Phát triển mô hình sinh kế, tạo việc làm qua các dự án khởi nghiệp
Khởi nghiệp bằng những mô hình sinh kế không chỉ giúp người khởi nghiệp có thêm thu nhập mà còn giải quyết việc làm cho nhiều lao động tại địa phương. Bước đầu, những mô hình này mang lại tín hiệu tích cực, giúp nhiều người có thêm động lực làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.
“Đổi mới sáng tạo thông qua hoạt động chế biến sâu từ cây chuối cho vùng trũng Hải Phong, Hải Lăng, Quảng Trị và tạo thêm sinh kế cho lao động địa phương” là một trong những dự án được đánh giá cao tại cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo năm 2024 của tỉnh.
Thông qua việc tạo ra sản phẩm chuối phủ sô cô la cao cấp với các hương vị khác nhau, Công ty TNHH SUKHA hướng đến nhiều đối tượng khách hàng trong nước, quốc tế với cam kết tạo ra sản phẩm đẹp về mẫu mã, đảm bảo về chất lượng. Các sản phẩm chủ đạo của công ty gồm chuối sấy dẻo; bột chuối xanh; chuối sấy dẻo phủ sô cô la (chuẩn bị ra mắt).
Chị Ngô Thị Hạnh (sinh năm 1994) - đại diện dự án - là người từng có 8 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực quản trị nhân sự của Công ty phần mềm tại Đà Nẵng. Chị chia sẻ: “Tôi và các cộng sự mong muốn phát triển quê hương sau một thời gian đi làm nên quyết định thành lập Công ty TNHH SUKHA và xưởng sản xuất SUKHA FARM để thực hiện ước mơ này. Công ty của chúng tôi chuyên về trái cây sấy ăn vặt, thực phẩm dinh dưỡng lành mạnh”.
Cũng theo chị Hạnh, tầm nhìn của dự án là tạo ra hệ sinh thái phát triển nông nghiệp linh hoạt và bền vững cho các vùng đồng bằng thường xuyên chịu ảnh hưởng bởi thiên tai. Thông qua đó, dự án góp phần tạo việc làm cho người lao động có hoàn cảnh khó khăn, người yếu thế hoặc thiệt thòi tại địa phương; đầu tư vào thế hệ trẻ nhằm góp phần phát triển nguồn nhân lực chất lượng trong tương lai. Hiện tại, dự án giải quyết việc làm cho 3 lao động địa phương; hỗ trợ 5 trẻ mồ côi trên địa bàn xã Hải Phong, huyện Hải Lăng. Kế hoạch năm 2025, dự án sẽ giải quyết việc làm cho 10-20 lao động. Mục tiêu doanh thu công ty đặt ra là 75 triệu đồng vào quý IV/2024, ngay khi mở bán.
Xã Hải Phong là vùng đồng bằng trũng thấp, người dân ở đây chủ yếu làm nông nghiệp. Trước khi bắt tay vào xây dựng dự án, nhóm tác giả đặt ra các câu hỏi: với 2 vụ lúa một năm liệu có đáp ứng được mức sống và nhu cầu sinh hoạt của người dân trong xã? Để định hướng tạo ra hệ sinh thái nông nghiệp phát triển du lịch cộng đồng thì cần những hoạt động gì và sự phối hợp nguồn lực như thế nào? Làm gì để phát triển thêm các sản phẩm thương mại từ nguồn nguyên liệu trong tỉnh nhằm tăng nhu cầu việc làm cho những hộ gia đình khó khăn trong thời gian rảnh và trong mùa lũ?
Để giải quyết các câu hỏi trên, nhóm bạn trẻ quyết định triển khai dự án “Đổi mới sáng tạo thông qua hoạt động chế biến sâu từ cây chuối cho vùng trũng Hải Phong, Hải Lăng, Quảng Trị và tạo thêm sinh kế cho lao động địa phương”.
Chị Hạnh cho biết, dự án được triển khai tại xã Hải Phong giúp người dân có thêm thu nhập nếu khai thác tốt nguồn nguyên liệu dồi dào trong tỉnh. Cụ thể, tỉnh Quảng Trị có vùng nguyên liệu chuối lớn ở xã Tân Long, huyện Hướng Hóa với diện tích hơn 1.800 ha, diện tích này trên cả nước khoảng 150.000 ha (theo thống kê sơ bộ của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam năm 2023).
