Phát triển miến dong thành hàng hóa chủ lực

Phát huy tiềm năng của địa phương, tỉnh Bắc Kạn đã nâng tầm sản phẩm miến dong vươn xa, khẳng định được thương hiệu, chất lượng. Trong giai đoạn tới, tỉnh tiếp tục thực hiện các giải pháp với mục tiêu, phát triển miến dong thành sản phẩm hàng hóa chủ lực của địa phương.

Bắc Kạn có truyền thống trồng dong riềng và sản xuất miến dong, đặc biệt là 2 huyện Ba Bể và Na Rì. Từ lợi ích của việc trồng dong riềng và chế biến miến dong mang lại, hơn 10 năm qua, tỉnh Bắc Kạn đã thực hiện nhiều giải pháp để thúc đẩy nghề truyền thống này phát triển. Đến nay, miến dong Bắc Kạn đã được sản xuất hàng hóa theo chuỗi, được công nhận nhãn hiệu tập thể, chỉ dẫn địa lý…

Cùng với đó, những năm trở lại đây, các cơ sở sản xuất miến dong trên địa bàn tỉnh không ngừng nỗ lực cải thiện chất lượng cũng như mẫu mã, bao bì sản phẩm. Nhờ vậy, các sản phẩm miến của Bắc Kạn ngày càng đa dạng, đáp ứng nhu cầu của thị trường. Nhiều sản phẩm đã được công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của tỉnh, sản phẩm OCOP xếp hạng 3 sao, 4 sao, 5 sao như miến dong Hợp tác xã Tài Hoan; miến dong của Cơ sở Nhất Thiện; miến dong Triệu Thị Tá…

Trên địa bàn tỉnh, số cơ sở chế biến miến dong ngày càng tăng. Miến dong đã trở thành một sản phẩm hàng hóa có giá trị cao được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh ưa chuộng. Không những thế, sản phẩm miến dong Bắc Kạn đã được xuất khẩu vào thị trường châu Âu và luôn có giá cao hơn miến dong ở nơi khác…

Dong riềng được trồng nhiều ở xã Xuân La (Pác Nặm).

Dong riềng được trồng nhiều ở xã Xuân La (Pác Nặm).

Mặc dù vậy, hoạt động sản xuất miến dong còn nhiều hạn chế, chưa phát huy hết tiềm năng, lợi thế. Sản phẩm miến dong được sản xuất tại địa phương lại chưa thực sự tương xứng với tiềm năng về nguồn nguyên liệu cũng như nhu cầu thị trường tiêu thụ. Diện tích trồng dong riềng ngày càng thu hẹp, từ 2.900ha lúc cao điểm, đến nay chỉ đạt khoảng 700ha/năm. Khả năng chế biến và liên kết với các doanh nghiệp, nhà phân phối còn nhiều hạn chế nên hằng năm vẫn còn một lượng lớn tinh bột dong riềng bán ra ngoài tỉnh, trong khi sản lượng miến dong được sản xuất tại Bắc Kạn còn rất khiêm tốn, chưa đủ đáp ứng nhu cầu thị trường. Trên địa bàn tỉnh chưa có cụm công nghiệp sản xuất miến dong tập trung nên công tác bảo vệ môi trường gặp nhiều khó khăn; việc sản xuất theo kiểu mạnh ai nấy làm nên chất lượng không đồng đều khiến cho miến dong Bắc Kạn có nguy cơ mất thương hiệu…

Thực tế cho thấy, trong các nông sản có lợi thế thì miến dong là mặt hàng có điều kiện tốt nhất để gia tăng diện tích trồng dong riềng và sản lượng sản xuất miến. Bởi vì Bắc Kạn có điều kiện tự nhiên được đánh giá là phù hợp với cây dong riềng, có thời điểm toàn tỉnh đã trồng tới 2.900ha. Sản lượng miến dong hiện nay chưa đủ tiêu thụ trên thị trường, nhất là những tháng cuối năm. Rất nhiều chuỗi siêu thị, nhà bán lẻ đã liên hệ nhưng địa phương không thể đáp ứng được…

Nhằm đưa miến dong Bắc Kạn phát triển thành sản phẩm hàng hóa chủ lực, tỉnh đã đề ra mục tiêu trồng dong riềng hằng năm ổn định 800 - 1.000ha, sản lượng đạt 59.000 tấn. Toàn bộ củ tươi chế thành tinh bột là 8.000 tấn tinh bột, sản xuất thành 4.800 tấn miến thành phẩm; diện tích đạt các tiêu chuẩn về ATTP là 800ha. Trong đó diện tích được chứng nhận đạt tiêu chuẩn sản phẩm hữu cơ là 240ha và truy xuất được nguồn gốc.

Để đạt được mục tiêu trên, tỉnh đã xây dựng vùng trồng cây dong riềng ổn định từ 800 - 1.000ha, tập trung tại các xã: Côn Minh, Quang Phong, Trần Phú (Na Rì); các xã: Mỹ Phương, Chu Hương, Yến Dương (Ba Bể) và một số vùng phụ cận khác như huyện Bạch Thông. Đồng thời, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật trong trồng trọt và khoa học công nghệ trong chế biến, phấn đấu 100% sản lượng củ dong riềng được chế biến thành các sản phẩm như: Miến dong, viên nang miến dong, miến dong ăn liền... Áp dụng các tiêu chuẩn trong sản xuất để 100% sản phẩm miến dong đạt tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm, có nhãn mác bao bì và truy xuất nguồn gốc. Tập trung thực hiện các quy trình kỹ thuật sản xuất hữu cơ trong trồng trọt, phấn đấu đến năm 2025 có 30% sản phẩm miến đạt tiêu chuẩn sản phẩm hữu cơ.

Cùng với đó, tỉnh đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ các cơ sở chế biến như: Hỗ trợ mở rộng nhà xưởng, nâng công suất sản xuất miến, đáp ứng được các tiêu chuẩn về môi trường. Đăng ký nhãn hiệu tập thể miến dong Bắc Kạn tại một số thị trường nước ngoài tiềm năng để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, HTX xây dựng chiến lược xuất khẩu sản phẩm miến dong trong thời gian tới…

Hy vọng với những giải pháp cụ thể, sản phẩm miến dong Bắc Kạn tiếp tục phát triển, nâng cao sản lượng, chất lượng, đưa miến dong trở thành sản phẩm chủ lực trong thời gian tới./.

Phan Quý

Nguồn Bắc Kạn: http://baobackan.com.vn/kinh-te/202109/phat-trien-mien-dong-thanh-hang-hoa-chu-luc-9fc3711/