Phát triển mạng lưới y tế cơ sở, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân

Tỉnh Bình Phước đang chú trọng xây dựng và phát triển ngành y tế đáp ứng yêu cầu chăm sóc, bảo vệ, nâng cao sức khỏe cho người dân, để mọi người đều được tiếp cận thuận lợi với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh.

Tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân xã miền núi Đăng Hà, huyện Bù Đăng, Bình Phước. Ảnh tư liệu: TTXVN phát

Tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân xã miền núi Đăng Hà, huyện Bù Đăng, Bình Phước. Ảnh tư liệu: TTXVN phát

Trong đó, tỉnh phát triển hệ thống y tế đồng bộ, cân đối giữa y tế dự phòng và điều trị, y tế phổ cập, y tế cộng đồng và y tế chuyên sâu; chú trọng phát triển các dịch vụ y tế chất lượng cao, hướng tới tiêu chuẩn quốc tế.

Tỉnh phấn đấu đến năm 2030, có ít nhất 10 bệnh viện công lập. Trong đó, Bệnh viện Phú Riềng được thành lập mới, 1 bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh hạng 1 và 2 bệnh viện đa khoa tuyến huyện/thị/thành phố hạng 2, ít nhất 2 bệnh viện tư nhân, 11 trung tâm y tế cấp huyện, 111 trạm y tế cấp xã (trước mắt đầy đủ 2 chức năng đối với các trạm y tế xã xa các bệnh viện đa khoa, cơ sở điều trị).

Tỉnh đầu tư cơ sở vật chất, nhân lực, trang thiết bị xây dựng các Trung tâm chuyên sâu trực thuộc Bệnh viện Đa khoa tỉnh để đưa Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Phước lên bệnh viện hạng 1, quy mô khoảng 1.000 giường bệnh. Tỉnh sắp xếp hoặc thành lập các trung tâm gồm: Sản nhi, tim mạch, bệnh nhiệt đới, ung bướu, thận – tiết niệu đến năm 2025; tiến tới thành lập Bệnh viện sản nhi, Bệnh viện nhiệt đới giai đoạn 2026 – 2030. Đồng thời, tỉnh nghiên cứu sáp nhập các khoa của bệnh viện để có nguồn nhân lực dồi dào phát triển kỹ thuật chuyên sâu; phát huy tối đa nguồn lực đầu tư, tránh chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ...

Bình Phước thành lập Bệnh viện Phục hồi chức năng y học cổ truyền trên cơ sở Bệnh viện Y học cổ truyền; phát triển hệ thống y tế tư nhân và xúc tiến thu hút đầu tư xây dựng các bệnh viện tư nhân chất lượng cao theo tiêu chuẩn quốc tế.

Địa phương phát triển mạng lưới cấp cứu và vận chuyển cấp cứu trên địa bàn. Trong đó, tỉnh thiết lập mạng lưới cấp cứu ngoại viện từ tuyến huyện đến tuyến tỉnh với vai trò đầu mối điều phối là Trung tâm vận chuyển cấp cứu 115. Đồng thời kết nối và đảm bảo thông suốt về thông tin, thống nhất trong vận chuyển, điều trị giữa các đơn vị, đảm bảo cấp cứu, hỗ trợ cấp cứu nhanh nhất khi cần.

Tuyến huyện và vùng huyện, tỉnh mở rộng quy mô giường bệnh của 9 trung tâm y tế, đáp ứng yêu cầu là trung tâm đa chức năng gồm khám, chữa bệnh, phục hồi chức năng, y tế dự phòng, dân số và các dịch vụ y tế khác. Trong đó, tỉnh nâng cấp và tách riêng bộ phận khám chữa bệnh của Trung tâm y tế Phước Long và Bình Long thành các bệnh viện hạng 2, quy mô trên 300 giường; thành lập cơ sở khám chữa bệnh của Trung tâm y tế Phú Riềng từ 50 – 100 giường bệnh; nâng cấp Trung tâm y tế Đồng Xoài lên 200 giường bệnh. Quỹ đất phát triển các cơ sở y tế đến năm 2030 là 974ha. Quy mô giường bệnh đến năm 2025 là 3.850 giường, năm 2030 là 4.450 giường.

Bình Phước là một trong 16 địa phương thụ hưởng hợp phần I về đầu tư xây dựng, cải tạo và nâng cấp cơ sở hạ tầng, cung cấp trang thiết bị cho các trạm y tế xã. Từ năm 2019 – 2025, chương trình đầu tư xây mới 20 trạm y tế xã và sửa chữa, nâng cấp 25 trạm y tế xã với tổng mức đầu tư 140 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách trung ương hơn 111,6 tỷ đồng, vốn đối ứng ngân sách tỉnh hơn 28,3 tỷ đồng.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Trần Tuyết Minh khẳng định, lĩnh vực y tế luôn được tỉnh quan tâm về mọi mặt. Địa phương luôn trân trọng các nguồn lực, trong đó có nguồn vốn từ chương trình đầu tư phát triển mạng lưới y tế cơ sở nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân ở các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, so với các tỉnh ở khu vực Đông Nam Bộ, Bình Phước vẫn còn gặp khó khăn, nhất là rào cản tài chính trong tiếp cận dịch vụ y tế.

Làm việc với tỉnh Bình Phước gần đây, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Phan Lê Thu Hằng, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính (Bộ Y tế) nhấn mạnh, dự án “Chương trình đầu tư phát triển mạng lưới y tế cơ sở” có vai trò quan trọng vì mục tiêu hỗ trợ trực tiếp thực hiện Chỉ thị 25-CT/TW của Ban Bí thư về nâng cao chất lượng hoạt động của y tế cơ sở trong tình hình mới. Do đó, chỉ tiêu, chỉ số liên quan y tế cơ sở phải được lồng ghép trong chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội chung của địa phương và phải được đánh giá thường xuyên.

Nhật Bình (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/y-te/phat-trien-mang-luoi-y-te-co-so-dap-ung-nhu-cau-cham-soc-suc-khoe-cua-nguoi-dan-20241218082414654.htm