Công ty TNHH SHUKHA sẽ thu mua nguyên liệu từ các hộ nông dân ở các xã Tân Long, Hải Phong và có chính sách riêng về phát triển bền vững cho người dân thông qua lộ trình phát triển của công ty. “Như vậy, dự án không sợ thiếu hụt nguyên liệu để sản xuất quanh năm. Thay vì theo đuổi những sản phẩm đã quá quen thuộc như chuối sấy dẻo thông thường, SUKHA dựa vào nguồn lực con người có trình độ chuyên môn tốt để tạo ra sản phẩm mang tính đổi mới, sáng tạo hơn, từ đó có thể bán với giá cao hơn. Quan trọng là dự án của chúng tôi phù hợp với quy mô doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng như năng lực sản xuất thời điểm này”, chị Hạnh bày tỏ.
Từ năm 2021, Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp sạch Tây Sơn đã nghiên cứu thành công thức ăn đạm cá làm nguyên liệu và kết hợp với các nguyên liệu khác từ sản phẩm nông nghiệp, phụ phẩm nông sản và áp dụng chế phẩm vi sinh vật tạo ra thức ăn hỗn hợp vi sinh làm nguồn thức ăn giàu dinh dưỡng phục vụ chăn nuôi.
Đến năm 2022, HTX ứng dụng tiến bộ kỹ thuật về máy móc, thiết bị công nghệ, đóng gói bao bì sản xuất sản phẩm “Thức ăn hỗn hợp vi sinh Tây Sơn”. Đến nay, mỗi năm HTX sản xuất hơn 300 tấn thức ăn hỗn hợp vi sinh Tây Sơn phục vụ xã viên và các trang trại liên kết, góp phần tiết kiệm 30% chi phí sản xuất, giảm thiểu các tác động đến môi trường. Mới đây, HTX Tây Sơn tham gia cuộc thi khởi nghiệp với dự án “Sản xuất thành công sản phẩm thức ăn hỗn hợp vi sinh Tây Sơn từ nguồn sản phẩm, phụ phẩm nông sản phục vụ chăn nuôi”.
Theo anh Nguyễn Đăng Vương, đại diện nhóm tác giả, dự án này định hướng nhân rộng mô hình ứng dụng chế phẩm vi sinh Pro-QTMIC kết hợp các nguồn phụ phẩm nông sản tạo thành đạm cá và các nguyên liệu để sản xuất thức ăn chăn nuôi đủ thành phần dinh dưỡng, không phụ thuộc vào cám công nghiệp. Đồng thời ứng dụng thiết bị công nghệ vào chế biến sâu thức ăn chăn nuôi, kéo dài thời gian bảo quản sản phẩm.
Ngoài hiệu quả kinh tế, thông qua các sản phẩm được HTX Tây Sơn sản xuất đưa ra thị trường đã góp phần giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương. Hiện tại, với quy mô mỗi năm cung cấp ra thị trường hơn 300 tấn thức ăn hỗn hợp vi sinh Tây Sơn, việc làm của 25 thành viên HTX và các trang trại liên kết được đảm bảo.
Theo kế hoạch, dự án này sẽ tăng năng suất lên 500 tấn vào năm 2025, kéo theo nhu cầu giải quyết việc làm tăng thêm. Ngoài ra, dự án có ý tưởng nhân rộng mô hình ứng dụng chế phẩm vi sinh vật theo Đề án “Ứng dụng chế phẩm vi sinh vật trong sản xuất nông nghiệp giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Quảng Trị”, đến các hộ nông dân trong toàn tỉnh.
Anh Nguyễn Đăng Vương cho biết: Chúng tôi sẵn sàng chuyển giao kỹ thuật cho nông dân trong sản xuất thức ăn hữu cơ vi sinh nhằm giúp họ đổi mới tư duy sản xuất; sử dụng sản phẩm, phụ phẩm nông sản hiệu quả, đồng thời giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động.