Chỉ số giá tiêu dùng tại TP.HCM tăng, cao nhất là giá dịch vụ y tế, giáo dục và điện
Theo Cục Thống kê TP.HCM, một số mặt hàng tăng giá đã tác động đáng kể đến mức tăng chỉ số giá tiêu dùng bình quân năm 2024.
Cục Thống kê TP.HCM vừa báo cáo tình hình kinh tế xã hội quý IV và năm 2024.
Trong đó, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12 tăng 0,33% so với tháng trước. Một trong những nguyên nhân tác động đến CPI tháng 12 tăng do giá nhà ở thuê, giá điện điều chỉnh tăng.
Cụ thể, trong 11 nhóm hàng tính chỉ số giá tiêu dùng có tám nhóm hàng chỉ số giá tăng. Đáng chú ý nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng có chỉ số giá tăng cao nhất 1,02%.
Tiếp đến là chỉ số giá nhóm giao thông tăng 0,65%. Tăng cao thứ ba là nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,54%, trong đó giá du lịch trọn gói tăng cao nhất.
CPI bình quân quý IV tăng 3,44% so với cùng kỳ năm trước, trong 11 nhóm hàng, chỉ số giá nhóm giáo dục tăng cao nhất 8,91%.
Chỉ số giá tiêu dùng bình quân năm 2024 trên địa bàn TP.HCM tăng 3,24%, trong 11 nhóm hàng tính CPI có 10 nhóm hàng chỉ số giá tăng.
Theo Cục Thống kê TP.HCM, chính sách bình ổn thị trường góp phần ổn định giá cả. Tuy nhiên một số mặt hàng tăng giá đã tác động đáng kể đến mức tăng chỉ số giá tiêu dùng bình quân năm 2024.
Cụ thể, chỉ số giá dịch vụ y tế tăng 9,37% do việc điều chỉnh theo Thông tư 22 của Bộ Y tế; điện sinh hoạt tăng 8,82%; dịch vụ giáo dục tăng 8,85% do việc điều chỉnh giá học phí năm học 2024-2025; giá lương thực tăng 8,28% do nhu cầu nhập khẩu gạo tăng mạnh ở nhiều quốc gia.
Về thương mại dịch vụ, trong quý IV, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên đại bàn đạt 335.726 tỉ đồng, tăng 11,4% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung cả năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 1.205.309 tỉ đồng, tăng 10,5% so với năm ngoái.
Cục Thống kê TP.HCM nhận định, hoạt động thương mại dịch vụ trên địa bàn tiếp tục hồi phục và tăng trưởng.
Các chương trình kích cầu tiêu dùng, du lịch được triển khai đồng bộ, đổi mới đầu tư cả quy mô và chất lượng...thu hút đông đảo người dân và khách du lịch.
Đáng chú ý, chiếm gần 47% trong tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng, doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 565.013 tỉ đồng, tăng 10,6% so với năm ngoái.
Chiếm 38,6% trong tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng, doanh thu dịch vụ khác ước đạt 465.224 tỉ đồng, tăng 8,3%.
Trong đó, doanh thu kinh doanh bất động sản ước đạt hơn 282.100 tỉ đồng, chiếm 60,6% trong doanh thu dịch vụ khác, tăng 7,9% so với cùng kỳ.
Theo Cục Thống kê, thị trường bất động sản đã có dấu hiệu hồi phục khi các chính sách hỗ trợ của Nhà nước phát huy hiệu quả, lãi suất huy động và cho vay sản xuất kinh doanh giảm, tạo điều kiện người dân, doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn.