiên nguồn vốn đầu tư cơ sở hạ tầng, đưa Lý Sơn trở thành đô thị loại IV (giai đoạn 2026 - 2030) và sớm đạt tiêu chí đô thị loại III - đô thị biển, đảo đặc sắc của Quảng Ngãi và của quốc gia trong tương lai.
THANH NHỊ
Thiết kế, trình bày: V.CỦA