Phát triển mô hình kinh tế trang trại
Những năm qua, mô hình kinh tế trang trại đã góp phần tích cực đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp của tỉnh; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, chuyển đổi phương thức sản xuất từ quy mô nhỏ, tự cấp, tự túc sang sản xuất hàng hóa tập trung với quy mô lớn gắn với thị trường, mở ra hướng làm giàu cho nông dân.
Sơn La là tỉnh có nhiều tiềm năng phát triển nông nghiệp, có nhiều tiểu vùng khí hậu khác nhau là lợi thế để đa dạng hóa các sản phẩm nông nghiệp, đặc biệt là cao nguyên Mộc Châu và cao nguyên Nà Sản, có điều kiện thuận lợi cho việc phát triển các loại cây công nghiệp, cây ăn quả và các loại rau, hoa có nguồn gốc ôn đới. Tỉnh ta đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tạo chuyển biến tích cực, người dân mạnh dạn đầu tư thâm canh, đưa các giống mới, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, hình thành các vùng sản xuất nông sản tập trung, tăng năng suất và chất lượng sản phẩm cũng như sức cạnh tranh trên thị trường; trình độ tổ chức sản xuất của nông dân, nhất là liên kết sản xuất thông qua tổ hợp tác, hợp tác xã, tham gia chuỗi liên kết ngày càng phát triển. Năm 2019, giá trị tăng thêm khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản của tỉnh ước đạt 7.478 tỷ đồng, tăng 2,4% so với năm 2018. Các hợp tác xã nông nghiệp, mô hình kinh tế trang trại phát triển mạnh về số lượng, tiếp tục được củng cố về tổ chức quản lý, năng lực quản trị; hình thành các chuỗi liên kết giữa sản xuất với chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Toàn tỉnh hiện có 337 trang trại, tổng diện tích trên 700 ha đất, sử dụng trên 4.600 lao động. Các trang trại có quy mô vốn bình quân trên 400 triệu đồng/trang trại, bằng 40% mức vốn bình quân của các HTX trên địa bàn tỉnh và cao gấp 8 lần so với mức vốn bình quân mô hình tế hộ gia đình. Đây là kết quả vượt trội và khẳng định được hiệu quả mà kinh tế trang trại đạt được. Vốn đầu tư của các trang trại tập trung vào lĩnh vực chăn nuôi chiếm trên 60%, đầu tư vào lĩnh vực trồng trọt chiếm trên 30%, còn lại là đầu tư vào phát triển thủy sản và các lĩnh vực khác. Hiệu quả các trang trại đạt được ở mức khá cao so với bình quân chung về kinh tế trang trại cả nước. Năm 2018, giá trị sản xuất bình quân của các trang trại ở tỉnh ta đạt 1,25 tỷ đồng/trang trại/năm. Trong đó, trang trại chăn nuôi đạt mức giá trị cao nhất là 2,07 tỷ đồng/trang trại/năm, trang trại tổng hợp đạt 1,23 tỷ đồng/trang trại/năm, trang trại trồng trọt đạt 727 triệu đồng/trang trại/năm. Nếu chỉ tính lao động thường xuyên của các trang trại thì hiệu suất bình quân xấp xỉ 220 triệu đồng/lao động/năm.
Các hộ dân đã mạnh dạn học hỏi, đầu tư sản xuất kinh doanh theo hướng hàng hóa, kết hợp du lịch, dịch vụ sinh thái, nghỉ dưỡng, từ đó hình thành các trang trại, gia trại theo hướng tập trung, quy mô lớn. Nhiều gia đình trước đây sản xuất nông nghiệp thuần túy, nay đã phát triển theo các mô hình trang trại, gia trại kết hợp du lịch, đem lại nguồn thu nhập từ 500 triệu đến 1 tỷ đồng/năm. Điển hình, như: Mô hình kinh tế trang trại tổng hợp của gia đình anh Lò Khánh Thủy, tiểu khu Chờ Lồng, thị trấn Nông trường Mộc Châu; mô hình gia trại tổng hợp của gia đình các ông Ngọc Hạnh, Trần Việt Dũng, xã Đông Sang (Mộc Châu); mô hình trồng cây ăn quả của gia đình ông Đào Đức Năm, Đỗ Xuân Khởi, Đặng Đình Thị, xã Chiềng Ban (Mai Sơn); mô hình nuôi cá giống của gia đình ông Lò Văn Sum, xã Chiềng Đông (Yên Châu); mô hình nuôi cá lồng của anh Là Văn Đoán, xã Chiềng Bằng (Quỳnh Nhai).
Ông Nguyễn Thế Phương, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh, cho biết: Việc liên kết các hộ, trang trại gắn với thành lập HTX kiểu mới sẽ tạo ra động lực kép, đột phá phát triển của ngành nông nghiệp, vừa duy trì sự nỗ lực, sáng tạo cao nhất của từng hộ nông dân vì họ vẫn đóng vai trò chủ đạo đối với hoạt động sản xuất nông nghiệp, đồng thời lại nhận được sự hỗ trợ từ các HTX để nâng cao năng lực cạnh tranh, tiếp cận với các chế độ, chính sách của Nhà nước, kết nối với các doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm. Qua đánh giá thực tiễn, các HTX được thành lập với nền tảng thành viên là các trang trại, gia trại có tiềm năng phát triển mạnh mẽ, góp phần vào phát triển các cơ sở công nghiệp chế biến nông - lâm sản để tham gia vào thị trường trong nước và xuất khẩu.
Hiệu quả kinh tế trang trại từng bước khẳng định vai trò trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, quy mô của các trang trại hiện nay vẫn còn nhỏ lẻ, manh mún, thiếu liên kết trong sản xuất, tiêu thụ. Để kinh tế trang trại phát triển ổn định, bền vững, các cấp, ngành cần có chính sách đặc thù nhằm cơ cấu lại kinh tế trang trại phù hợp; đẩy mạnh xúc tiến tiêu thụ nông sản, tăng cường công tác dự báo cung, cầu nhằm tránh tình trạng nông sản bị tồn đọng, tiêu thụ chậm, giá giảm, nhất là vào thời điểm thu hoạch chính vụ, ảnh hưởng đến sản xuất, thu nhập của người dân. Phát triển công nghiệp chế biến, bảo quản nông sản thông qua các hình thức liên kết, đầu tư của doanh nghiệp để khắc phục những rủi ro sau thu hoạch cho nông dân, đồng thời nâng cao chất lượng nông sản trong sản xuất và tiêu thụ.
Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/phat-trien-mo-hinh-kinh-te-trang-trai-28003